Trong khi kinh tế nhiều nước trên thế giới tăng trưởng còn rất thấp, thậm chí có nước còn tiếp tục suy thoái thì năm 2014, GDP của Việt Nam đạt 5,9%. Tuy nhiên, theo cộng đồng các doanh nghiệp, ý nghĩa không chỉ là từ những gói hỗ trợ, kích cầu mà quan trọng hơn chính là sự điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của của Chính phủ – đây chính là khởi nguồn cho các ngành vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển cho năm 2014, đặc biệt là xung lực cho năm 2015.
Ổn định kinh tế vĩ mô
Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2014 Việt Nam đã đạt được những thành quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực cả về phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng an ninh, tăng cường đối ngoại, cải thiện môi trường kinh doanh.
Với sự tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp (DN) như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tín dụng, đất đai, xây dựng, thành lập và giải thể DN, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng…, nhờ đó môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện, huy động và sử dụng ngày càng tốt hơn các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.
Nhận định của các tổ chức nước ngoài, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng: kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 5%. Chỉ số CPI cả năm chỉ dao động quanh ngưỡng 3%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, thấp nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được tích cực triển khai thực hiện tăng cường quản lý, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Bên cạnh việc tăng cường quản lý và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tái cơ cấu DN nhà nước, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, Chính phủ còn đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Đến nay, cơ bản hoàn thành tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, giảm 7 tổ chức tín dụng. Năng lực tài chính của ngân hàng thương mại tăng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng dự kiến cả năm tăng 12 – 14% theo kế hoạch Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Theo ông Phạm Xuân Hòe, Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước thì tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Việc huy động vốn trong năm 2014 tương đối thuận lợi, kim ngạch XK tăng nên nguồn dự trữ ngoại tệ hiện nay khá dồi dào, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên… Tất cả các yếu tố này để thấy rằng kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng, GDP đạt 5,9% là hoàn toàn có cơ sở.
Các động lực tăng trưởng kinh tế
Có thể nói, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm nay đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 8 – 10% so với 2013. Đáng lưu ý, trong 4 động lực tăng trưởng hiện nay, khối FDI đang giữ vai trò phát triển tốt nhất. Với xu hướng những DN hàng đầu thế giới đang chuyển dịch từ Trung Quốc vào các nước lân cận, trong đó có Việt Nam thì những năm tiếp theo, dự báo động lực tăng trưởng này vẫn duy trì tốt.
Tiếp theo là sản xuất công nghiệp (SXCN), theo Bộ Công Thương, SXCN năm 2014, đặc biệt là những tháng cuối năm có sự bứt phá rất lớn. Với 20.549 tỷ đồng trong năm nay, cho thấy SXCN bớt khó khăn hơn và là tín hiệu khả quan để thúc đẩy công nghiệp có thể tăng trưởng, đóng góp tốt hơn cho toàn bộ nền kinh tế.
Về xuất khẩu (XK), có thể nói đây là năm rất khó dự báo khi những tháng giữa năm chịu sự tác động từ vụ căng thẳng biển Đông, nhiều mặt hàng XK chủ lực của chúng ta sang thị trường Trung Quốc bị chững lại. Tuy nhiên, năm 2014, XK lại đột phá ấn tượng với kim ngạch đạt khoảng 150 tỷ USD, tăng 13%. Cán cân thương mại, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế tổng thể tiếp tục thặng dư do nhập khẩu khoảng 146,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng XK có tốc độ tăng cao, cụ thể như: hạt tiêu tăng 41,5%, cà phê tăng 31%, giầy dép tăng 24,5%, hạt điều tăng 23,7%, thủy sản tăng 23,7%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 22,1%, dệt may tăng 19%… Điều cần khẳng định ở đây là từ con số kim ngạch XK tăng trưởng cho thấy, sự nỗ lực của các Bộ ngành, nhất là các DN Việt Nam đã có sự chủ động tích cực trong việc mở rộng thị trường XK, tránh lệ thuộc vào một số thị trường tập trung.
Thành công tiếp nữa là công tác hội nhập, sau 6 năm trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới – WTO, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga – Belarut – Cadacxtan… Năm 2014, không chỉ mở ra nhiều hứa hẹn trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng mà còn là năm bản lề Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2015 – 2020, đồng thời cũng là năm bản lề của hội nhập khu vực ASEAN nhằm hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.
Cùng với những chỉ tiêu chuyển biến tích cực nêu trên thì thị trường bất động sản trong năm 2014 cũng phục hồi tích cực. Có những địa phương tăng tới 200% các vụ giao dịch so với năm 2013, tính thanh khoản cao. Du lịch cũng đã tăng 10,4%, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8 triệu lượt… Tất cả những kết quả này chính là bệ phóng để năm 2015, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, trên thực tế năm 2014, Việt Nam vẫn còn những dư địa tăng trưởng kinh tế nếu tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xã hội, giải quyết một số động lực tăng trưởng tốt hơn như: tận dụng điều hành chính sách tiền tệ; giải cứu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; kích hoạt nhanh hơn thị trường bất động sản; làm cho tác dụng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước nhanh và có hiệu quả hơn; phát triển công nghiệp hỗ trợ tốt hơn… |
Theo Kinh tế Việt Nam