Sản xuất sạch hơn tại Công ty Giấy Phong Châu

Công ty CP giấy Phong Châu – Phú Thọ chủ yếu sản xuất giấy Krap sóng từ nguyên liệu tre nứa, các loại giấy phế thải và các chất phụ gia khác với công suất 10.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, như ngành giấy Việt Nam, công ty cũng gặp vấn đề nan giải về giải quyết ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, Công ty CP giấy Phong Châu đã áp dụng 4 giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH), cải thiện đáng kể được vấn đề này.

Vì công ty sử dụng công nghệ kiềm lạnh nên thải ra môi trường nguồn nước thải có chứa kiềm dư, bột giấy lơ lửng có chứa hàm lượng BOD, COD cao. Nước thải của công ty không xử lý tại chỗ mà được Công ty Giấy Bãi Bằng cho phép nhập vào dòng thải của công ty. Ngoài ra công ty cũng thải ra môi trường một lượng khí thải do quá trình cháy của lò hơi. Các khí thải gồm CO2, SO2 và bụi than. Chất thải rắn bao gồm các loại xơ sợi xenlulo phân hủy từ bãi nguyên liệu được đổ chung vào bãi thải rắn của Công ty Giấy Bãi Bằng. Trên cơ sở thấy được những tác động tới môi trường, công ty đã tham gia dự án SXSH trong khuôn khổ “Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp” của Bộ Công Thương (CPI) và thực hiện 4 giải pháp hiệu quả.

Thứ nhất là công ty đã chuyển đổi từ lò hơi đốt than sang lò hơi đốt Biomass của Công ty Giấy Bãi Bằng. Công trình được khởi công bắt đầu từ quý IV/2008 và đưa vào vận hành quý I/2009. Giải pháp đã đưa lại lợi ích rất lớn về kinh tế cho công ty: tiết kiệm được 412.000đ x 4.932.000 tấn sản phẩm/năm, mỗi năm tiết kiệm được gần 1,9 tỷ đồng. Giải pháp cũng góp phần giảm thiểu đáng kể ô nhiễm về môi trường như giảm lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, giảm lượng khí SO2 khoảng 3,4 tấn/năm; giải quyết lượng Biomass thải của Công ty Giấy Bãi Bằng đang gây ô nhiễm môi trường.

Thứ hai là giải pháp hoàn thiện mái che nguyên liệu lò hơi. Nguyên liệu lò hơi chủ yếu là các loại Biomass thải của Công ty Giấy Bãi Bằng, khi không có mái che, loại nguyên liệu này sẽ bị phân hủy gây ô nhiễm nguồn nước và tạo bụi khi nắng to. Đặc biệt, loại nguyên liệu này nếu không có mái che khi trời mưa sẽ bị trôi đi rất nhiều gây lãng phí và ô nhiễm. Kể từ khi có mái che, lượng Biomass đảm bảo độ ẩm cho phép nên đưa vào lò cháy rất tốt, đem lại lợi ích về kinh tế rất lớn.

Giải pháp thứ ba là xây dựng nhà chứa nguyên liệu xeo II và xeo III. Nguyên liệu sản xuất giấy Krap của công ty chủ yếu được thu mua từ giấy loại thu gom về tập kết tại sân của công ty nên không có mái che. Mưa gây thối mủn làm ô nhiễm nguồn nước và bị hao rất nhiều. Khi trời nắng và gió to sẽ sinh ra nhiều bụi phát tán vào môi trường. Từ khi đưa mái che vào sử dụng, việc nguyên liệu bị thất thoát và mủn thối được khống chế triệt để, không làm ô nhiễm môi trường. Ước tính, dự án đem lại lợi ích khoảng gần 500 triệu đồng/năm.

Giải pháp thứ tư là xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ phần xây dựng hệ thống bể và rãnh thu gom nước của công ty đã xây dựng xong, đang tiến hành lắp đặt thiết bị. Dự tính khi đưa vào vận hành, hệ thống xử lý nước thải sẽ đem lại khoảng 210.000m3/năm nguồn nước tái sử dụng, thu lợi 84 triệu đồng/năm. Hệ thống này còn góp phần thu hồi một lượng bột trong nước thải ước tính khoảng 750 tấn/năm, thu lợi gần 1,9 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, việc triển khai giải pháp còn đem lại những lợi ích về môi trường như giảm lượng nước thải và bột giấy thải ra môi trường, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.

Qua thực hiện 4 giải pháp SXSH, Công ty CP Giấy Phong Châu đã cải thiện đáng kể được vấn đề môi trường, mỗi năm mang lại lợi ích hàng tỉ đồng. Đại diện công ty cho biết: Lợi ích từ SXSH là rất lớn, cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng cho các doanh nghiệp trong cả nước để SXSH trở thành mô hình sản xuất không thể thiếu của các doanh nghiệp trên con đường phát triển bền vững./.

Minh Kỳ

baomoi.com