Hợp phần “Sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp” (CPI) là một trong 6 hợp phần của Chương trình Hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực môi trường giai đoạn 2006-2010, được triển khai dưới sự giúp đỡ của Vương quốc Đan Mạch tại 5 tỉnh mục tiêu gồm: Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Nam và Bến Tre. Sau 5 năm triển khai, kết quả bước đầu đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc áp dụng sản xuất sạch bảo vệ môi trường, đồng thời tạo sức lan toả rộng.
Hiệu quả cao
Số vốn hỗ trợ ban đầu cho CPI là 55 triệu Kuron Đan Mạch trên tổng hỗ trợ cho toàn Chương trình là 250 triệu. Mục đích của Hợp phần là cải thiện chất lượng môi trường và cuộc sống của những người dân sống, làm việc xung quanh và trong các cơ sở sản xuất công nghiệp thông qua cải thiện hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường của các cơ sở công nghiệp. Đặc biệt từ năm 2009, với sự ra đời của Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020, Hợp phần bắt đầu hỗ trợ Bộ Công Thương thực hiện chiến lược tại các tỉnh thành trên cả nước, tạo đà cho Bộ tiếp tục thực hiện Chiến lược ngay cả khi Chương trình hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch về môi trường kết thúc.
Đến nay qua 5 năm thực hiện, Hợp phần đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Các giải pháp SXSH đã giúp cải thiện đáng kể năng suất và hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp, mặc khác cũng góp phần đáng kể giảm thiểu mức độ ô nhiễm trong môi trường làm việc và nguồn phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường xung quanh của doanh. Số lượng các dự án trình diễn đã vượt xa kế hoạch mà hợp phần đặt ra là sẽ có 40 doanh nghiệp tại 5 tỉnh mục tiêu trong giai đoạn 2005 – 2010. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tham gia trình diễn đã là 57. Ngoài ra, trên 3000 doanh nghiệp tại 5 tỉnh mục tiêu và hàng trăm doanh nghiệp tại 38 tỉnh, thành phố khác trên cả nước đã được tiếp cận các hoạt động hoặc kiến thức liên quan đến SXSH. Đặc biệt các dự án đã được CPI triển khai đều đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Theo kết quả quan trắc mà các tỉnh báo cáo thì tại các tỉnh mục tiêu, công tác quản lý ô nhiễm đã được nâng cao hơn một bước, SXSH đạt tỷ lệ khá cao như ngành sản xuất giấy tại Phú Thọ giảm được lượng tiêu thụ nước từ 15% – 30%, điện từ 10% – 15%, nguyên liệu đầu vào khoảng 5%; Ngành luyện kim tại Thái Nguyên giảm lượng tiêu thụ điện từ 5% – 10%, than từ 7% – 20% …Đối với các doanh nghiệp trình diễn đã hoàn thành giai đoạn 2 thì mức tiêu thụ than giảm trung bình từ 23,2%; tiêu thụ dầu FO giảm trung bình 87%; tiêu thụ điện giảm trung bình 9%; tiêu thụ nước giảm trung bình khoảng 23,6%; tiêu thụ củi giảm trung bình 55,1%…
Đối với hệ thống tổ chức ở Trung ương, CPI đã có nhiều hỗ trợ để thành lập Trung tâm Môi trường và Sản xuất sạch – Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương. Cụ thể là hỗ trợ nâng cao năng lực cho Trung tâm; giao cho Trung tâm thực hiện việc giám sát hiệu quả của các dự án trình diễn, nghiên cứu thực trạng và đề xuất cải tiến đối với hoạt động giám sát môi trường tại các tỉnh, thành cũng như hướng dẫn SXSH trên 10 ngành. Trung tâm sẽ có nhiệm vụ tiếp quản và nhân rộng những kết quả mà CPI đã đạt được sau khi CPI kết thúc.
Theo Ban chỉ đạo Hợp phần, đến hết năm 2010, về cơ bản hầu hết các hoạt động của Hợp phần đã thực hiện và đang đi đến giai đoạn cuối. Dự kiến Hợp phần sẽ thực hiện đến hết quý III/2011 và tập trung chủ yếu vào việc hoàn thành hệ thống cấp chứng chỉ cho các doanh nghiệp tham gia các dự án trình diễn, tiến hành hoạt động quan trắc và báo cáo lần cuối của các dự án trình diễn, tập trung vào các hoạt động truyền thông và một số hoạt động khác để đóng gói Hợp phần.
Những điển hình áp dụng thành công SXSH
Năm 2006, Phú Thọ là 1 trong 5 tỉnh được chọn làm điểm CPI. Sau 5 năm triển khai hoạt động trên 3 góc độ (truyền thông, đào tạo và hỗ trợ tư vấn), hoạt động SXSH trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo bước chuyển biến rõ nét về nhận thức và ứng dụng vào sản xuất. Đã có hơn 400 cán bộ thuộc 200 doanh nghiệp được đào tạo; hơn 10 doanh nghiệp tham gia CPI đã cơ bản hoàn thành và kết thúc, mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài lợi ích trực tiếp, các doanh nghiệp khi tham gia CPI đã biết vận dụng các giải pháp của SXSH một cách thường xuyên, rộng rãi trong doanh nghiệp, kết hợp với các tiêu chuẩn chất lượng để tổ chức sản xuất tốt hơn, tiết kiệm hơn; qua đó tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong tiến trình hội nhập, góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
Cùng với Phú Thọ, Thái Nguyên là một trong 5 đơn vị được lựa chọn tham gia Hợp phần CPI. Để triển khai dự án hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 185/QĐ-UBND về “Đề án BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH giai đoạn 2007- 2010 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Cùng với đó, Thái Nguyên tích cực tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, tổ chức hội thi tìm hiểu về SXSH nhằm nâng cao nhận thức về SXSH trong công nghiệp của các đối tượng thụ hưởng.…Kết quả từ năm 2007 đến nay, Thái Nguyên đã có 12 doanh nghiệp tham gia trình diễn dự án. Trong thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh bảo vệ môi trường thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tích cực đẩy mạnh sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.
Nghệ An tham gia CPI tương đối sớm. Qua 5 năm thực hiện, một số doanh nghiệp đã tích cực tham gia chương trình và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, đã có 9 doanh nghiệp tham gia dự án trình diễn và được Hợp phần CPI tư vấn hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như tài chính để thực hiện SXSH. Để triển khai áp dụng quy trình SXSH trong công nghiệp, trong 5 năm qua Sở Công thương Nghệ An triển khai nhiều cuộc tập huấn, hội thảo để giới thiệu, phổ biến kiến thức về SXSH trong công nghiệp đến các doanh nghiệp và các nhà quản lý. Nhờ vậy mà các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, kỹ thuật đã hiểu rõ lợi ích và phương pháp áp dụng SXSH để mang lại hiệu quả.
Bến Tre cũng là một trong 5 tỉnh mục tiêu được CPI lựa chọn tham gia vào việc thực hiện các mô hình trình diễn SXSH. Từ năm 2008 đến tháng 5/2011, Sở Công Thương/Trung tâm Khuyến công tỉnh Bến Tre đã tổ chức 5 lớp tập huấn, hội thảo, đào tạo về SXSH trong công nghiệp cho gần 400 lượt cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, các doanh nghiệp sản xuất tại địa phương. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Bến Tre cũng đã xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về SXSH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến nay Bến Tre đã có 6 doanh nghiệp và 1 làng nghề được Hợp phần CPI hỗ trợ thực hiện mô hình trình diễn SXSH. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 50 doanh nghiệp có nhận thức về SXSH, 16 doanh nghiệp đã áp dụng SXSH vào thực tiễn sản xuất và quản lý môi trường.
Riêng tại Quảng Nam, hầu hết các doanh nghiệp tham gia CPI đều đã cơ bản hoàn thành với hiệu quả tương đối cao. Lợi ích trực tiếp của các doanh nghiệp tham gia dự án mang lại bình quân tiết kiệm từ 10-30% chi phí vật tư, nguyên nhiên liệu đầu vào. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thông qua Hợp phần đầu tư đổi mới trang thiết bị, bố trí lại sản xuất, tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn. Quan trọng hơn, nhận thức của doanh nghiệp, của những người làm công tác quản lý môi trường về SXSH đã có những chuyển biến rõ rệt, đó là SXSH không chỉ nhằm mục đích bảo về môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
Theo VCCI |