Phát triển công nghệ xanh: Doanh nghiệp cần vốn
Phát triển bền vững bằng những công nghệ thân thiện với môi trường, giảm tối đa phế thải độc hại và tăng cường khả năng tái chế; đầu tư công nghệ mới, sử dụng năng lượng hợp lý…là xu hướng các doanh nghiệp hướng đến để đối phó với tình trạng suy thoái môi trường đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Phát triển công nghệ xanh: doanh nghiệp cần vốn
Tuy nhiên, đến nay, không ít doanh nghiệp chưa quan tâm tới yêu cầu này. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Trưởng Văn phòng phát triển bền vững (PTBV) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bảo vệ môi trường đã và đang trở thành tiêu chí trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Để phù hợp với tiêu chí này, nhiều doanh nghiệp đã tự đổi mới để hoạt động sản xuất và cao hơn là làm ra sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Điển hình như: Vinacomin mỗi năm đầu tư trên 700 tỷ đồng cho bảo vệ môi trường, trong đó, khoảng 60-70% số vốn được dành cho các dự án sử dụng nguồn quỹ môi trường tập trung. Bên cạnh đó, tập đoàn đã dành hàng trăm tỷ đồng xây dựng 30 trạm xử lý nước thải, thực hiện một số dự án cải tạo, phục hồi môi trường các bãi thải mỏ; phấn đấu đến năm 2020, cơ bản cải thiện môi trường vùng than Quảng Ninh. Không chỉ các tập đoàn lớn mà nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm đến bảo vệ môi trường, như: Công ty CP Xi măng Hạ Long đã đầu tư 6 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong năm 2011. Theo kế hoạch, năm 2012, công ty tiếp tục đầu tư trên 6 tỷ đồng cho hoạt động này.
Bên cạnh các doanh nghiệp mạnh, tích cực đầu tư bảo vệ môi trường (BVMT), còn rất nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư bảo vệ cảnh quan, môi trường sản xuất. Ông Nguyễn Quang Vinh nhìn nhận, việc chuyển mình của các doanh nghiệp trong công tác BVMT hiện rất chậm. Bằng chứng là, Văn phòng PTBV đã được thành lập hơn 2 năm với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác BVMT, sản xuất xanh hơn, nhưng trên cả nước chỉ có khoảng 30 DN tham gia.
Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn lớn nhất là họ rất thiếu vốn, trong khi việc tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi lại không dễ dàng. Ông Bùi Cách Tuyến – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – thừa nhận: Cho đến nay, Nhà nước đã chi không dưới 1% tổng chi ngân sách cho các hoạt động sự nghiệp BVMT. So với thực trạng ô nhiễm hiện nay, mức chi này chưa thấm vào đâu. Hiện các cơ quan chức năng đang kiến nghị cần tiếp tục nâng dần mức chi cho sự nghiệp BVMT qua từng năm, đảm bảo đến năm 2015 đạt không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước.
Để giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt “công nghệ xanh”, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất; áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu chất phát thải gây hiệu ứng nhà kính; cam kết sử dụng và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm giảm khí CO2 gây biến đổi khí hậu toàn cầu; tăng cường xử lý chất thải, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường; tiến tới hình thành ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam…