UPS – “Công nghệ xanh” cho sự phát triển bền vững
Đầu tư vào công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí, mang lại lợi thế cạnh tranh cho các đối tác, hướng đến một “thế giới xanh” hơn được xem là nền tảng phát triển bền vững của công ty UPS.
Công nghệ: chiếc chìa khóa vàng
Ông Jeff McLean, Tổng giám đốc UPS Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn báo chí gần đây đã chia sẻ một khái niệm mới về công nghệ định hình ngành hậu cần và chuyển phát nhanh trong tương lai “đám mây hậu cần” (logistics cloud).
Trên thế giới, “điện toán đám mây” là công nghệ được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, “đám mây hậu cần” vẫn còn là một khái niệm xa lạ đối với ngành hậu cần thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Riêng đối với UPS, nhà tiên phong công nghệ “đám mây hậu cần”, thì xem nó là công cụ hỗ trợ nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Dây chuyền vận chuyển hàng gửi ứng dụng công nghệ quét mã vạch tại Công ty UPS
Đối với thị trường Việt Nam, Jeff McLean nhận định, công nghệ “đám mây hậu cần”, với đặc tính chi phí kinh tế hiệu quả nhờ thông tin được chia sẻ, sẽ đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đang chiếm trên 90% lượng doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, thông qua công nghệ “đám mây hậu cần”, các khách hàng của UPS có thể gia tăng khả năng tiếp cận rộng rãi đến các nguồn thông tin về công ty và doanh nghiệp trên toàn thế giới, nắm bắt thời gian giao hàng chuẩn xác, giảm tồn kho không cần thiết và kịp thời tránh các bất ổn trong khi hàng hóa được vận chuyển.
Ngoài ra, UPS còn áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong hoạt động vận chuyển hàng toàn cầu như công cụ DIAD là loại thiết bị hiện đại dùng để theo dõi quá trình giao hàng của hơn 15 triệu lượt hàng hóa mỗi ngày trên khắp thế giới, nhãn hàng hóa thông minh để theo dõi hành trình vận chuyển, 2 trung tâm lưu trữ thông tin toàn cầu, công nghệ xử lý hóa đơn điện tử, trang web của UPS sử dụng 12 ngôn ngữ châu Á khác nhau để cập nhật và theo dõi mọi thông tin liên quan đến hàng hóa của khách hàng.
Ông Jeff McLean cho hay, công ty UPS đã đầu tư 1 tỉ USD cho việc cải tiến công nghệ và xem đây là lợi thế cạnh tranh khác biệt trên thị trường.
Sự khác biệt của công nghệ tại UPS nằm ở chuyên môn cao và khả năng mang lại những giải pháp đa dạng để phục vụ cho việc kinh doanh của khách hàng một cách hiệu quả. Nó không chỉ cho phép các công ty theo dõi hàng hóa trên toàn chuỗi cung ứng mà còn có khả năng dự đoán các vấn đề tiềm tàng trước khi chúng xảy ra để đưa ra giải pháp dựa trên thông tin quan trọng đó.
Với mục tiêu phát triển bền vững
DIAD, “đám mây hậu cần” hay hóa đơn điện tử, tất cả đều nằm trong một chiến lược phát triển bền vững dựa vào “công nghệ xanh” của UPS. Ông Jeff McLean chia sẻ, bền vững là chìa khóa cho sự phát triển của chúng tôi. Do đó, toàn bộ đầu tư của chúng tôi là tối ưu hóa hệ thống toàn cầu nhằm tiết kiệm thời gian, năng lượng, sự tiêu hao nhiên liệu và khí thải.
Điển hình như hệ thống lên kế hoạch bay hiệu quả của Trung tâm Công nghệ Lufthansa Systems có thể giúp tiết giảm gần 3,7 triệu lít nhiên liệu tiêu hao hay hệ thống quản lý mặt đất cũng có thể giúp tiết kiệm hơn 1,3 triệu lít nhiên liệu và hàng triệu USD mỗi năm. Điều này đồng nghĩa có thể giảm hơn 3,3 tấn khí thải CO2 mỗi năm.
“UPS luôn muốn giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tiêu hao năng lượng nên mọi công nghệ đều hướng tới muc tiêu này. Ít ai biết rằng với công nghệ DIAD, UPS có thể tiết kiệm 89 triệu tờ giấy mỗi năm, tương đương giảm sự chặt phá của hơn 7,000 cây rừng”, ông Jeff McLean nhấn mạnh.
Với chiến lược và đầu tư vào công nghệ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, UPS không còn là nhà cung cấp logistics đơn thuần mà trở thành đối tác tin cậy, luôn đồng hành cùng khách hàng và đối tác. Riêng ở Việt Nam việc đầu tư vào công nghệ và ứng dụng đã góp phần lớn tạo nên mức tăng trưởng lên đến 60% trong năm 2011 (so với 50% của Trung Quốc và mức trung bình 30% của khu vực). Điều này được minh chứng bởi sự nhìn nhận tin tưởng của nhiều đối tác, cũng như khẳng định vị thế ngày càng tăng của UPS.