“Sản xuất sạch hơn” là hướng đi cấp thiết
“Sản xuất sạch hơn” đang được áp dụng phổ biến trong các doanh nghiệp sản xuất hoa. Nguồn: internet |
Có thể hiểu, SXSH có mục tiêu đặt ra là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách hiệu quả nhất. Trên cơ sở đó, Lâm Đồng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2015 là 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc SXSH và sẽ tiết kiệm được 5% – 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu… trên đơn vị sản phẩm. Theo số liệu của Sở Công thương Lâm Đồng, trong thời gian qua, Sở đã triển khai một số nội dung cụ thể trong thực hiện Quyết định 1419 của Chính phủ như: Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp cho các doanh nghiệp; tập huấn về SXSH cho các cán bộ của Sở và các phòng kinh tế, phòng công thương… của các huyện; hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp; xây dựng các mô hình trình diễn; đặc biệt là thực hiện đánh giá nhanh SXSH cho 50 doanh nghiệp cùng với việc xây dựng chương trình hành động SXSH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020.Nhờ đó, trên địa bàn Lâm Đồng đã có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất theo chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường trong các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đồng thời giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường; sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm thiểu việc tổn thất nguyên vật liệu. Đáng nói hơn, qua công tác tuyên truyền, Sở Công thương Lâm Đồng đã giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về các giải pháp SXSH không đơn thuần chỉ là sự thay đổi thiết bị mà còn là các thay đổi cần thiết trong vận hành và quản lý doanh nghiệp với các nhóm giảm chất thải tại nguồn, tuần hoàn và cải tiến sản phẩm. Mới đây, Sở Công thương Lâm Đồng đã lập danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển gồm sợi và lụa tơ tằm, quần áo may mặc các loại, sản phẩm thêu đan, giày dép, van cơ khí chính xác, sản phẩm khai khoáng, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, vật liệu xây dựng, đồ uống…Điều đáng nói, hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp của Lâm Đồng chỉ dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ nên vấn đề SXSH càng được chú trọng. Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, bởi chỉ mới dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ nên tình trạng lãng phí tài nguyên thiên nhiên và nguyên vật liệu vẫn còn khá phổ biến ở các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở Lâm Đồng. Không chỉ thế, tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng hiện vẫn phổ biến tình trạng xả chất thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường đất và nước và làm ảnh hưởng không tốt đến vấn đề sức khỏe của con người. Bên cạnh đó, do hệ thống thiết bị công nghệ còn thiếu và yếu nên nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất ở nhiều lĩnh vực ưu tiên dệt may, nông lâm sản… không những trực tiếp gây ảnh hưởng đến môi trường mà sản phẩm làm ra còn trực tiếp gây tác động xấu cho người sử dụng.
Theo Sở Công thương Lâm Đồng, để chương trình SXSH của Chính phủ mang lại những hiệu quả thiết thực, trước mắt, tỉnh cần rà soát lại các doanh nghiệp có hay chưa áp dụng SXSH trong công nghiệp để từ đó có kế hoạch hỗ trợ về chuyên môn và nghiệp vụ nhằm giúp các đơn vị áp dụng một cách triệt để SXSH trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ cùng với các cơ quan chức năng thiết lập các thủ tục đăng ký và đánh giá các đơn vị có công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.