Phát triển điện trấu – Giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả
Sự ra đời của Nhà máy đồng phát nhiệt – điện đốt trấu là bước khởi đầu quan trọng trong lĩnh vực phát triển năng lượng sinh khối, đồng thời giải quyết triệt để vấn nạn trấu dư thừa, gây ô nhiễm môi trường. Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đối với ông Trương Đình Dũng – Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Đình Hải, Công ty CP Nhiệt điện Đình Hải – COGEN (TP. Hồ Chí Minh).
PV: Xin ông cho biết, những tiềm năng phát triển điện trấu ở đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và Việt Nam nói chung?
Ông Trương Đình Dũng: ĐBSCL là vựa lúa lớn, chiếm 50% sản lượng trong cả nước. Đây cũng là nơi tập trung nhiều nhà máy và cụm xay xát lúa. Với sản lượng trấu hàng năm lên tới hơn 4 triệu tấn từ các nhà máy xay xát, khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Hiện nay, phần lớn lượng trấu này dùng trong các lò nung, lò hơi có hiệu suất thấp. Lượng trấu sử dụng cho nhà máy điện rất ít nên sản lượng trấu tiềm năng dùng cho các nhà máy điện trấu còn lớn. Theo quy hoạch có đến 10 dự án điện trấu tại ĐBSCL đã đăng ký, nhưng đến nay chưa có dự án nào đi vào hoạt động. Đặc biệt, theo Quy hoạch điện đến năm 2020, điện từ năng lượng tái tạo chiếm 3% tổng sản lượng điện, do vậy, Nhà nước sẽ có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển điện từ năng lượng tái tạo trong đó có điện trấu. Bên cạnh đó, ở ĐBSCL có mạng lưới kênh rạch rộng khắp, thuận lợi cho việc vận chuyển trấu đến các nhà máy điện trấu.
Mặt khác, nước ta là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới và là nước nông nghiệp nên trong dài hạn, lượng trấu ngày một tăng. Hiện nay, mỗi năm sản lượng trấu thải ra từ công nghiệp xay xát của cả nước khoảng 7,5 triệu tấn nhưng chỉ có khoảng 3 triệu tấn được sử dụng. Điều này cũng cho thấy tiềm năng phát triển điện trấu rất lớn.
PV: Được biết, Dự án nhiệt – điện đốt trấu của Công ty đang tiến hành giai đoạn 2, vậy ông có thể giới thiệu đôi nét về Dự án và những kết quả đạt được cho đến thời điểm hiện nay?
Ông Trương Đình Dũng: COGEN đã hoàn thành giai đoạn 1 bao gồm: Xây dựng, lắp đặt lò hơi và hệ thống đường ống cấp hơi. Trong giai đoạn 2, COGEN sẽ tiến hành lắp đặt tuabin, máy phát điện 4MW và hệ thống bình ngưng, làm mát… Hiện tại, Công ty đang tìm kiếm đối tác hợp tác để tiến hành giai đoạn 2. Đồng thời, COGEN đang hợp tác với Viện Năng lượng – Bộ Công Thương và chủ các dự án điện trấu để xin cơ chế giá điện cho Nhà máy điện trấu nói riêng và điện sinh khối nói chung. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ phát điện lên lưới, đồng thời, cung cấp hơi qua hệ thống đường ống. Như vậy sẽ nâng cao hiệu suất của Dự án và đóng góp sản lượng điện cho KCN Trà Nóc 2.
PV: Xin ông cho biết, hiệu quả về môi trường từ điện trấu mang ?
Ông Trương Đình Dũng:
Ngoài hiệu quả kinh tế – xã hội, điện trấu còn góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường. Công nghệ đốt trấu trong các nhà máy đồng phát nhiệt – điện sử dụng lò hơi hiện đại và hiệu suất cao. Ngoài ra, nhà máy sẽ trang bị hệ thống xử lý khói, bảo đảm khói thải không làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Đặc biệt, tro trấu sẽ được thu gom, đóng bao tại nhà máy và bán cho các khách hàng có nhu cầu. Nhà máy sẽ áp dụng các biện pháp quản lý tốt tro trấu để bảo đảm tro trấu không làm ô nhiễm môi trường tại địa phương. Đồng thời, việc thu mua trấu để sản xuất năng lượng sẽ giúp TP. Cần Thơ cũng như ĐBSCL giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải khí nhà kính ở quy mô toàn cầu.
PV: Từ những kết quả đạt được, xin ông cho biết một số kinh nghiệm để phát triển điện trấu ở ĐBSCL?
Ông Trương Đình Dũng: Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các nhà máy điện sinh khối, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể như: Tạo cơ chế thu mua trấu ổn định lâu dài cho nhà máy điện trấu; Đánh thuế môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch, một phần tiền thu được sẽ thành lập quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo; Hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thủ tục, đất đai để lập và phát triển dự án. Mặt khác, ĐBSCL cần quy hoạch các nhà máy điện trấu, bảo đảm trong bán kính 100 km chỉ có 1 nhà máy điện trấu hoạt động để tránh việc tranh nguồn nhiên liệu. Đồng thời, nhà máy điện trấu cần xây dựng gần vùng nhiên liệu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu suất của nhà máy.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông vê cuộc trao đồi này!
Theo vea.gov