Bắt buộc dán nhãn tiết kiệm năng lượng: DN phải làm gì?

Bộ Công Thương vừa ra thông báo, kể từ năm 2013, tất cả các sản phẩm điện gia dụng sẽ phải dán nhãn năng lượng. Ngoài ra, tất cả các sản phẩm có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức tối thiểu quy định sẽ không được lưu thông. Vậy các DN phải làm gì để đáp ứng yêu cầu này?

 
4f783cd6b_dnphailamgi15a1.jpg
Máy photocopy bắt buộc dán nhãn năng lượng từ 1/1/2015

Chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã có nhiều sản phẩm được dán nhãn như: bóng đèn huỳnh quang compact; quạt điện, ballast điện tử, bình đun nước nóng của Cty VN Schneider; đèn huỳnh quang T8, ballast điện từ của Cty Vinakip, chóa đèn chiếu sáng đường phố của Cty Hapulico…

Được rất nhiều vẫn băn khoăn

Đối với DN, việc tham gia Chương trình dán nhãn TKNL sẽ mang lại nhiều lợi ích cả trước mắt lẫn lâu dài. Lợi ích trước mắt là tăng đầu ra cho các sản phẩm vì Chính phủ đã ra quyết định đối với các chương trình mua sắm công, các thiết bị được mua sắm phải đảm bảo được chứng nhận TKNL. Đồng thời, DN có các sản phẩm TKNL được hưởng ưu đãi vay vốn đầu tư tại các ngân hàng. Đây là hai cái “được” quan trọng rất đáng để các DN đầu tư ý tưởng, nhân lực cũng như tài chính để tham gia Chương trình. Về lợi ích lâu dài, việc dán nhãn TKNL cho các sản phẩm là một tiêu chí đánh giá ý thức tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của DN.

Tuy nhiên, mục tiêu đầu tiên của DN khi dán nhãn TKNL là để người tiêu dùng phân biệt sản phẩm dán nhãn TKNL với những sản phẩm chưa dán nhãn, cũng như sự khác nhau giữa các sản phẩm của các DN. Từ đó, họ sẽ định hình cho mình hướng tiêu dùng phù hợp với mình nhất. Tuy nhiên, với sự nhốn nháo của thị trường hiện nay, mục tiêu của các DN khó lòng đạt được. Những sản phẩm “từa tựa” sản phẩm được chứng nhận TKNL rất đa dạng và khó kiểm soát chất lượng. VN đã có đèn compact được chứng nhận là sản phẩm TKNL thay bóng đèn sợi đốt với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Rạng Đông, Điện Quang, Philips… Mặc dù vậy, “phiên bản” của những sản phẩm này tràn lan khắp thị trường, thậm chí, còn có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Điều đáng sợ hơn nữa là chúng có sức cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm cùng loại của VN. Còn những sản phẩm TKNL “made in VN” hiện nay thường có giá cao hơn các sản phẩm khác cùng loại. Tâm lý không chắc chắn về nguồn gốc xuất xứ, cộng với sự thiếu tin cậy về tính năng tiết kiệm điện khiến người tiêu dùng rơi vào tình thế “không biết đâu mà lần”, còn các DN thì cảm thấy oan ức.

Giải quyết ra sao?

Đối với vấn đề phát động Chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn TKNL, việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng là một vấn đề hết sức quan trọng. Nhiều Cty như Cty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông đã có những chương trình triển khai giới thiệu về sự khác nhau của đèn compact và đèn sợi đốt. Văn phòng TKNL cũng đã phối hợp với EVN để thực hiện những chương trình tuyên truyền về TKNL. Đối với những chế tài xử phạt các DN có hành vi gian lận, những sản phẩm được lựa chọn sẽ được dán nhãn ép buộc và những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn sẽ bị cấm lưu hành trên thị trường. Ông Lương Văn Phan – Phó Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng – Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng VN cho biết: “Bộ Công Thương đang có cơ quan quản lý thị trường. Cho nên sau này những hình thức thanh tra giám sát sẽ là chức năng của cơ quan quản lý thị trường thực hiện. Khi luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực thi hành, mỗi năm 1 lần, Văn phòng TKNL sẽ tổ chức kiểm tra những sản phẩm đã được dán nhãn. Mẫu kiểm tra được lấy tại cả DN và trên thị trường để đảm bảo tính chính xác cho hoạt động kiểm tra. Đối với những trường hợp liên quan đến sự gian lận trên thị trường thì lực lượng công an được huy động vào cuộc”. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có thể tham gia kiểm tra giám sát, nếu có nghi ngờ có thể gửi sản phẩm đến các cơ quan kiểm định để kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Cuối cùng, khi quy định dán nhãn là bắt buộc, câu chuyện “được và mất” của DN sẽ không còn ý nghĩa. Chỉ còn lại là vấn đề quản lý và giám sát sao cho những sản phẩm TKNL thực sự TKNL với đầy đủ ý nghĩa của nó. Có như vậy mục tiêu và ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mới thành công và đi vào cuộc sống.
 
Quy dịnh của Bộ Công Thương nêu rõ: kể từ năm 2013, tất cả các sản phẩm điện gia dụng sẽ phải dán nhãn năng lượng. Tất cả các sản phẩm có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức tối thiểu quy định sẽ không được lưu thông. Các thiết bị văn phòng và thương mại như máy photocopy, bộ nguồn máy tính, tủ giữ lạnh thương mại và các thiết bị tiêu thụ năng lượng khác được khuyến khích dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 1/1/2014 và bắt buộc thực hiện kể từ 1/1/2015.

Theo Diễn đoàn Doanh nghiệp

Giới thiệu Quỹ Ủy thác tín dụng xanh tại Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình

Sáng 9/1/2014, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình tổ chức tổng kết hoạt động năm 2013 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2014. Tới tham dự hội nghị có sự có mặt của đồng chí Phạm Văn Xuyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đại diện các doanh nghiệp, đại diện các Sở, ngành tỉnh Thái Bình và đại diện Quỹ Ủy thác tín dụng xanh giới thiệu Quỹ tới các doanh nghiệp.

Tại hội nghị, ông Bùi Đình Trọng Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình đã báo cáo tổng kết hoạt động các khu công nghiệp năm 2013 và nêu rõ phương hướng và nhiệm vụ năm 2014.

 

Tính tới năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 05 khu công nghiệp đã thành lập theo quy định của Chính phủ là Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Gia Lễ, Sông Trà và Cầu Nghìn với 138 dự án đầu tư và ước tính 47.400 lao động làm việc. Giá trị sản xuất đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kì năm trước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trong năm cơ bản ổn định, tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngừng sản xuất.

Trong định hướng phát triển và nhiệm vụ đề ra cho năm 2014, ngoài việc tiếp tục thu hút các dự án đầu tư lớn và có giá trị gia tăng cao, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng như các doanh nghiệp đều nhận thấy tầm quan trọng của sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn về vốn cũng như còn chưa được tiếp cận với các công nghệ sản xuất mới hiện đại.

Bà Nguyễn Lê Hằng – Điều phối viên quỹ Ủy thác Tín dụng xanh giới thiệu nguồn Quỹ

 

Nhằm giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn này, bà Nguyễn Lê Hằng – điều phối viên quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) thuộc Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã giới thiệu đến các doanh nghiệp nguồn quỹ đầu tư của chính phủ Thụy Sỹ. Quỹ GCTF là nguồn vốn ưu đãi bảo lãnh tới 50% tổng giá trị đầu tư công nghệ cho các doanh nghiệp và trả thưởng tối đa tới 25% tổng giá trị đầu tư sau khi đầu tư công nghệ đạt các tiêu chí trả thưởng của quỹ. Đây là môt giải pháp rất hấp dẫn giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các công nghiệp hiện đại trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp và hướng các doanh nghiệp tới phát triển bền vững.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại Hội nghị

 

Tại hội nghị, rất nhiều các doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm được tiếp cận với Quỹ để kịp thời tháo gỡ khó khăn và duy trì phát triển sản xuất kinh doanh cụ thể như công ty cổ phần ô tô An Thái Coneco, Nhà máy bao bì HDI.

 

Thông qua hội nghị tổng kết khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, buổi giới thiệu Quỹ Ủy thác tín dụng xanh đã diễn ra thành công tốt đẹp và mở ra các cơ hội hợp tác của Quỹ với các doanh nghiệp tại tỉnh nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và góp phần phát triển hiệu quả của các khu công nghiệp.

Admin GCTF-VNCPC, tháng 1/2014