Ưu đãi phát triển dự án điện sinh khối

Theo Quyết định 24/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhà đầu tư được hưởng nhiều ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, đất đai… khi đầu tư thực hiện các dự án điện sinh khối.
Ưu đãi về tín dụng đầu tưCụ thể, Nhà đầu tư được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện sinh khối theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các dự án điện sinh khối được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư theo các quy định pháp luật hiện hành về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Miễn thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp

Đồng thời, dự án điện sinh khối được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện sinh khối được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.

Ngoài ưu đãi về vốn đầu tư và thuế, các dự án điện sinh khối và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Đầu tư dự án phải phù hợp Quy hoạch

Quyết định cũng nêu rõ, việc đầu tư xây dựng dự án điện sinh khối phải phù hợp với Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối và quy hoạch phát triển điện lực các cấp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các dự án điện sinh khối chưa có trong danh mục của quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt, chủ đầu tư chịu trách nhiệm lập Hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch, gửi Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trong khi Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối chưa được phê duyệt, việc đầu tư các dự án điện sinh khối cần được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Quyết định, chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình điện sinh khối nối lưới, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 72 Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, còn phải có: Giấy chứng nhận đầu tư, văn bản chấp thuận mua điện của Bên mua điện; thỏa thuận đấu nối với Đơn vị phân phối hoặc Đơn vị truyền tải điện (đối với dự án điện sinh khối nối lưới); ý kiến về thiết kế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình.Quyết định cũng nêu rõ, việc đầu tư xây dựng dự án điện sinh khối phải phù hợp với Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối và quy hoạch phát triển điện lực các cấp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các dự án điện sinh khối chưa có trong danh mục của quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt, chủ đầu tư chịu trách nhiệm lập Hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch, gửi Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trong khi Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối chưa được phê duyệt, việc đầu tư các dự án điện sinh khối cần được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Quyết định, chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình điện sinh khối nối lưới, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 72 Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, còn phải có: Giấy chứng nhận đầu tư, văn bản chấp thuận mua điện của Bên mua điện; thỏa thuận đấu nối với Đơn vị phân phối hoặc Đơn vị truyền tải điện (đối với dự án điện sinh khối nối lưới); ý kiến về thiết kế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình.

Nguồn: thiennhien.net

Điện sinh khối – nguồn năng lượng tái tạo hữu ích

Điện sinh khối (biomass power) là việc sử dụng sinh khối (biomass) để sản xuất điện năng. Đây là dạng năng lượng tái tạo và có trữ lượng không nhỏ nên được nhiều nước quan tâm đầu tư và phát triển.

nha_may_dien_alholmens_1

Nhà máy Điện sinh khối Alholmens (Phần Lan) lớn nhất thế giới.

Theo các nhà khoa học, khí thải trong chăn nuôi nếu biết sử dụng đúng cách sẽ trở thành nguồn năng lượng hữu ích. Như máy phát điện chạy khí sinh học (biogas) để thắp sáng, bơm nước… vừa giúp giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường vừa hướng tới giảm “cơn khát” điện trong mùa hè.

Điện sinh khối trên thế giới

Trong tự nhiên, sinh khối bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ v.v…), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm…

Trên quy mô toàn cầu, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm khoảng 14-15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới. Ở các nước đang phát triển, sinh khối thường là nguồn năng lượng lớn, trung bình đóng góp khoảng 35% trong tổng cung cấp năng lượng. Vì vậy năng lượng sinh khối giữ vai trò quan trọng và có khả năng sẽ giữ vai trò sống còn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới trong tương lai.

Mỹ là nước sản xuất điện biomass lớn nhất thế giới, với hơn 350 nhà máy điện sinh học, sản xuất trên 7.500MW điện mỗi năm. Những nhà máy này sử dụng chất thải từ nhà máy giấy, nhà máy cưa, sản phẩm phụ nông nghiệp, cành lá từ các vườn cây ăn quả… Năng lượng biomass chiếm 4% tổng năng lượng được tiêu thụ ở Mỹ và 45% năng lượng tái sinh.

Ở Nhật Bản, chính phủ đã ban hành Chiến lược năng lượng sinh khối từ năm 2003 và hiện nay đang tích cực thực hiện Dự án phát triển các đô thị sinh khối (biomass town). Đến đầu năm 2011, Nhật Bản đã có 286 thị trấn sinh khối trải dài khắp đất nước. Tại Hàn Quốc, năng lượng sinh học đang được tích cực nghiên cứu, phát triển ở đất nước này với mục tiêu đến năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ đạt 11%, trong đó năng lượng từ sinh khối sẽ đạt 7,12%. Còn ở Trung Quốc, hiện quốc gia này đã có Luật năng lượng tái tạo cùng hơn 80 nhà máy điện sản xuất từ sinh khối với công suất đến 50MW/nhà máy. Tiềm năng là có thể đạt được 30GW điện từ loại hình năng lượng này.

Tiềm năng điện sinh khối ở Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu năng lượng ở Việt Nam hiện tăng ở mức gấp đôi so với tỷ lệ tăng trưởng GDP. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ ở mức xấp xỉ 1. Tiêu thụ năng lượng của Việt Nam ngày càng gia tăng và đã tăng hơn 4 lần từ 2005-2030, tiêu thụ năng lượng điện tăng gần 400% trong vòng 10 năm từ 1998-2008. Với đà này, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng vào năm 2015.

Trong bối cảnh ngày càng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu thế giới tăng cao và sự phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới, khả năng đáp ứng năng lượng đủ cho nhu cầu trong nước ngày càng khó khăn và trở thành một thách thức lớn. Như vậy, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo sạch có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh lương thực và phát triển bền vững.

Bên cạnh tiềm năng về phong điện, thủy điện, điện mặt trời, có thể nói, Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối từ chất thải từ nông nghiệp, rác, nước thải đô thị… phân bổ rộng khắp trên toàn quốc, trong đó, một số dạng sinh khối có thể sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt). Lượng sinh khối khổng lồ này, nếu không được xử lý sẽ là nguồn ô nhiễm lớn và phát sinh liên tục, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái (đất, nước và không khí) cũng như sức khỏe con người. Thêm vào đó, với sự phát triển sản xuất và đô thị hóa, sức chịu tải của các hệ sinh thái giảm đi, chắc chắn các xung đột môi trường liên quan sẽ gia tăng.

Với lợi thế một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn sinh khối lớn và đa dạng từ gỗ củi, trấu, bã cà phê, rơm rạ và bã mía. Phế phẩm nông nghiệp rất phong phú dồi dào ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng phế phẩm nông nghiệp toàn quốc và vùng Đồng bằng sông Hồng với 15% tổng sản lượng toàn quốc. Hằng năm tại Việt Nam có gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp trong đó 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện, và theo số liệu tính toán, cứ 5 kg trấu tạo ra 1kWh điện, như vậy với lượng trấu hàng triệu tấn trấu mỗi năm thu lại được hàng trăm MW điện.

Hiện nay, Việt Nam đã có một số dự án xây dựng nhà máy điện sinh học được triển khai; dự kiến sẽ hoàn thành và phát điện trong thời gian sớm nhất ở cả miền Bắc và miền Nam. Tại miền Bắc, Dự án xây dựng nhà máy điện sinh học Biomass tại khu Rừng Xanh, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 1.160 tỉ đồng, công suất 40MW, dự kiến đến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2013 với sản lượng điện là 331,5 triệu kWh/năm.

Tại miền Nam, Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) đã chuẩn bị thủ tục để đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện sinh khối (biomass) tại khu công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc (huyện Chơn Thành) có công suất thiết kế 19MW, cung cấp hơi nước 70m3/giờ. Nguyên liệu thô cung cấp cho nhà máy hoạt động chủ yếu từ thực vật ngành nông – lâm nghiệp. Tập đoàn sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý và dự án có thể hoàn thành vào năm 2015.

Ngoài ra, nhà máy nhiệt điện đốt trấu tại KCN Trà Nóc 2 TP Cần Thơ do Công ty Cổ phần Nhiệt điện Đình Hải đầu tư, đã hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với công suất 20 tấn hơi/giờ. Nhà máy có công suất phát điện 2MW khi nhà máy vận hành ở chế độ không sản xuất hơi nước. Giai đoạn 2 của sẽ đầu tư turbine 3,7MW cấp điện lên lưới quốc gia.

Trong khi nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao thì giải pháp sử dụng nguồn điện sinh khối để thay thế mang ý nghĩa to lớn trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Hơn nữa, Việt Nam lại có tiềm năng to lớn để phát triển điện sinh khối cả trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, số các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động tính đến thời điểm này vẫn còn quá ít và chỉ có vài dự án là điện sinh khối nối lưới, việc đầu tư mang nặng tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của quốc gia.

Theo VNEEP

CAS – Bảo quản chất lượng hoàn hảo cho nông, thủy sản và thực phẩm Việt Nam

Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng- Bộ Khoa học và Công nghệ, công nghệ CAS (Cells Alive System) có thể bảo quản nông sản, thủy sản, thực phẩm tươi ngon đến 99% trong thời gian 10 năm. CAS sẽ có mặt tại Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm 2013 – Techmart Công nghệ Thực phẩm 2013 sẽ diễn ra từ ngày 03-05/10/2013 tại Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP.HCM, 79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, TP. HCM.

Là nước có thế mạnh về nông nghiệp, thế nhưng các nông/thủy sản của Việt Nam thường rơi vào tình trạng các sản phẩm xuất khẩu bị trả về, bị ép giá do chất lượng không đảm bảo hoặc được mùa thì mất giá và không người mua. Từ thực tế này, những nhà khoa học, những doanh nghiệp đã bỏ không ít công sức và tiền của để nghiên cứu và thử nghiệm những công nghệ mới nhằm bảo quản và nâng cao chất lượng nông, thủy sản, hạn chế rủi ro trong quá trình canh tác và xuất khẩu.

Vừa qua, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố đã phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) đưa vào sử dụng phòng thí nghiệm công nghệ CAS đã gây được tiếng vang lớn trong cả nước. Công nghệ CAS có thể bảo quản nông sản, thủy sản, thực phẩm tươi ngon đến 99% trong thời gian 10 năm. Đây là công nghệ đã được áp dụng rất hiệu quả tại nhiều doanh nghiệp chế biến và kinh doanh hải sản, nông sản, thịt gia súc, gia cầm và thực phẩm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Ireland, Anh, Hàn Quốc.
Với hy vọng việc ứng dụng công nghệ CAS tại Việt Nam sẽ góp phần vào công cuộc đổi mới lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch tạo nên bước đột phá trong bảo quản hàng hóa, hải sản và nông sản nhiệt đới của Việt Nam nhằm tiến tới xuất khẩu cũng như phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Để giúp nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, thủy sản và thực phẩm ở khu vực phía Nam hiểu rõ hơn về công nghệ này, Techmart Công nghệ Thực phẩm 2013 đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng – Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi hội thảo giới thiệu “Công nghệ bảo quản nông sản, thực phẩm (CAS – Cells Alive System).
Đôi nét về công nghệ CAS:
Nguyên lý của công nghệ CAS là làm lạnh đông nhanh với chức năng CAS (bản chất là từ trường) làm cho nước trong sản phẩm sẽ liên kết với nhau thành cụm nhỏ vài ba phân tử mà không đóng băng thành khối như lạnh đông thông thường. CAS không phá vỡ cấu trúc mô tế bào, không làm biến tính các hợp chất sinh học. Kết quả lạnh đông CAS là giữ được chất lượng sản phẩm tươi nguyên như ban đầu.
Đây là công nghệ tiên tiến bậc nhất về bảo quản hải sản, nông sản và thực phẩm trên thế giới do Tập đoàn ABI là chủ sở hữu độc quyền sáng chế, đã được công nhận tại 22 quốc gia, Liên minh châu Âu (EU) và bảo hộ trên toàn thế giới.
Các dạng thiết bị với công nghệ CAS:
– Thiết bị CAS.
– Trang bị thêm chức năng CAS.
– Máy lạnh đông với chức năng CAS (CAS freezer).
– Tủ bảo quản lạnh đông với chức năng giao động điều hòa. 
– Kho bảo quản lạnh đông với chức năng giao động điều hòa. 
Công nghệ CAS khi tích hợp với tủ đông lạnh có những ưu điểm sau:
– Không tan nhỏ giọt khi thực phẩm đông lạnh rã đông.
– Thiết lập giữ nước cho thực phẩm.
– Giữ được độ ngon.
– Giữ được amino axit.
– Giữ được độ tươi và hương vị ban đầu.
– Giữ được màu của thực phẩm.
– Không bị ôxy hóa.
– Hạn chế sự biến chất protein.
Minh họa hệ thống CAS làm lạnh đông nước và chất màu: 
Thiết bị làm lạnh đông nhanh có kết hợp với hệ thống CAS đã làm lạnh đông hỗn hợp nước và các chất màu một cách đồng đều. 
 Thiết bị làm lạnh đông nhanh không kết hợp với hệ thống CAS nên khi làm lạnh đông hỗn hợp nước và chất màu bị đóng băng thành 2 phần riêng rẽ.
Theo CESTI

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh GCTF tham gia Dấu ấn sự kiện “Ươm tạo Năng lực Tiếp nhận Đầu tư xã hội”

Vào ngày 13/03 vừa qua, Quỹ Ủy thác tín dụng xanh GCTF đã tham gia với tư cách là nhà cung ứng tại phiên Kết nối thị trường và hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Ươm tạo năng lực tiếp nhận đầu tư xã hội” do Spark, Adelphi và HATCH! Program phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

80 khách mời tham dự đến từ 30 DNXH, các doanh nghiệp kinh doanh cùng người nghèo, các cá nhân đang chuẩn bị khởi sự doanh nghiệp, đã gặp gỡ, thảo luận với các tổ chức cung cấp dịch vụ phát triển năng lực và các tổ chức ươm tạo tham gia, tìm kiếm tính phù hợp giữa các nhu cầu dịch vụ phát triển năng lực cho các doanh nghiệp phát triển, mở rộng, hoặc bắt đầu thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình với những gì mà nhà cung cấp-ươm tạo có thể đáp ứng. “Lần đầu tiên được tham gia phiên kết nối. Các bên cung cấp rất nhiệt tình, tôi thu được nhiều thông tin và cơ hội bổ ích. Chúng tôi đã nhận được lời mời hợp tác” – 1 doanh nghiệp xã hội chia sẻ.  Tại Phiên kết nối, nhiều doanh nghiệp đã tìm được những nhà cung cấp dịch vụ tiềm năng có thể giải quyết những băn khoăn của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như tài chính, tư vấn chiến lược,  pháp lý, v.vv… Các tổ chức cung cấp dịch vụ qua đây cũng đã có cơ hội giới thiệu và quảng bá dịch vụ tài chính, tư vấn chiến lược kinh doanh, luật pháp của mình đến với nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là nhóm các DNXH. Trong khi thảo luận, các nhóm cung cấp dịch vụ cũng có cơ hội chia sẻ những quan sát của họ về thị trường và làm thế nào để thiết kế dịch vụ dành cho DNXH và làm cho dịch vụ được minh bạch hơn . “Mọi người đến trao đổi với chúng tôi rất nghiêm túc.  Tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ ươm tạo từ các cá nhân và tổ  chức khởi nghiệp rất lớn” – Đại diện của Hatch! Program, anh Lê Viết Đạt chia sẻ. Tham gia phiên kết nối thị trường, các nhà cung cấp dịch vụ như OCD, NHQuang & Cộng Sự, hiện đang hướng tới các doanh nghiệp lớn, đã có thêm ý tưởng làm thế nào để dịch vụ có chất lượng của họ có thể cung cấp cho các doanh nghiệp xã hội.  Từ mô hình kết nối thử nghiệm, các đại biểu đưa ra nhiều gợi ý để giúp phát triển thị trường dịch vụ nâng cao năng lực với vai trò kết nối của các tổ chức như Spark.

 

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh GCTF đón nhận nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp

   

                      Hoạt động kết nối giữa các cá nhân/tổ chức cung cấp và sử dụng dịch vụ tại phiên buổi sáng

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “Ươm tạo Năng lực Tiếp nhận Đầu tư xã hội” dự kiến dành riêng cho các tổ chức cung cấp và ươm tạo doanh nghiệp, thực tế đã mở rộng cho các doanh nghiệp theo yêu cầu của họ vào buổi chiều cùng ngày. Đại diện Oxfam Novib (Hà Lan) đã trình bày các điều kiện cần có để tiếp nhận đầu tư xã hội từ chương trình kết nối đầu tư xã hội của họ, nêu rõ các doanh nghiệp và các dịch vụ cần phải làm gì để tạo điều kiện cho đầu tư. Kinh nghiệm quốc tế của Adelphi (Đức) tăng cường năng lực cho các nhà cung cấp dịch vụ cho thấy hợp tác, đánh giá chuẩn mực chất lượng dịch vụ và cùng phối hợp đáp ứng nhu cầu khách hàng là chìa khoá để phát triển đội ngũ các nhà cung cấp dịch vụ địa phương. Ông Cyrille Antignac, đại diện quỹ đầu tư Uberis Capital cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp như là một trong các điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư xã hội đưa ra quyết định tham gia vào một thị trường cụ thể.

 

Thảo luận nhóm các cá nhân/tổ chức sử dụng dịch vụ

 

                      Ông Mikael P. Henzler, Giám đốc điều hành Adelphi trình bày tại phiên Hội thảo buổi chiều

Buổi thảo luận cũng cung cấp cho các nhóm khách mời là đơn vị cung cấp cái nhìn chân thực về sự phát triển của ngành này tại Việt Nam hiện nay và các hướng đi trong tương lai, đồng thời nêu bật những đặc thù của người sử dụng là  DNXH so với DN thông thường  các khó khăn và lợi thế khi làm việc với họ để từ đó đưa ra kế hoạch hoạt động phù hợp hơn. Bà Vũ Thị Quỳnh Anh, Giám đốc điều hành Spark chia sẻ: “Sự kiện hôm nay thực sự là cầu nối đưa các DNXH và các nhà cung cấp dịch vụ phát triển năng lực đến gần nhau hơn và cũng là nơi các DNXH tại Việt Nam được tìm hiểu và học hỏi nâng cao khả năng đón nhận đầu tư qua kinh nghiệm của các quỹ đầu tư và các tổ chức ươm tạo. Với hy vọng sự kiện này sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển và lớn mạnh của cộng đồng DNXH tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai cũng như sự lớn mạnh của đội ngũ cung cấp dịch vụ ươm tạo doanh nghiệp xã hội, Spark sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức và các sáng kiến phát triển khác tổ chức kết nối chia sẻ kinh nghiệm, triển khai đào tạo huấn luyện và cùng hợp tác phát triển lĩnh vực này.”

Theo Spark.com.vn

 

Tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp: Gõ đúng cửa sẽ không thiếu vốn

Phải làm gì để doanh nghiệp có thể tiếp cận được những nguồn vốn đáp ứng cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm?

Quản lý Công ty TNHH nhựa H.A ở  Hà Nội, ông Mai Việt Anh, đang “đau đầu” vì không biết tìm đâu ra nguồn vốn để lắp đặt những biến tần cho máy ép hạt nhựa của Công ty, nhằm giảm bớt tình trạng tiêu hao quá nhiều năng lượng.

Thực tế là, sau khi được một công ty chuyên về giải pháp tiết kiệm năng lượng tư vấn phương pháp đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng của máy ép hạt nhựa do Công ty H.A đang sử dụng, ông đã nhận thấy rõ nếu lắp biến tần và đổi mới công nghệ máy ép nhựa sẽ giúp giảm kha khá suất tiêu hao năng lượng giúp sản phẩm của H.A, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Huy động vốn từ các thành viên trong Công ty không đủ, tìm đến ngân hàng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, ông Mai Việt Anh đã gõ cửa các quỹ tín dụng, quỹ hỗ trợ nhằm tìm kiếm những giải pháp về tài chính để cải tạo hệ thống thiết bị, tiết kiệm năng lượng.

Vấn đề của ông Mai Việt Anh cũng là vấn đề mà rất nhiều các doanh nghiệp, đang gặp phải: Thiếu vốn đầu tư cho những công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng nhưng không biết tìm nguồn vốn ở đâu.

Những quỹ tín dụng xanh sẽ tiếp tục đưa ra nhiều gói giải pháp về vốn, giúp các doanh nghiệp có nhu cầu triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Ngọc Tuấn

Tìm vốn không khó

Theo ông Huỳnh Kim Tước – Giám  đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP HCM (ECC HCMC), để giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho các dự  án đầu tư công nghệ, tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, hằng năm ECC HCMC có những chương trình giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP HCM. Theo đó, những doanh nghiệp này sẽ được chuyên gia của ECC HCMC nhận biết tình trạng công nghệ và máy móc thiết bị hiện đại và nhận diện lãng phí năng lượng trong doanh nghiệp thông qua hoạt động đo kiểm và đánh giá. Đồng thời, có thể đưa ra những giải pháp tối ưu nhất, khả thi nhất để tiết kiệm chi phí năng lượng cho từng hệ thống, từng hộ tiêu thụ năng lượng trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, sau kết quả kiểm toán năng lượng, ECC HCMC sẽ giới thiệu doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Ông Tước cũng cho rằng, doanh nghiệp khi đã có những giải pháp tiết kiệm năng lượng có nhu cầu đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng có thể tìm đến những nguồn vốn trả chậm, vốn vay liên doanh liên kết, hay tìm vốn qua công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng hỗ trợ… Nhưng để đến được với các tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin, kèm theo đó là một bản báo cáo tài chính rõ ràng, được kiểm toán và một dự án sản xuất kinh doanh tốt.

Ngoài ra, những doanh nghiệp khó khăn về vốn trong vấn đề giải quyết bài toán đầu tư công nghệ, thiết bị cho tiết kiệm năng lượng có thể tiếp cận theo mô hình ESCO. Cụ thể, ESCO sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện trọn gói dự án tiết kiệm năng lượng (kể cả cung cấp tài chính cho dự án). Với ESCO, doanh nghiệp có thể thực hiện tiết kiệm năng lượng mà không phải bỏ tiền đầu tư hoặc bỏ rất ít. Nói cách khác , ESCO chính là mô hình kinh doanh dựa trên hiệu quả năng lượng tiết kiệm được mà doanh nghiệp không cần phải đầu tư vẫn có thể hưởng lợi.

Bà Đỗ Thúy Hà- Điều phối viên Dự án Meet Bis Việt Nam cho biết, nhằm tìm kiếm giải pháp về  tài chính cho các doanh nghiệp, Meet Bis Việt Nam đã kết nối với Quỹ tín dụng xanh (GCTF) hỗ trợ cho những doanh nghiệp có nhu cầu triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn. Theo đó, Meet Bis Việt Nam đang cùng Quỹ tín dụng xanh tiếp tục nghiên cứu các gói giải pháp tiết kiệm năng lượng để hỗ trợ cho những doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu thay đổi về thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP HCM (ECC HCMC): Hầu hết doanh nghiệp chỉ mới dừng ở mức tham khảo về các giải pháp tiết kiệm năng lượng, còn áp dụng hay không thì lại là chuyện khác, nhất là vấn đề giá cả, nếu giải pháp đưa ra có mức chi phí hợp lý, doanh nghiệp mới triển khai.Ông Tào Văn Nghệ – Tổng giám đốc Khách sạn Rex cho biết, từ năm 2010, với việc áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng như: Đầu tư hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời; sử dụng hệ thống điều hòa inverter… đến năm 2012, khách sạn đã tiết kiệm được trên 400.000 kWh điện, tương đương 970 triệu đồng so với năm 2009.
Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh: Cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn

Các DN sản xuất sẽ có cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất để sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu, năng lượng, hướng đến sản xuất sạch hơn (SXSH) nhờ nguồn vốn từ Quỹ Ủy thác tín dụng xanh.

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh: Cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ
Theo các chuyên gia, SXSH đang ngày càng trở thành xu hướng chung của DN bởi SXSH có thể giúp các DN tiết kiệm tài chính thông qua giảm lãng phí năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ gia… từ đó giúp DN nâng cao hiệu suất hoạt động, nâng cao sự ổn định của sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, SXSH còn giúp các DN thu hồi phế liệu, phế phẩm, cải thiện môi trường làm việc, cải thiện hình ảnh DN, tiết kiệm chi phí… Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của SXSH chính là khoản đầu tư để đổi mới công nghệ tương đối cao.
Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) được thành lập từ một sáng kiến hỗ trợ tài chính của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) dành cho các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư trung và dài hạn vào công nghệ sạch hơn trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Tại Việt Nam, đối tượng được hỗ trợ tài chính của GCTF là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) bởi những DN này thường hay gặp phải những trở ngại như thiếu vốn, khó tiếp cận với nguồn tín dụng từ ngân hàng do không đủ tài sản thế chấp… khi đứng trước những hạng mục đầu tư lớn (đổi mới thiết bị/công nghệ). Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC) là đơn vị điều phối nguồn vốn của quỹ này.
Nguyễn Lê HằngĐiều phối viên GCTF cho biết, GCTF hoạt động theo hình thức phối hợp với 3 ngân hàng tại Việt Nam là ACB, Techcombank, VIB tiến hành thẩm định các dự án đổi mới công nghệ của các DN đăng ký tham gia để đánh giá mức hỗ trợ phù hợp. Nếu các dự án đổi mới thiết bị, công nghệ của DN đạt được các tiêu chí về giảm thiểu tác động đến môi trường (theo bảng đánh giá do VNCPC đưa ra) thì DN sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ quỹ theo 2 hình thức là bảo lãnh tối đa 50% tổng giá trị khoản vay và thưởng từ 15-25% tổng giá trị khoản vay.
Ví dụ, một DN có nhu cầu vay 1 tỷ đồng để đổi mới thiết bị công nghệ, nếu tham gia vào quỹ và đạt được các tiêu chí đánh giá hỗ trợ tối đa thì sẽ được quỹ bảo lãnh 500 triệu đồng tiền thế chấp khi vay vốn ngân hàng và được thanh toán 250 triệu đồng tiền nợ gốc khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
Thời gian xem xét cho một dự án là 75 ngày, triển khai đầu tư trong 3-6 tháng. Đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ là các DN sản xuất công nghiệp, dịch vụ và thương mại muốn thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư thiết bị mang lại hiệu quả môi trường. Những loại hình công nghiệp tiềm năng là sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, sản xuất thép, luyện kim, da và sản xuất hóa chất… “Do mục đích của quỹ là hướng đến các DN nhỏ và vừa nên các DN có vốn điều lệ dưới 5 triệu USD, số công nhân viên dưới 1.000 người, và có 51% vốn thuộc sở hữu trong nước đều có thể tiếp cận chương trình hỗ trợ của quỹ” – bà Hằng cho hay.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 60 DN tại Việt Nam gửi hồ sơ tham gia chương trình hỗ trợ của GCTF, trong đó 40 hồ sơ đã đạt đủ các điều kiện sàng lọc ban đầu, 30 dự án đã được phê duyệt kỹ thuật và 12 dự án đã được ngân hàng giải ngân cho vay.
Bà Hằng cho biết thêm, trong thời điểm hiện nay, quy mô hỗ trợ tín dụng của quỹ đối với 1 dự án mới chỉ dao động từ 10.000 đến 1 triệu USD. Tuy nhiên, các ngân hàng có thể cung cấp khoản tín dụng lớn hơn và sẽ có những ưu tiên cho các DN chứng minh được hiệu quả dự án vay đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường./.
Theo báo Kinh tế Việt Nam, ven.vn

Hỗ trợ doanh nghiêp đầu tư, đổi mới công nghệ: Mưa chưa… mát mặt!

Hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ giúp doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn là một chương trình khuyến công được cộng đồng DN địa phương đánh giá cao. Tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng do nguồn vốn còn hạn hẹp, vướng mắc về cơ chế nên việc khuyến công, hỗ trợ DN đổi mới thiết bị, công nghệ cũng mới chỉ như một cơn mưa… chưa mát mặt!

Kết quả ban đầu

Trong 9 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Khuyến công Bình Dương (TTKC) đã tập trung hỗ trợ cho các DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị bằng cả 2 nguồn vốn Trung ương và địa phương. Công ty TNHH Kim Thành A được hỗ trợ đầu tư mới cho dây chuyền sản xuất ván sàn, Công ty TNHH SX-TM-DV Hiệp Sanh được giúp đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì, với tổng kinh phí thực hiện gần 11,6 tỷ đồng. TTKC cũng đã hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, tiến bộ kỹ thuật cho 8 DN với tổng kinh phí thực hiện hơn 8,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, TTKC còn giúp các DN có dự án đầu tư mới được thụ hưởng chương trình khuyến công là Công ty CP SX-TM Quang Minh với hệ thống máy hút ẩm cho sản phẩm mây tre lá xuất khẩu; DNTN May Quốc Tế với máy ép mùn cưa trong sản xuất thanh gỗ nén và máy móc thiết bị cho các DN sản xuất đồ gỗ khác, như: Công ty TNHH SX-TM Gia Gia Phát (dây chuyền sơn bóng trong sản xuất đồ gỗ nội thất), Cơ sở Hữu Chuẩn (máy cưa xả gỗ), Công ty CP Phú An Sinh (dây chuyền sản xuất viên gỗ nén), Công ty TNHH Khải Nguyên (máy móc thiết bị trong sản xuất ván ép), Công ty TNHH MTV Thanh Phong (sản phẩm máy chạm trổ điêu khắc tự động CNC trong chế biến đồ gỗ nội thất) và Công ty TNHH TM-SX Sao Nam (máy cưa rong lưỡi dưới trong sản xuất đồ gỗ nội thất)…

Mưa chưa… mát mặt!

Sự quan tâm, hỗ trợ của TTKC cũng đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía cộng đồng DN. Bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc DNTN May Quốc Tế cho biết, những năm qua TTKC đã luôn đồng hành cùng DN trong các chương trình đào tạo lao động mới. Trong năm 2013, trung tâm đã giúp DNTN May Quốc tế đầu tư mở rộng công nghệ mới, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, theo ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành A, dù TTKC đã quan tâm hỗ trợ DN trong các chương trình tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn, đầu tư công nghệ mới… nhưng DN vẫn mong muốn có được định mức hỗ trợ cao hơn. Trên thực tế, mức hỗ trợ về kinh phí cho DN hiện còn khiêm tốn so số vốn đầu tư của DN. Thêm vào đó, số DN được hỗ trợ đầu tư cũng còn đếm trên đầu ngón tay trong khi số lượng DN nhỏ và vừa, DN thuộc diện được hỗ trợ tại Bình Dương lên đến hàng ngàn!

Cũng phải nói thêm rằng, do tình hình kinh tế khó khăn, giá cả đầu vào tăng, đầu ra giảm, hầu hết các DN gặp khó khăn về vốn trong sản xuất, kinh doanh, nên DN cũng khó tập trung nguồn vốn cho việc đầu tư các dự án khuyến công. Một số DN đã đăng ký kế hoạch thực hiện các đề án khuyến công trong năm nhưng do kẹt vốn nên không thể thực hiện kế hoạch dự kiến ban đầu. Một số dự án khuyến công “giữa đường đứt gánh” do trễ hẹn vì thời gian từ khi đăng ký kế hoạch đến khi phê duyệt kinh phí chi tiết thực hiện tương đối dài, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của DN…

Cần thêm những giải pháp

Để làm tốt vai trò đại diện, đồng hành hỗ trợ DN, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, ông Lê Văn Chí, Giám đốc TTKC Bình Dương kiến nghị: Bộ Công thương và Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư liên tịch về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương đối với hoạt động khuyến công để địa phương có cơ sở thực hiện. Các bộ cần sớm ban hành quyết định phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2014-2020, giúp các địa phương làm căn cứ xây dựng chương trình khuyến công địa phương; cần giảm bớt một số thủ tục cho một số nội dung khuyến công như công tác đào tạo nghề, hỗ trợ sử dụng máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất… Bộ Công thương và Bộ Nội vụ sớm có thông tư hướng dẫn về xây dựng chi nhánh khuyến công cấp huyện và hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp xã để địa phương có cơ sở kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến công, nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động này tại địa phương.

Các đối tượng DN thụ hưởng chương trình khuyến công cũng “hiến kế”: TTKC cần tìm hiểu các thông tin về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết bị sản xuất để cung cấp và tư vấn cho các cơ sở, DN sản xuất, DN công nghệ thông tin. TTKC cần tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh, từ đó có những biện pháp hỗ trợ kịp thời; tăng cường định mức kinh phí cho các đề án khuyến công, nhất là các đề án đổi mới công nghệ…

Theo baobinhduong.org.vn

Tăng cường trách nhiệm của Ngân hàng với môi trường

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta trong thời gian qua còn chưa quan tâm thích đáng đến yếu tố môi trường và xã hội của các dự án đầu tư. Theo Ngân hàng nhà nước, ngành ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển thông qua hoạt động cho vay và đầu tư bởi vì hệ thống này là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Các tổ chức tín dụng đóng vai trò là yếu tố tăng cường tác động phát triển tích cực tới xã hội và cũng góp phần vào việc bảo vệ cộng đồng và môi trường tại những nơi các tổ chức tín dụng và khách hàng của các tổ chức tín dụng đang hoạt động.

Do đó, trong tương lai ngành ngân hàng Việt Nam phải xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược của Nhà nước đã đề ra về bảo vệ môi trường, theo đó, các dự án đầu tư có nguồn vốn tín dụng ngân hàng tham gia phải bị ràng buộc bởi những quy định về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Về phía các tổ chức tín dụng, việc thực hiện chính sách tín dụng bền vững sẽ đảm bảo cho tổ chức tín dụng hạn chế rủi ro, hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.

Chính vì vậy, tại dự thảo của Ngân hàng Nhà nước quy định: Hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội là tập hợp các chính sách, quy trình quản lý và thủ tục đánh giá, giám sát rủi ro môi trường và xã hội đối với dự án, phương án của khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng) phải xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội tại đơn vị mình để thực hiện việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.

Tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tổ chức tín dụng chủ động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong điều hành hoạt động nội bộ nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Đồng thời, chủ động phát triển và cải tiến sản phẩm, tìm kiếm và khai thác những cơ hội kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) về hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội theo định kỳ hàng quý.

Báo cáo này bao gồm số lượng và tỷ lệ các giao dịch tín dụng tuân thủ theo Quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội của tổ chức tín dụng; tỷ lệ các giao dịch được xếp loại rủi ro thấp, trung bình và cao; và số lượng hồ sơ cấp tín dụng bị từ chối và/hoặc được chấp nhận vì lý do môi trường và/hoặc xã hội.

Bên cạnh đó, hàng năm, tổ chức tín dụng cũng phải báo cáo Ngân hàng nhà nước về hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Báo cáo bao gồm các nội dung: năng lực quản lý rủi ro môi trường và xã hội của tổ chức; phương pháp giám sát và đảm bảo quản lý rủi ro môi trường và xã hội hiệu quả và công tác báo cáo nội bộ về hoạt động môi trường và xã hội của tổ chức.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên website của cơ quan này.

Theo Chinhphu.vn

Nhiên liệu sinh khối: Sinh tiền tấn

Những phế phẩm như mùn cưa, vỏ trấu… lại trở thành một mặt hàng được săn mua trong thời gian qua đẩy thị trường tưởng chừng như phế phẩm bỏ đi trở nên rất sôi động và đắt giá: từ buôn bán nguyên liệu sinh khối, trồng rừng, chứng chỉ trồng rừng rồi đến cả thị trường khí thải.

Nhu cầu về nhiên liệu sinh khối từ châu Âu, Nhật Bản tăng vọt đã có tác động không nhỏ tới thị trường này tại Việt Nam. Mùn cưa, vỏ trấu, bã mía… đột ngột trở thành những mặt hàng nhiều giá trị.

Mùn cưa ép thành… vàng

                                                                                                                                  Ảnh: Quý Hòa
 
Liên tiếp trong tháng qua, văn phòng của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nhận được các lời chào mua thu gom tất cả phế phẩm mùn cưa của tất cả thành viên HAWA, với đơn chào lên đến hơn 10.000 tấn mùn cưa mỗi tháng!

 Tất nhiên, HAWA không thể gom đủ số lượng này nên khách hàng sốt ruột muốn mua hết cả các loại dăm, bào, gỗ vụn, giá tùy thỏa thuận, có thể lên đến 500.000 đồng/tấn mùn cưa.

Đơn hàng đến từ một công ty tại TP.HCM. Mùn cưa sau khi thu mua được chuyển tới nhà máy tại Bình Dương để nén thành viên, đóng gói bán sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản. Được biết, viên nén mùn cưa được thế giới xem như một dạng nhiên liệu sinh khối thay thế dầu, khí ga, than đá….

Nenryo cũng là một công ty thương mại kinh doanh mùn cưa từ nhiều năm nay. Theo ông Phạm Phú Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nenryo, trong các dạng năng lượng sạch dành cho nhiệt điện, vỏ trấu cũng như mùn cưa là nguyên liệu có giá trị rất cao và có rất nhiều tại Việt Nam.

Số liệu của Nenryo cho thấy, ở Việt Nam lượng phụ phẩm như vỏ trấu là 6,8 triệu tấn/năm trong đó riêng ĐBSCL chiếm 3,7 triệu tấn; phụ phẩm mùn cưa là 5,8 triệu tấn/năm trong đó riêng Tây Nguyên chiếm 2,5 triệu tấn, miền Trung chiếm 1,15 triệu tấn/năm.

Đa số viên nén sản xuất tại Việt Nam và các nước trong khu vực đều xuất khẩu vào châu Âu và Nhật. Đây là những thị trường có nhu cầu rất lớn về nhiên liệu sinh khổi bởi họ đã đổi mới công nghệ và bắt đầu lộ trình sử dụng năng lượng bền vững.

Riêng tại Việt Nam cũng có nhiều các dự án nhiệt điện sử dụng rác thải trong quá trình sản xuất mía đường như: Nhà máy nhiệt điện Lam Sơn – tận dụng nguyên liệu từ quá trình sản xuất mía đường của Công ty CP Mía đường Lam Sơn…

“Thu mua sản phẩm này rất khó khăn vì các nhà máy sản xuất nằm riêng lẻ với công suất thấp, khoảng 500 – 1.000 tấn, tối đa là 2.000 -3.000 tấn, trong khi các đơn mua hàng thường đặt khoảng 10.000 -20.000 tấn.

Theo giá tham chiếu của châu Âu thì giá bán nguyên liệu phải có đủ Chứng chỉ FSC (Chứng chỉ trồng, quản lý và khai thác rừng bền vững), nhưng các nhà cung cấp ở Việt Nam lại hầu hết không có chứng chỉ này nhưng giá bán lại lấy giá tham chiếu làm chuẩn”, ông Thành cho biết.

Để gom đủ số lượng, nhà máy phải huy động nhiều đầu mối thu gom mùn cưa từ Bình Dương, Đồng Nai cho đến Đắc Lắc. Giá thu mua mùn cưa đã chế biến khoảng 500.000đ/tấn, nhưng sau khi xử lý nén và đóng gói có thể xuất FOB với giá lên tới hơn 300 USD/tấn.

Tuy nhiên, theo ông Thành, so với tiềm năng thì Việt Nam chỉ mới chỉ cung cấp 600.000 tấn/năm để xuất khẩu ra nước ngoài. Còn thực tế, chưa xuất khẩu được vì hầu hết các nhà sản xuất Việt Nam chưa hiểu hiều rõ tiêu chí cũng như yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm. Thực tế, các nhà sản xuất hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, hoạt động manh mún.

Đa phần nhập máy Trung Quốc vì sản xuất và không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật khi xuất khẩu vào Nhật hay thị trường châu Âu nên mất khả năng cạnh tranh…

Chẳng hạn, theo tiêu chuẩn châu Âu, hàm lượng tro đối với sản phẩm viên nén gỗ là 0,3 – 0,5%, nhưng khả năng cung cấp của Việt Nam là 1,5 – 2% nên châu Âu không nhập. Hoặc độ ẩm sản phẩm viên nén gỗ, yêu cầu của chấu Âu và Nhật là 4 – 6% nhưng sản phẩm của Việt Nam tới 7 – 8%.

Theo ông Thành, nếu xuất một lượng lớn mùn cưa từ 10.000 tấn/tháng sang Nhật sẽ đòi hỏi phải xuất trình được chứng chỉ FSC. Nếu có chứng chỉ trồng rừng và đạt các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường thì giá mùn cưa có thể lên đến 400 – 500USD/tấn.

Theo tính toán, mùn cưa dùng trong nhiên liệu công nghiệp khá hiệu quả. Với lò hơi, việc từ than đá chuyển sang dùng củi mùn cưa chi phí có thể giảm đến hơn 50%. Từ dầu FO chuyển sang củi ép mùn cưa, chi phí có thể giảm đến 70%. Nếu sản xuất 2,5 tấn mùn cưa thành nhiên liệu đốt trong nước, Việt Nam giảm nhập khẩu khoảng 1.000 lít dầu.

Để có được FSC, nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam sẵn sàng bỏ ra hàng trăm ngàn đến cả triệu USD để hợp tác với các nhà trồng rừng tại Việt Nam. Được biết, Nenryo cũng đang đàm phán bước đầu với các nhà trồng rừng tại Đắc Nông và Bình Dương, cùng với kế hoạch xây dựng các nhà máy ép mùn cưa tại Thanh Hóa, Hải Phòng.

Theo ông Ngụy Như Trọng, Giám đốc Công ty Phúc Nguyên, thị trường nguyên liệu sinh khối bao gồm mùn cưa, bã mía, vỏ cà phê có nhu cầu rất lớn.

Hiện nay, Phúc Nguyên xuất hàng vào thị trường Đức, Ba Lan, Hà Lan… mỗi tháng khoảng vài ngàn tấn. Giá giao động từ 220 – 250 USD /1 tấn, tùy thuộc vào thị trường EU hay châu Á.

Còn theo ông Phạm Bành Tiến, Giám đốc Công ty Hùng Đại Dương, nhu cầu thị trường thì rất lớn, nhưng tìm nguồn nguyên liệu không phải là dễ, khách hàng cung cấp loại nguyên liệu này không phải thường xuyên mà theo thời vụ.

Do đó, doanh nghiệp gặp khó khăn khi nhận đơn hàng lớn, đảm bảo số lượng đã ký hợp đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp khó khăn khi văn bản pháp luật chưa quy định rõ ràng về mã ngành này mà chủ yếu đăng ký với lĩnh vực kinh doanh: phế phẩm từ nông lâm sản.

Điều này, gây khó khăn khi doanh nghiệp tiếp xúc với khách hàng lớn trong khi lĩnh vực hoạt động không rõ ràng, đăng ký thì trong bảng mã ngành kinh tế quốc dân chưa có. 

 Theo Doanhnhansaigon.vn 

Các cơ sở sản xuất công nghiệp phải thường xuyên cập nhật giải pháp tiết kiệm năng lượng

Đó là một trong những nội dung của Thông tư số 02/2014/TT-BCT vừa được Bộ Công Thương ban hành, quy định các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành công nghiệp (gọi tắt là các quá trình dùng chung) và các biện pháp quản lý, các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành hóa chất.

Ảnh Internet

Theo đó, với ngành công nghiệp, hiệu quả sử dụng năng lượng và mục tiêu hiệu quả năng lượng của các quá trình dùng chung phải được phản ánh trong kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm về sử dụng năng lượng của các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Hiệu quả sử dụng năng lượng của các quá trình dùng chung và mức độ đạt được các mục tiêu về hiệu quả năng lượng theo kế hoạch của các quá trình dùng chung phải được trình bày trong báo cáo kiểm toán năng lượng, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng hàng năm.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp phải có kế hoạch nghiên cứu, triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng thực tế. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng phải được nghiên cứu, bổ sung và cập nhật thường xuyên.

Thông tư cũng quy định cụ thể việc sử dụng năng lượng trong quá trình đốt nhiên liệu; Trong hệ thống cấp nhiệt và hệ thống lạnh; Hệ thống điều hòa không khí, cấp nước nóng; Động cơ điện; Hệ thống khí nén; Tận dụng thải từ các hệ thống đốt nhiên liệu, hệ thống cấp nhiệt, truyền nhiệt; Công nghệ chiếu sáng và quản lý chiếu sáng trong nhà máy sản xuất, văn phòng của doanh nghiệp…

Về việc ngăn ngừa tổn thất điện năng, Thông tư quy định, hệ thống phải được thiết kế để tránh các dạng tổn thất sau: Tổn thất điện áp, tổn thất do lệch pha, tổn thất do hệ số công suất nhỏ, tổn thất máy biến áp, tăng chi phí mua điện do vận hành giờ cao điểm.

Với ngành hóa chất, Thông tư đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp hóa chất như: Sử dụng động cơ hiệu suất cao; Sử dụng máy biến tần phù hợp; Khí hóa từ củi thay tế nhiên liệu dầu/LPG cho hệ thống sấy liệu; Cải thiện hệ thống quản lý năng lượng; Giảm hệ số hoàn lưu trong quy trình sản xuất; Sử dụng biến tần phù hợp; Tối ưu hóa hệ thống khí nén.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/6/2014.

Theo website của Bộ công thương moit.gov.vn