Ngành xi măng: Tạo “bước nhảy” sang chất và lượng

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngành công nghiệp xi măng Việt Nam được định hướng phát triển theo hướng tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phóng viên Kinh tế Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam xung quanh vấn đề trên.

hiephoi

Ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Xin ông cho biết những kết quả đầu tư và ứng dụng công nghệ mới, thiết bị hiện đại trong sản xuất của ngành xi măng Việt Nam thời gian qua? 

Trong những năm qua, nhiều DN trong ngành xi măng đã chú trọng đầu tư, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu, công nghệ mới, thiết bị hiện đại trong sản xuất xi măng như: Sông Gianh, Hải Phòng, Cẩm PhảThăng Long, Hạ Long, Thái Nguyên, Bình Phước, Hà Tiên 2, Nghi Sơn 2, Hoàng Thạch 3, Bút Sơn 2…

Tại Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), tất cả các nhà máy thuộc Vicem đều được thiết kế sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu và tiêu chuẩn Mỹ. Các sản phẩm trong nước và xuất khẩu của Vicem như OPC40, PC40 đều đạt tiêu chuẩn châu Âu EN 197-1:2000 và C150-09 ASTM TYPEI….

Tuy vậy, nhìn tổng thể toàn ngành xi măng Việt Nam hiện nay, có thể thấy việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất xi măng ở nước ta vẫn còn bất cập như một số nhà máy xi măng lò quay có công suất nhỏ 350-1.000 tấn clinker/ngày, công nghệ lạc hậu, chất lượng thiết bị kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp; sản phẩm chất lượng chưa cao, hàm lượng vôi tự do trong clinker còn cao, xi măng đa phần chỉ đạt mác PC40 trở xuống; tiêu hao nhiệt năng, điện năng lớn, thời gian vận hành thiết bị ngắn; nhiều vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình hoạt động của các nhà máy xi măng…

Theo ông, để tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành xi măng cần triển khai thực hiện những giải pháp gì?

Đã đến lúc ngành xi măng cần tạo “bước nhảy” để chuyển sang chất và lượng, kết thúc giai đoạn phát triển theo chiều rộng, bước vào giai đoạn mới phát triển theo chiều sâu, bền vững hơn. Giai đoạn 2020-2030, ngành xi măng được định hướng đầu tư theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể ngành xi măng sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiết kiệm nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường.

Theo tôi được biết, trong quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu, dự kiến đến năm 2015 không còn sản xuất xi măng lò đứng. Đối với các dự án đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clinker/ngày trở lên.

Ngoài ra, phát triển xi măng cần theo quy hoạch khoa học, thực tiễn và tính toán lâu dài. Chúng ta cần loại bỏ các dây chuyền sản xuất xi măng công suất thấp, đầu tư mở rộng các dự án có điều kiện về công nghệ, tài chính với công suất lớn, giảm chi phí sản xuất nâng cao chất lượng xi măng. Kinh nghiệm các nước cho thấy, hiện đại hóa ngành xi măng cần tỷ lệ kỹ sư cao hơn công nhân, bởi hầu hết các công đoạn sản xuất đều điều khiển tự động, ít sử dụng lao động trực tiếp. Bên cạnh việc tăng cường quản lý nhà nước, chúng ta phải đào tạo đội ngũ nhân lực xi măng đạt trình độ cao, thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ kỹ sư, chuyên gia đầu ngành.

Phát triển công nghệ cao đi đôi với đảm bảo tốt vấn đề môi trường. Để đạt được định hướng này trong thời gian tới, ngành xi măng cần tập trung vào vấn đề gì, thưa ông?

Từ những thực tế trên đã đòi hỏi ngành xi măng phải có những biện pháp tích cực nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Với xu hướng phổ biến hiện nay trên thế giới áp dụng công nghệ sản xuất lò quay phương pháp khô hiện đại với mức độ cơ giới hóa và tự động hóa cao, tạo ra các sản phẩm xi măng đạt chất lượng cao, tiêu tốn nguyên liệu và năng lượng thấp, đồng thời còn bảo vệ môi trường.

Hiện đã có nhiều nhà máy xi măng Việt Nam đầu tư vào thiết bị công nghệ thuộc loại tiên tiến trên thế giới, dây chuyền sản xuất đồng bộ của Polysius, thiết bị chuyên dụng xử lý các nguồn gây ô nhiễm để hạn chế khí thải, giảm tiếng ồn, quản lý chất thải rắn và tái sử dụng nước thải… Với mức độ tự động hóa cao không chỉ đảm bảo về chất lượng sản phẩm mà còn đảm bảo cả vấn đề môi trường.

Thế giới đang chuyển động, Việt Nam đi chậm hơn nhưng chúng ta cũng phải bắt kịp xu thế này. Đó là việc tập trung đầu tư nghiên cứu sử dụng phế thải làm nguyên, nhiên liệu cho sản xuất xi măng; nghiên cứu sản xuất các chủng loại xi măng có tính năng đặc biệt, xi măng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; nghiên cứu giảm tiêu hao năng lượng, nhiên liệu và nhân công trong sản xuất xi măng./.

Xin cảm ơn ông!

Theo ven.vn