Giải pháp cho nguồn năng lượng mới

Dù là năng lượng dùng để thắp sáng, chạy máy điều hòa hay để chạy xe, đa phần các nguồn năng lượng hiện nay đều có nguồn gốc hóa thạch. Tuy nhiên, than và dầu sắp tới có thể sẽ được thay bằng các nguồn năng lượng mới sạch hơn như tảo, đá nóng… và việc sử dụng năng lượng cũng sẽ hiệu quả hơn nhờ các công nghệ mới như pin kẽm, đèn LED đom đóm.

Nhiên liệu tảo

Sử dụng nhiên liệu tảo để chạy xe là mục tiêu hấp dẫn của nhiều dự án trong những năm qua, nhưng một số thất bại và một số đang ì ạch trên con đường thương mại hóa. Tuy nhiên 2013 có thể sẽ là năm đột phát với việc sản xuất nhiên liệu tảo bắt đầu đạt quy mô đủ để cạnh tranh với xăng dầu.


Đầu năm nay, liên doanh Solazyme Bunge Produtos Renováveis giữa công ty Solazyme của Mỹ với tập đoàn chế biến thực phẩm Bunge của Brazil đã được phê duyệt khoản vay trị giá 120 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Brazil để xây dựng nhà máy sản xuất dầu tảo quy mô thương mại đầu tiên tại Brazil. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý IV năm 2013, công suất ban đầu khoảng 100.000 tấn dầu tảo/năm, và sẽ tăng lên 300.000 tấn/năm vào cuối năm 2016.

Solazyme cũng có kế hoạch sớm đưa nhiên liệu tảo ra thị trường Mỹ với nhà máy ở Clinton (bang Iowa). Nhà máy này dự kiến sản xuất 20.000 tấn dầu tảo mỗi năm vào đầu năm 2014, sau đó sẽ tăng lên 100.000 tấn mỗi năm.

Một công ty khác, Sapphire Energy cũng đang tìm cách vượt qua ngưỡng sản lượng thương mại. Từ giữa năm rồi các nhà máy ở Columbus bang New Mexico của công ty này đã bắt đầu sản xuất dầu tảo, sản lượng của nhà máy dự kiến đạt 6 triệu lít dầu vào năm 2014, và có thể đạt đến 1,6 triệu lít/ngày vào năm 2018.

Sapphire và Solazyme sản xuất dầu tảo theo hai phương pháp khác nhau. Solazyme nuôi tảo trong thùng lên men đóng kín, còn Sapphire nuôi tảo ở những ao lớn ngoài trời. Nuôi tảo ở những ao ngoài trời về lý thuyết có thể rẻ hơn nhưng phải đối phó với việc ô nhiễm và các yếu tố khác bên ngoài.

 


Ngoài ra còn phải kể đến công ty Synthetic Genomics, “đứa con” của Craig Venter, chuyên gia hàng đầu về gen. Venter là người đầu tiên lập được bản đồ gen người, cùng với nhóm nghiên cứu của mình tạo ra tế bào vi khuẩn tổng hợp đầu tiên trên thế giới. Synthetic Genomics đã có được hợp đồng nghiên cứu lên đến 600 triệu USD với Exxon. Venter cho rằng chỉ có cách tổng hợp (nhân tạo) tảo mới đủ để sản xuất nhiên liệu sinh học quy mô lớn và cạnh tranh được với xăng dầu. Hợp đồng với Exxon mới chỉ là bước đầu để nghiên cứu tế bào tảo tự nhiên, Venter hy vọng Exxon sẽ tiếp tục tài trợ nghiên cứu tế bào tảo tổng hợp.

Biết đâu Venter đúng và rồi sẽ có một giống tảo hoàn toàn mới cho hiệu suất chiết xuất dầu cực cao.

Năng lượng địa nhiệt

Không có nhiều công ty tham gia lĩnh vực năng lượng địa nhiệt – khai thác đá nóng sâu dưới lòng đất để lấy năng lượng và sản xuất điện, một phần vì chi phí đắt đỏ, một phần vì cần nhiều loại giấy phép và phải báo cáo tác động môi trường. Tuy nhiên, AltaRock Energy, một công ty non trẻ hiếm hoi gần đây đã thực hiện bước đột phá quan trọng có thể dẫn đến việc thương mại hóa năng lượng địa nhiệt.

Năng lượng địa nhiệt có tiềm năng to lớn nhưng lâu nay vẫn bị xem là “lĩnh vực hẹp”. Một nghiên cứu cách đây vài năm của Viện Công nghệ MIT cho thấy công nghệ địa nhiệt tăng cường có thể tạo ra 100 GW điện (100 GW tương đương với công suất của 100 nhà máy nhiệt điện lớn) vào năm 2050 nếu được đầu tư nghiên cứu và phát triển hợp lý. Nhưng do chỉ sử dụng các hệ thống địa nhiệt truyền thống nên các nguồn phát điện địa nhiệt hiện nay bị “kẹt” ở những vùng cách biệt có hoạt động địa nhiệt tự nhiên.

Năng lượng địa nhiệt không “thất thường” như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió, có thể sản xuất điện 24/7 kể cả khi mặt trời lặn hay đứng gió. Than đá và khí đốt được sử dụng rộng rãi chính là vì khả năng cung cấp năng lượng ổn định.

Được Google, công ty đầu tư của Paul Allen (đồng sáng lập Microsoft) và nhiều nhà đầu tư khác hậu thuẫn, AltaRock Energy đang nghiên cứu công nghệ địa nhiệt thế hệ mới. Công nghệ này khoan giếng sâu vào lòng đất, bơm nước lạnh xuống làm nứt đá nóng và sinh ra nguồn năng lượng địa nhiệt “không tự nhiên có”, không như với các hệ thống địa nhiệt truyền thống khai thác nguồn địa nhiệt tự nhiên như suối nước nóng.

AltaRock Energy đã đạt được một thành công quan trọng: có thể tạo ra nhiều khu địa nhiệt kích thích từ một giếng khoan – “điều chưa từng thực hiện được trước đây”. Việc tạo được nhiều khu địa nhiệt từ một giếng khoan có nghĩa có thể sinh ra nhiều năng lượng địa nhiệt hơn và giá thành trở nên rẻ hơn.

Nếu mọi thứ đi đúng hướng, AltaRock dự định xây dựng một nhà máy điện quy mô lớn tại Bend bang Orgeon (Mỹ) trong năm sau. Công ty hiện đang kêu gọi tài trợ từ các đối tác chiến lược quan tâm đến việc thương mại hóa công nghệ này.

Pin kẽm

Hãy hình dung vòng FuelBand của Nike nhỏ bằng chiếc nhẫn, hoặc chiếc điện thoại di động mỏng như thẻ tín dụng. Những loại thiết bị mỏng, nhỏ hoặc có hình dạng khác thường đó có thể chế tạo được nếu có loại pin vừa mỏng vừa dẻo và đủ mạnh (để cấp nguồn cho thiết bị). Bởi vì, pin mới chính là rào cản đối với thiết kế của các thiết bị điện tử hiện đại.

Pin lithium thông thường có rất nhiều thành phần cần niêm kín để tránh phát tán chất lithium có hoạt tính cao ra môi trường. Chính điều này làm cho pin lithium cứng và cồng kềnh. Ngay cả những máy tính xách tay mỏng nhất như Macbook Air hay máy tính bảng như iPad cũng gặp phải những hạn chế về thiết kế do kích thước và trọng lượng của pin. Vòng FuelBand của Nike nếu nhìn kỹ (ảnh bên trái) bạn sẽ thấy pin (lithium) là phần duy nhất không uốn cong được.

Tin vui cho các nhà sản xuất thiết bị: từ một nghiên cứu của Đại học California, sử dụng kẽm thay cho lithium và kỹ thuật in lụa, công ty Imprint Energy đã chế tạo ra loại pin sạc mới siêu mỏng có thể giải phóng rào cản của pin.

Imprint Energy sử dụng kẽm làm anode (cực dương) của pin, kết hợp với chất điện phân polymer đặc và cực âm làm bằng oxit kim loại. Các ion kẽm đi từ cực dương đến cực âm qua chất điện phân, tạo nên phản ứng hóa học tập hợp các electron dọc theo đường đi.

Kẽm đã được sử dụng trong pin từ lâu nhưng việc chế tạo pin kẽm sạc có khó khăn do kẽm khi kết hợp với chất điện phân lỏng tạo nên các sợi tinh thể nhỏ ngăn cản phản ứng sạc. Imprint Energy giải quyết trở ngại này bằng cách sử dụng chất điện phân polymer rắn.

                           

Kẽm hoạt tính thấp, ít tác động tới môi trường, vì vậy pin có ít “thành phần đóng gói” hơn và có thể làm mỏng hơn (có thể chế tạo chỉ dày cỡ sợi tóc). Loại pin mỏng, nhỏ này có thể cấp nguồn cho các miếng nhãn thông minh như nhãn dán phát hiện độ tươi của thực phẩm chẳng hạn. Pin kẽm cũng an toàn và ít độc hại hơn so với pin lithium. Nhóm nghiên cứu tại Imprint có thể làm việc trên pin kẽm ở ngoài trời chứ không cần phải ở trong phòng lab. Đây là lựa chọn an toàn cho các thiết bị mà người ta nằm, ngồi, mang trên người hoặc cấy trong cơ thể.

Một sáng tạo khác của Imprint Energy đó là áp dụng công nghệ in lụa để in pin. Hầu hết pin hiện nay được chế tạo bằng cách phủ vật liệu lên phôi kim loại, sau đó lắp các tế bào pin vào. Công nghệ của Imprint Energy cho phép in vật liệu pin như mực lên những tấm màn hình dạng bất kỳ.

Với loại pin mới đa dạng, mỏng và ít độc hại, các nhà sản xuất có thể chế tạo các loại thiết bị mới nhỏ gọn hơn, nhiều chức năng hơn. Tuy vẫn còn quá sớm nhưng có thể nói loại pin mới sẽ đem đến đột phá trong thiết kế thiết bị điện tử, có thể tạo nên những loại thiết bị hoàn toàn mới. Ngành công nghiệp thiết bị điện tử mang trên người (như dòng sản phẩm FuelBand, FitBit và Misfit Shine) có thể sẽ thu lợi được nhiều nhất từ loại pin mới này, ngành này đang nổi lên và có thể trở thành xu hướng chủ đạo trong vài năm tới.

Hiện Imprint Energy chỉ mới sản xuất pin mẫu cho khách hàng tiềm năng, khoảng 2-3 năm nữa sẽ mở rộng quy mô sản xuất thương mại và cấp phép công nghệ của mình.

LED đom đóm

Hàng tỷ năm tiến hóa tạo nên một số kết cấu khá hiệu quả. Đom đóm có bộ vảy lởm chởm bao quanh phần thân phát sáng, cấu tạo này làm tăng sự phát sáng.

Phỏng theo cấu tạo đó, các nhà khoa học tại trường Đại học Namur (Bỉ) đã nghiên cứu chế tạo thành công lớp áo ngoài cho đèn LED có thể giúp tăng độ phát sáng lên gấp rưỡi.

Lớp áo này có thể sử dụng với các công nghệ LED hiện tại, nghĩa là các nhà sản xuất đèn LED sẽ không phải đầu tư mới từ đầu. Thị trường LED đang bắt đầu chín muồi, trước tiên ở phân khúc cao ốc thương mại, sau đó sẽ sớm phổ biến ở phân khúc nhà ở.

Mô phỏng sinh học – hay lấy tự nhiên làm cảm hứng cho thiết kế hiệu quả – cũng là một lĩnh vực đang phát triển, đặc biệt là đối với công nghệ năng lượng sạch.

Mạng thông minh chống trộm điện

Mỗi năm các công ty điện lực trên toàn thế giới mất hàng tỷ USD do trộm điện, được biết đến với thuật ngữ “thất thoát phi kỹ thuật”. Đây là vấn đề mà Awesense giải quyết. Công ty Canada này thành lập cuối năm 2009, đã phát triển giải pháp sử dụng cảm biến gắn trên đường dây điện kết nối qua mạng không dây kết hợp với ứng dụng dựa trên đám mây cho phép giám sát từ xa lượng điện mà công ty điện lực đang truyền tải đối chiếu với lượng điện tiêu thụ được tính cước, qua đó biết được “doanh thu đang bị thất thoát”.

Chi phí đầu tư cho hệ thống mạng như vậy khá rẻ nên Awesense quyết định cung cấp dịch vụ phát hiện trộm điện “trả sau” – lắp đặt miễn phí cho các công ty điện, và hưởng phần trăm trên doanh thu thu hồi được.Awesense hy vọng danh sách khách hàng quốc tế của mình sẽ tiếp tục mở rộng trong năm nay, trộm điện đang vấn đề lớn ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện Awesense có khách hàng tại Canada, Mỹ và châu Mỹ La tinh.


Theo cesti.gov.vn

Những công ty sáng tạo nhất trong lĩnh vực năng lượng

Technology Review bình chọn 50 công ty sáng tạo định hình thị trường công nghệ thế giới. Thị trường công nghệ thay đổi cực nhanh, ngay như Apple cũng phải cạnh tranh. Chỉ có 15 trong số 50 công ty trong danh sách năm rồi trụ lại được.
Đây không phải bảng xếp hạng, không đánh giá dựa trên các yếu tố định lượng như ngân sách cho R&D (nghiên cứu và phát triển) hay số lượng sáng chế, thật ra các yếu tố này cũng không hẳn xác định năng lực sáng tạo của công ty. Thay vì vậy, ở đây xem xét các khía cạnh thương mại hoá sáng tạo. Trong năm qua các công ty trong danh sách này đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, thách thức các công ty đứng đầu hay tạo ra thị trường mới.
Năng lượng và vật liệu
12 công ty sáng tạo nhất trong năm 2013 theo Technology Review
ABB
Hoàn thiện bộ ngắt mạch cho dòng điện DC cao áp – một bước quan trọng để sử dụng rộng rãi năng lượng tái tạo.

Alta Devices
Nâng cao hiệu suất năng lượng mặt trời. Những tấm pin uốn cong được của Alta có thể dùng để cấp nguồn di động.

Ambri
Chế tạo pin kim loại lỏng có khả năng hấp thu lượng điện lớn, có thể dùng cho lưu trữ điện lưới.

Aquion Energy
Bắt đầu bán ra một loại pin mới với giá rẻ, có thể dùng để lưu trữ điện lưới.

BrightSource Energy
Khai trương nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất dùng gương phản chiếu ánh sáng lên tháp tạo hơi nước.
Corning
Sản xuất một loại kính mới mỏng và dẻo nhưng đủ cứng để sử dùng cho các thiết bị dùng màn hình cảm ứng.

Dow Chemical
Thương mại hóa tấm lợp mái kết hợp vật liệu quang điện rẻ gấp rưỡi các tấm năng lượng mặt trời hiện đang được dùng.

Nest
Tiếp thị một rơle nhiệt biết nhiệt độ ưa thích của người sử dụng và điều chỉnh để đạt hiệu quả tối ưu.

General Electric
Giúp các công ty điện lực sử dụng năng lượng gió và mặt trời.Tuabin khí mới của GE kích hoạt nhanh chóng khi nguồn điện “xanh” không sử dụng được.

Philips
Chế tạo các bóng đèn LED hiệu quả và hữu dụng hơn. Loại bóng đèn mới này có thể điều khiển bằng điện thoại và máy tính bảng.
 
Theo Technology Review

Các công nghệ tiết kiệm điện

Ngày nay có rất nhiều công nghệ và giải pháp tiết kiệm điện. Thật khó có thể biết được chính xác giải pháp nào cho kết quả tốt nhất. Trong bài báo này, Tony Longstaff – Giám đốc marketing công ty e-fficicent Energy Systems nêu ra 3 công nghệ đảm bảo tiết kiệm điện năng và cắt giảm hóa đơn tiền điện.

Hình 1. Công nghệ M&T thông minh hiện đại là công cụ then chốt giúp nắm hiểu được mức sử dụng hiện tại và xác định các khu vực có thể tiết kiệm

1. Theo dõi và định vị mục tiêu

Công nghệ theo dõi và định mục tiêu (monitoring & targeting – M&T) thông minh hiện đại là công cụ then chốt giúp nắm hiểu được mức sử dụng hiện tại và xác định các khu vực có thể tiết kiệm.
Công tơ M&T có thể đo đếm chính xác, theo dõi và cho phép bạn quản lý được việc sử dụng điện của bạn. Công tơ này dựa trên nguyên tắc “bạn không thể quản lý được cái mà bạn không đo”, phân tích và quản lý các dữ liệu đầu vào của công tơ, trình bày các dữ liệu này trên mặt hiển thị rõ ràng, thân thiện với người dùng ở dạng bảng Exel.

Các hệ thống đơn giản có thể cung cấp cho bạn một bức tranh rõ ràng về các phụ tải cơ bản của tòa nhà và đặc tính sử dụng điện theo thời gian thực bằng cách đo đếm chính xác phụ tải cơ bản và xu hướng tiêu thụ điện, ngoài ra nếu bổ sung thêm các công tơ phụ thì có thể đo đếm, theo dõi và quản lý với mức độ chi tiết hầu như không có giới hạn.

Công nghệ M&T mới nhất có thể đo đếm được hầu như bất cứ điều gì bạn muốn, dù đó là điện năng, gas hay nước, và nếu có thêm công tơ phụ, bạn có thể đi sâu nắm được mức sử dụng theo thời gian thực đến từng thiết bị riêng lẻ. Và tất nhiên nhờ khả năng đo được mức sử dụng, ta có thể cắt giảm nó một cách hiệu quả.

Bộ biến tần điều tốc là một hệ thống nhỏ gọn và đơn giản có thể điều chỉnh tốc độ và mô men của động cơ cho phù hợp với yêu cầu đầu ra, thay vì luôn luôn chỉ chạy ở tốc độ lớn nhất. Chúng tiết kiệm điện năng và thường nhắm vào các thiết bị cụ thể như quạt, động cơ, bơm nước và hệ thống điều hòa không khí trong tất cả các tòa nhà với hàng nghìn kiểu ứng dụng. 

Hình 2. Bộ biến tần điều tốc là một hệ thống nhỏ gọn và đơn giản có thể điều chỉnh tốc độ và mô men của động cơ cho thật phù hợp với yêu cầu đầu ra

2. Bộ biến tần điều tốc

Bộ biến tần điều tốc (variable speed drive – VSD), còn gọi là bộ nghịch lưu, khi dùng cho động cơ cảm ứng xoay chiều sẽ giảm được điện năng tiêu thụ và thực tế là cắt giảm tiền điện.

Vì mối quan hệ giữa vận hành động cơ và điện năng tiêu thụ không phải là tuyến tính nên điện năng tiết kiệm được có thể còn lớn hơn. Khi dùng bộ biến tần điều tốc để giảm tốc độ động cơ quạt hoặc bơm từ 100% xuống còn 80%, bạn có thể tiết kiệm tới 50% điện năng tiêu thụ.

Bộ biến tần điều tốc tiết kiệm đáng kể điện năng tiêu thụ và có thể dùng cho hầu hết các các ứng dụng có sử dụng động cơ.

Nghe có vẻ đơn giản và thực tế các thiết bị này rất đơn giản và hiệu quả. Tất cả các động cơ của quạt, bơm, hệ thống thông gió, sưởi ấm và điều hòa không khí công suất trên 1,1 kW đều cần một bộ biến tần điều tốc.

3. Quản lý điện áp

Hệ thống quản lý điện áp là giải pháp toàn diện hơn so với bộ biến tần điều tốc (VSD) vì chúng tiết kiệm điện cho cả tòa nhà chứ không chỉ cho một số động cơ riêng lẻ.

Hình 3. Hệ thống tối ưu hóa và điều chỉnh điện áp của công ty e-fficient Energy Systems

Hệ thống quản lý điện áp cần được sử dụng vì điện áp lưới điện ở Anh trung bình là 242 V trong khi hầu hết các thiết bị điện (ở Anh Quốc) đều được thiết kế để làm việc hiệu quả nhất ở điện áp 220V. Giảm điện áp lưới điện đầu vào này sẽ giảm được hóa đơn tiền điện và đem lại nhiều lợi ích khác.

Hệ thống tối ưu hóa và điều chỉnh điện áp của công ty e-fficient Energy Systems có thể tiết kiệm nhiều hơn tới 30% so với hệ thống tối ưu hóa điện áp kiểu giảm áp và cho phép:

• Quản lý điện áp thực, thường là xuống còn 220 V.
• Điện áp được tối ưu hóa và điều chỉnh thông minh chứ không chỉ giảm theo một tỉ lệ phần trăm định trước như hầu hết các hệ thống tối ưu hóa hiện có.
• Có thể tiết kiệm điện tối đa ở mức có thể, điện áp ra được điều chỉnh sạch (ít sóng hài).
• Đảm bảo thu hồi vốn đầu tư.
Công ty Carbon Trust (Luân Đôn, Vương quốc Anh) ủng hộ cả ba công nghệ và giải pháp này để cắt giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải cacbon.

Theo QLNĐ

Doanh nghiệp sản xuất giấy: “Tiết kiệm năng lượng” không đợi nước đến chân mới nhảy

Tại Hội thảo “Khung pháp lý và chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” do Bộ Công Thương và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2015, Bộ Công Thương sẽ ban hành thông tư quy định tiêu chuẩn định mức tiêu thụ năng lượng cho một số ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó có ngành giấy.

San xuat giay

Sản xuất giấy là ngành công nghiệp trọng điểm trong danh sách áp dụng tiêu chuẩn định mức năng lượng

Ngành giấy được đánh giá là một ngành tiêu thụ năng lượng khá lớn. Nhiên liệu phục vụ sản xuất là 1 trong 3 yếu tố tác động lớn đến giá thành của sản phẩm. Trong đó, 2 dạng nhiên liệu tiêu thụ chủ yếu gồm điện và than.

Không chờ đến khi các quy định của Nhà nước có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp trong ngành giấy đã chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Tại công ty giấy Phát Đạt (Bắc Ninh), mỗi năm công ty này tiêu tốn hơn 2,1 triệu kWh và khoảng 1.325 tấn than. Trong khi đó, tại công ty Cổ phần giấy Vạn Điểm (Hà Nội) có quy mô sản xuất lớn hơn, mỗi năm tiêu tốn khoảng gần 11 triệu kWh điện và khoảng 4.670 tấn than. Hai công ty này đã áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm triệt để các nguồn năng lượng.

Tiết kiệm điện

Thay thế bóng đèn tiết kiệm năng lượng, tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên là cách làm phổ biến mà các doanh nghiệp đã áp dụng. Tại công ty CP giấy Vạn Điểm bóng đèn huỳnh quang T8 được thay thế bằng loại bóng T5 tiết kiệm điện được 16W/bóng mà vẫn đem lại hiệu quả chiếu sáng tương đương. Với vốn đầu tư khoảng 16 triệu đồng, chỉ sau 1 năm công ty đã thu hồi lại được vốn đầu tư nhờ tiết kiệm được gần 11 ngàn kWh, trị giá 15 triệu đồng.

Bong den

Bóng đèn tiết kiệm điện được thay thế tại cho các loại bóng cũ

Trong khi đó, tại công ty giấy Phát Đạt, ngoài việc thay đèn tiết kiệm điện ở các khu chiếu sáng công cộng, Ban lãnh đạo công ty còn cho lắp đặt các tấm lấy ánh sáng tự nhiên tại khu nhà xưởng. Ban ngày, hầu như các khu vực sản xuất không phải dùng đến đèn, nhờ đó tiết kiệm được hơn 88 ngàn kWh/năm, tương đương với gần 200 triệu đồng tiền điện.  

Công ty CP giấy Vạn Điểm cũng triển khai lắp đặt biến tần cho hệ thống máy nén khí. Máy biến tần có chức năng điều áp, giúp cân bằng công suất cho hệ thống máy nén khí khi chạy quá tải hoặc non tải. Hệ thống này đảm bảo cho máy nén khí hoạt động ở hiệu suất cao nhất với mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất. Nhờ đó, giảm được lượng điện năng tiêu thụ.

Tại Công ty giấy Phát Đạt, Ban lãnh đạo đã cho lắp đặt dàn tụ bù 400 kV Ar ở trạm biến áp, giúp giảm tổn thất đường dây, tăng công suất hữu dụng và giảm công suất phản kháng. Nhờ cách làm này công ty đã tiết kiệm được gần 15 ngàn kWh mỗi năm, giảm được gần 30 triệu đồng tiền điện.

Tiết kiệm than

Lò hơi là hệ thống tiêu thụ nguồn than tại các nhà máy giấy. Tại công ty giấy Phát Đạt, với việc sử dụng hệ thống lò hơi 10T/h và dùng than cám để đốt lò, trong quá trình sử dụng lâu ngày thường có cặn than bám lại, làm giảm hiệu suất của lò. Để khắc phục, công ty đã lên kế hoạch bảo dưỡng định kỳ cho lò hơi, giúp tiết kiệm được 8 tấn than, tương đương với hơn 146 triệu đồng.

Lo hoi

Lò hơi chạy bằng than

Trong khi đó, tại công ty CP giấy Vạn Điểm, lò hơi đang được duy trì ở mức từ 8-11 tấn/giờ. Tuy nhiên, lò hơi của công ty là loại lò hơi tầng sôi mới, nên việc vận hành và sử dụng lò hơi còn điểm đáng chú ý như chế độ vận hành lò chưa tối ưu, dẫn đến hiệu suất lò còn thấp, mới đạt từ 65-70%.

Hiện, công ty đã cử đội ngũ cán bộ năng lượng đi đào tạo thêm để hiểu rõ hơn về quy trình vận hành cũng như cách thức sử dụng lò hơi mới. Với đường ống phân phối hơi, công ty cũng tiến hành bọc bảo ôn vị trí các van nối, đường ống hỏng để tránh thất thoát nhiệt và tiết kiệm được than. Công ty đã tiết kiệm được 3.6 tấn than, tương đương với 110 triệu đồng.

Chú trọng vào quản lý năng lượng

Đánh giá về hiệu quả của hoạt động tiết kiệm năng lượng, công ty giấy Phát Đạt cho biết công ty mới tiết kiệm được 1% lượng điện tiêu thụ. Dù tỷ lệ giảm không phải lớn, nhưng có thể thấy rằng những giải pháp của công ty đã bước đầu mang lại hiệu quả.

Trong thời gian sắp tới, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các biện pháp hiện có, công ty sẽ tập trung vào việc xây dựng, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ trong Ban quản lý năng lượng. Đồng thời, tiến hành kiểm toán năng lượng để tìm thêm các cơ hội TKNL. Theo đánh giá của Ban lãnh đạo công ty, hoạt động quản lý năng lượng sẽ được chú trọng ngang tầm với các giải pháp công nghệ để thu được hiệu quả tích cực nhất.

nha_may_giay

 Các doanh nghiệp sản xuất giấy sẽ chú trọng hơn nữa vào quản lý năng lượng

Còn tại công ty CP giấy Vạn Điểm, đơn vị này cũng xây dựng kế hoạch để giảm cường độ năng lượng trong các năm tiếp theo, với mục tiêu mỗi năm giảm 1%. Công ty cũng đặt kế hoạch hoàn thiện hệ thống QLNL trong doanh nghiệp, hoàn thiện hệ thống giám sát năng lượng cho từng thiết bị để được cấp giấy chứng nhận ISO 50001. 

Theo tietkiemnangluong.com.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hanosimex: Đổi mới công nghệ, xanh hóa sản xuất

Trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển phải gắn với bảo vệ môi trường cùng xanh hóa trong sản xuất. Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) cùng các DN thành viên đã đẩy mạnh các giải pháp quản lý và đổi mới công nghệ, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội WRAP cũng như tiêu chuẩn SA 8000, bước đầu những giải pháp này đã phát huy hiệu quả.

hanosimex

Hanosimex: Đổi mới công nghệ, xanh hóa sản xuất

Ông Dương Khuê – Tổng giám đốc Hanosimex cho biết: “Là tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sợi – dệt may, nên vấn đề môi trường chủ yếu là khí thải, bụi trong quá trình kéo sợi và tiếng ồn. Để giải quyết những vấn đề trên, Hanosimex đã đầu tư nhiều hạng mục nhằm tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng cũng như tạo môi trường lao động trong sạch, đảm bảo lợi ích môi trường – xã hội và kinh tế”.

Theo đó, Hanosimex đã đầu tư hệ thống hút bụi tại các phân xưởng, nhà máy dệt, mẩu vải thừa tại các dây chuyền may thì được sử dụng để sản xuất đệm. Tại các lò cấp hơi, tổng công ty đã sử dụng nước mềm nên giảm được 3-5% ô nhiễm không khí và tăng hiệu suất lò hơi. Cùng với đó, công ty đã đầu tư lắp biến tấn cho các quạt gió của các máy sợi con, sử dụng toàn bộ bóng đèn tiết kiệm năng lượng T8 trong các nhà máy.… Nhờ đó, mỗi năm Hanosimex tiết kiệm được trên 4 triệu kWh điện và giảm phát thải khí CO2 tương đương khoảng 4.000 tấn/năm.

Đến thăm nhà máy sợi và nhà máy may của Công ty TNHH MTV Hanosimex Hà Nam tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 của tỉnh Hà Nam, phóng viên được tận mắt chứng kiến không gian rợp bóng cây, vườn hoa và thảm cỏ xanh mướt; môi trường làm việc sạch sẽ, không có bụi phát tán, toàn bộ khu vực các dây chuyền sản xuất rất sạch sẽ, không có bụi bẩn và liên tục được lau chùi.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Lê Hùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanosimex Hà Nam cho biết: “Trong những năm qua, với sự hỗ trợ từ phía tổng công ty, công ty chúng tôi đã hoàn thành nhiều hạng mục đầu tư nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là năng lượng. Theo đó, tại nhà máy sợi, với công suất sản xuất khoảng 1,5-1,6 triệu tấn/tháng, lượng điện tiêu thụ là rất lớn, chúng tôi đã tổ chức phân bổ lại kế hoạch sản xuất thông qua đẩy mạnh sản xuất vào thời gian thấp điểm để tận dụng chi phí điện thấp, và thời gian cao điểm thì sắp xếp bố trí bảo dưỡng máy móc thiết bị hay nghỉ ăn ca cho công nhân…”.

Đặc biệt, cuối tháng 3 vừa qua, Tổng công ty Hanosimex đã đầu tư 480 triệu đồng để lắp các biến tấn cho quạt thông gió của hệ thống điều hòa không khí tại nhà máy sợi. Theo tính toán, mỗi năm, thiết bị này phát huy tác dụng trong khoảng 5 tháng, với điều kiện thời tiết mát mẻ thì biến tần sẽ giúp giảm tốc độ quạt, và chi phí tiết kiệm điện sau 1 năm đã đủ hoàn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, lò hơi của nhà máy sợi cũng đã được chuyển đổi từ nhiên liệu đốt than sang đốt trấu hoặc mùn cưa ép. Vải vụn tại nhà máy được đem sử dụng làm đệm hoặc cùng với bụi bông trong quá trình sản xuất thu lại được chuyển cho DN sản xuất mùn cưa, trấu ép để trở thành nhiên liệu đầu vào cho lò hơi.

Toàn bộ các dây chuyền sản xuất của nhà máy sợi và nhà máy may đều được đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến hàng đầu của các nước thuộc khối G7, Thụy Sỹ… nên các thiết bị này vốn dĩ đã có biến tần nhằm tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, hệ thống chiếu sáng tại các dây chuyền sản xuất đều được công ty sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng T8. Cũng theo ông Hùng thì chỉ tính riêng chi phí năng lượng tại nhà máy sợi trung bình mỗi tháng khoảng 1,6 triệu kWh tương đương với 2 tỷ đồng tiền điện, nếu các thiết bị sản xuất không có biến tần thì chi phí điện còn cao hơn rất nhiều.

Còn tại nhà máy may, bên cạnh chứng nhận SA 8000 thì đây là một trong hai nhà máy đầu tiên của Tổng công ty Hanosimex đạt chứng nhận WRAP – chính sách trách nhiệm xã hội trong sản xuất may mặc toàn cầu. Đây là giấy thông hành quan trọng để hàng may mặc của nhà máy có thể hiện diện tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Chứng nhận WRAP chứng minh DN thực hiện đầy đủ các nguyên tắc sản xuất hàng may mặc có trách nhiệm, công nhân DN tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu về trách nhiệm xã hội trong quá trình sản xuất và đảm bảo rằng sản phẩm may được sản xuất trong các điều kiện đúng luật.

Chị Lê Thị Oách – Tổ sợi con KB – Nhà máy sợi cho biết: “Mặc dù chúng tôi làm việc đều trong điều kiện tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế đối với ngành dệt may, tuy nhiên vào những ngày hè nắng nóng, công ty còn có thêm chế độ đãi ngộ cho công nhân như yêu cầu nhà bếp nấu thêm bữa ăn phụ: chè, cháo hay sữa chua… để phục vụ người lao động tại các dây chuyền sản xuất. Có thể nói, cùng với một môi trường lao động tốt, không bị ô nhiễm, điều kiện làm việc đảm bảo và thu nhập người lao động khá ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng, chúng tôi hoàn toàn yên tâm công tác tại đây”.

Việc tuân thủ trách nhiệm “sản xuất xanh” của Hanosimex không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho DN, mà cao hơn cả là giá trị của DN mà Hanosimex mang lại cho các bạn hàng cũng như đối tác quốc tế. Đây là nền tảng vững chắc để công ty phát triển bền vững trong tương lại./.

Theo ven.vn

Tòa nhà chọc trời phát điện gió đầu tiên thế giới

Được coi là một loại năng lượng sạch và có khả năng tái tạo, ngày nay, điện gió được khai thác ở ngoài khơi gần bờ biển, trên đất liền, thậm chí cả trên những tòa nhà chọc trời. Trung tâm thương mại thế giới Bahrain là tòa nhà chọc trời được lắp đặt tuốc bin gió đầu tiên trên thế giới. Tòa nhà này đã chính thức phát điện gió vào ngày này cách đây 6 năm, ngày 8/4/2008.

Từ những năm 5000 trước công nguyên, con người biết sử dụng gió như một loại năng lượng. Các thủy thủ đã dùng sức gió để đẩy thuyền buồm đi từ địa điểm này đến địa điểm khác. Sau đó, con người đã chế tạo ra các cối xay gió để phục vụ xay xát các sản phẩm nông nghiệp, rồi máy bơm nước chạy bằng sức gió, mở đường cho một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp.

300414_diengio1

 Cận cảnh ba tuốc bin gió khổng lồ lắp đặt tại tòa nhà (Ảnh: Báo Tin Tức)

 Khi cuộc cách mạng công nghiệp bùng bổ, các cối xay, máy bơm chạy bằng sức gió phải nhường chỗ cho động cơ hơi nước rồi các động cơ chạy điện với chi phí thấp hơn. Người ta đã thử chế tạo, thiết kế và lắp đặt những máy phát điện chạy sức gió. Nhiều kiểu tuốc bin gió đã được chế tạo, nhưng điện gió vẫn không mấy phát triển. Phải đến khi cuộc khủng hoảng năng lượng nổ ra vào thập niên 70 của thế kỷ 20 thì công nghệ điện gió mới có những bước phát triển vượt bậc.

Ngày nay, điện gió được khai thác ở ngoài khơi gần bờ biển, trên đất liền, phần lớn từ những trang trại gió. Do đó, kiến trúc sư người Nam Phi Shaun Killa đưa ra ý tưởng đưa tuốc bin gió về gần với người sử dụng, ngay giữa tòa nhà mà nó cấp điện.

Tháng 11/2003, lần đầu tiên tới Ai-Manama, thủ đô của Bahrain. Killa nhận thấy có rất nhiều gió mạnh thổi vào bờ, lượng gió thổi lên đến 60% thời gian trong ngày. Đây là nơi lý tưởng xây dựng tòa nhà tự cung cấp điện gió.

300414_diengio2

 Toàn cảnh tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới Bahrain (Ảnh: Báo Tin Tức)

Để thiết kế một tòa nhà khai thác năng lượng gió, Killa và các cộng sự đã phải tham khảo nhiều hạng mục đã được sử dụng trong các trang trại điện gió trước đây, như hệ thống điều khiển, các cầu tuốc bin và quan trọng nhất là các tuốc bin gió.

Nghiên cứu cho thấy 70% gió đến từ vùng Vịnh với góc chuyển hướng 60 độ cho cả hai phía. Điều này xác nhận rằng vị trí công trình rất quan trọng và tòa nhà phải được thiết kế sao cho gió đến từ một góc nhỏ cũng đẩy tuốc bin làm việc với hiệu quả cao nhất. Do đó, kiến trúc sư Killa đã đưa ra giải pháp là tạo hai khối nhà làm nhiệm vụ của hai cánh đón gió độc lập và các tuốc bin gió được đặt giữa hai tòa nhà.

Được khởi công vào năm 2004, sau 4 năm xây dựng, tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới Bahrain được khánh thành. Công trình là một tòa tháp đôi có chiều cao tới 240 m, gồm 50 tầng và là tòa nhà tháp đôi cao thứ hai trên thế giới.

Trên ba chiếc cầu treo nối liền hai tòa tháp của tòa nhà là ba chiếc tuốc bin gió cực lớn, được lắp đặt lần lượt ở độ cao 60 m, 98 m và 136 m. Mỗi tuốc bin có tuổi thọ 20 năm, công suất tương đương 225 kW, đường kính dài 29 m, hướng về phía bắc để đón luồng gió thổi từ vịnh Ba Tư vào.

Hai tòa tháp mang hình dáng hai cánh buồm đối xứng nhau, tạo thành một cái phễu có bề rộng miệng là 120 m và bề rộng đáy là 30m, bảo đảm cung cấp tối đa lượng gió thổi qua các tuốc bin. Các kiểm nghiệm thực tế đã cho thấy, với cấu trúc đối xứng như thế, tòa nhà đã tạo nên một luồng thổi hình chữ “S”, bảo đảm với bất kỳ luồng gió nào dao động trong góc 45° vào một trong hai cánh của trục trung tâm đều tạo thành một luồng gió vuông góc với các tuốc bin, tạo lực đẩy cho cánh quạt của tuốc bin chuyển động.

Cũng chính nhờ những chuyển động đó mà nguồn điện từ các tuốc bin được phát ra đều đặn và liên tục, bảo đảm cung cấp khoảng 11 – 15% tổng năng lượng điện sử dụng cho hai tòa tháp, tương đương khoảng 1,1 – 1,3 GWh điện/năm. Lượng điện này có thể giúp 300 hộ gia đình được sử dụng điện trong suốt cả năm.

Không chỉ giúp tòa nhà có thể đón lượng gió tối đa, cấu trúc đối xứng của hai tòa tháp cũng giúp giảm áp lực lên các cầu nối. Khi tốc độ gió tăng dần, cấu trúc này đã tạo ra sự cân bằng vận tốc giữa các tuốc bin, ngăn cản việc tạo nên áp lực chênh lệch giữa các tầng cầu.

Trong dự án này, các chi phí lắp đặt, vận hành các tuốc bin chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng chi phí dự án, vào khoảng hơn 5 triệu USD, do các nhà thiết kế đã sử dụng nhiều công nghệ có sẵn để chế tạo và lắp đặt các tuốc bin.

Ngoài việc lắp đặt các tuốc bin gió, dự án Trung tâm thương mại thế giới Bahrain còn sử dụng một khối lượng lớn các vật liệu thân thiện với môi trường như: hệ thống nước tái chế nối với hệ thống làm lạnh của tòa nhà, hệ thống cách nhiệt, hay lớp kính ít hấp thụ ánh sáng mặt trời bao phủ xung quanh…

Sau Trung tâm thương mại thế giới Bahrain, nhiều tòa nhà cao tầng khác cũng được lắp đặt các tuốc bin gió, tiêu biểu là: tòa tháp Pearl River tại Quảng Châu, Trung Quốc hay Khu nhà cao tầng Strata SE1 ở London, Anh.

 Theo TTTL/Báo Tin Tức