Bếp lò phát điện

Nhờ khả năng chuyển đổi nhiệt thành điện, một loại bếp lò nhỏ gọn trở thành nguồn cung cấp điện tiện lợi cho điện thoại di động, quạt trong những chuyến dã ngoại.

Nhiệt thừa của CampStove được chuyển đổi thành điện nhờ cỗ máy nhiệt điện bên trong lớp vỏ màu da cam. Ảnh: biolitestove.com.
Mỗi ngày con người đốt củi trong hàng triệu bếp lò trên khắp thế giới để phục vụ nhiều mục đích như nấu nướng, sưởi ấm. Nhiệt từ chúng là nguồn năng lượng khổng lồ, song hầu như chưa được khai thác. BioLite, một công ty của Mỹ, nảy ra ý tưởng chế tạo bếp lò có khả năng tạo ra điện từ nhiệt.

CampStove, tên của loại bếp lò kim loại mới, có dạng hình trụ tròn. Trang web của BioLite cho hay, lò có khối lượng 935 g, chiều cao 21 cm và đường kính 12 cm. Một tấm lưới bao quanh lò để ngăn chặn nguy cơ bỏng do chạm tay vào lò. Không khí được dẫn qua những lỗ nhỏ trong ống kim loại. Ba chân trụ của CampStove có thể gấp gọn. Máy biến nhiệt thành điện được gắn ngay bên cạnh. Cổng USB bên ngoài máy phát điện. Người sử dụng có thể cắm quạt, bóng đèn, điện thoại di động, máy tính bảng và nhiều thiết bị khác vào cổng USB để lấy điện.

CampStove là loại bếp lò lý tưởng cho các hoạt động ngoài trời như cắm trại, hành quân, thám hiểm hay sơ tán vì thiên tai. Ảnh: biolitestove.com.
Bếp lò của BioLite trở thành vật vô cùng hữu dụng trong siêu bão Sandy tại Mỹ, nơi 6 triệu người sống trong cảnh không điện bởi tác động của bão. Nhờ CampStove, một số người vẫn có thể nấu món ăn và sử dụng thiết bị điện.

“Chúng tôi đã nghiên cứu CampStove trong nhiều năm để giúp những người đi dã ngoại hay du lịch không phải mang theo củi, khí đốt hay những dạng nhiên liệu khác. Do CampStove chỉ đốt củi, chã ngô và những loại sinh khối khác thay vì đốt khí gas, nó là một vật tiện lợi và thân thiện với môi trường”, Jonathan Cedar, giám đốc điều hành BioLite, phát biểu.

Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy khoảng một nửa dân số thế giới đang dùng bếp lò hàng ngày. Khói độc từ bếp lò là thủ phạm khiến khoảng hai triệu người chết sớm mỗi năm và đẩy nhanh tốc độ ấm lên của địa cầu.

Giá của CampStove tại Mỹ là 129 USD. Sản phẩm sẽ xuất hiện tại các thị trường khác trong thời gian tới.

songxanh

Máy bay quang năng vòng quanh thế giới

Hiện nay, kỷ lục bay dài nhất trong vòng 26 giờ thuộc về máy bay quang năng Solar Impulse. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang lên kế hoạch để máy bay dùng năng lượng mặt trời có thể bay vòng quanh trái đất liên tục 20 ngày mà không tốn một giọt nhiên liệu.

Theo báo Daily Mail, đứng đầu nhóm nghiên cứu là 2 nhà khoa học người Thụy Sĩ Bertrand Piccard và Andre Borschberg. Chiếc máy bay này sẽ hoạt động nhờ 4 động cơ cánh quạt, năng lượng thu được từ 12.000 tế bào quang năng gắn trên đôi cánh. Quang năng thu được vào ban ngày vừa giúp động cơ làm việc; vừa được lưu trữ vào các khối pin để bay đêm, như vậy về lý thuyết thì máy bay có thể hoạt động không ngừng.

Máy bay quang năng vòng quanh thế giới

Theo kế hoạch thì năm 2013 máy bay quang năng sẽ cất cánh ở California và đích đến là Virginia (Mỹ). Sau thử nghiệm, nó sẽ chính thức bay vòng quanh thế giới vào năm 2015. Một số chi tiết khác của máy bay quang năng: sải cánh dài 63 m, lưu trữ điện năng bằng pin lithium, thân máy bay dài 22 m, trọng lượng 1,6 tấn,  độ cao tối đa 11.900 m,  tốc độ tối đa 120 km/giờ.

 Songxanh

Tăng trưởng xanh góp phần tạo việc làm

Quan điểm tăng trưởng xanh của Chính phủ Việt Nam là góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo – ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên&Môi trường (Bộ Kế hoạch&Đầu tư) nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo “Chiến lược tăng trưởng xanh và công nghệ truyền thông xanh cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam” ngày 16/11 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Tài nguyên&Môi trường, cho biết ngày25/9/2012, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chiến lược tăng trưởng xanh Việt Nam.

Chiến lược tăng trưởng xanh Việt Nam gồm ba mục tiêu chính: Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có, khuyến khích phát triển các vùng kinh tế, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; Nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua việc tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, quan điểm tăng trưởng xanh của Chính phủ Việt Nam là góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; bảo tồn, phát triển, và hiệu quả vốn tự nhiên.

“Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế, từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững”, ông Tuấn Anh nói.

Sau khi Chính phủ Việt Nam phê duyệt chiến lược tăng trưởng xanh, mới đây Bộ Kế hoạch&Đầu tư và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) ký kết biên bản thỏa thuận thực hiện dự án hỗ trợ khoảng 2 triệu USD thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong hai năm 2013 – 2014.

Theo ông Chinh, đối với các nước đang phát triển, thường có trình độ công nghệ thấp, quá trình phát triển đi sau so với các nước phát triển, do vậy họ phải hứng chịu những hậu quả từ các nước phát triển, đó là tiếp nhận những công nghệ lạc hậu, quá lỗi thời giá rẻ, sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát thải gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, gây ra những tổn thất lớn cho hệ sinh thái. Giải quyết trở ngại này cần có lộ trình và sự giúp đỡ của các nước phát triển trong chuyển giao công nghệ mới. Đầu tư về khoa học kỹ thuật nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Để đạt được các mục tiêu trong các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo môi trường và sinh thái bền vững, Việt Nam nhận thấy cần phải tiếp cận tăng trưởng xanh hay xây dựng một nền kinh tế xanh. Điều này giúp hiện thực hóa con đường phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Songxanh

Mô hình xử lý nước thải với chi phí thấp tại Đà Nẵng

Đại học Đà Nẵng và Công ty Metawater (Nhật Bản) vừa phối hợp tổ chức khánh thành “Mô hình trình diễn thiết bị xử lý nước thải với chi phí thấp của Công ty Metawater” tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc.

Theo đánh giá của Tiến sỹ Trần Văn Quang – Chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), mô hình xử lý của Metwater nhằm giải quyết hai vấn đề thường gặp trong đầu tư để xử lý nước thải là chi phí dành cho vận hành và diện tích đất để bố trí trạm xử lý.

Cụ thể, với giải pháp do Metawater đề xuất, khâu vận hành sẽ được tự động hóa toàn bộ, nhân công vận hành chỉ từ 1 đến 2 người. Đặc biệt, với công nghệ lọc nổi kết hợp với tách cặn đơn giản bằng áp lực thủy tĩnh, lượng cặn bã nổi lên sẽ giảm đáng kể.

Bồn xử lý trong dây chuyền hệ thống (Ảnh: ud.edu.vn)

Trạm xử lý nước thải Phú Lộc (thuộc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng) là đơn vị được Metwater lựa chọn để thử nghiệm mô hình xử lý nước thải với chi phí thấp. Trạm xử lý bình quân mỗi ngày 30.000 m3 nước thải bẩn theo công nghệ kỵ khí. Khi áp dụng mô hình trình diễn, Metawater sẽ trích 300m3 nước thải bẩn/ngày để đưa vào hệ thống xử lý của mình trong thời gian 1 năm. Đây là khoảng thời gian đủ để các chuyên gia của Metawater đánh giá về sự ổn định và nhạy cảm của thiết bị cũng như chất lượng nước thải sau xử lý

Songxanh

Nhang xanh- bảo tồn văn hoá, bảo vệ môi trường

Đốt nhang là tập tục lâu đời thể hiện tín ngưỡng và tâm linh của người Á Đông. Tuy nhiên, hiện nay, việc đốt nhang bị lạm dụng tại các đình, chùa, hộ gia đình, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hỏa hoạn.

Đốt nhang là tập tục lâu đời thể hiện tín ngưỡng và tâm linh của người Á Đông. Tuy nhiên, hiện nay, việc đốt nhang bị lạm dụng tại các đình, chùa, hộ gia đình, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hỏa hoạn.

Làm cách nào để vừa duy trì được thói quen này, vừa đảm bảo tiết kiệm và thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và có thể tận dụng được chất thải rắn của quá trình sản xuất các loại sản phẩm khác làm nguyên liệu sản xuất nhang là một câu hỏi lớn.

Xuất phát từ những trăn trở đó, hai tác giả trẻ Nguyễn Hàn Dũng và Nguyễn Thị Như Quỳnh đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Sản xuất một vài loại nhang thân thiện với môi trường”.

Khi đang học năm cuối Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Dũng và Quỳnh bắt tay vào nghiên cứu đề tài này. Bột áo làm nhang được hai bạn thay thế bằng loại bột làm từ các chất thải có thể cháy được như vỏ trấu, xơ dừa, vỏ quả óc chó.

Vì không có máy nghiền, máy trộn nên hai bạn chọn quy trình sản xuất nhang nhúng để có thể thực hiện thủ công. Một điểm khác nữa so với nhang thường là loại nhang này không có chân nhang nhằm giảm thiểu lượng nguyên vật liệu, hóa chất sử dụng để sản xuất, giảm lượng tro tàn sau khi sử dụng.

Khi đem đốt cùng lúc 10gam mỗi loại nhang thì thu được kết quả thú vị: loại nhang làm từ vỏ quả óc chó thải ra 0,168g khí thải độc hại, còn loại nhang thường thải ra tới 0,253g. Bên cạnh đó, các thông số như khí CO2 – một trong những nhân tố chính gây hiệu ứng nhà kính, benzen và toluene – những chất có thể gây ung thư – do nhang làm từ vỏ quả óc chó thải ra đều ít hơn so với nhang thường. “Kết quả thăm dò cho thấy, người tiêu dùng thích cây nhang có mùi thơm, thân thiện với môi trường, không có khí thải độc, ít khói bụi, thời gian đốt lâu mà giá bán lại thấp”, Quỳnh nói.

Sau khi so sánh những ưu điểm, hạn chế của ba loại nhang làm từ vỏ trấu, xơ dừa, vỏ quả óc chó và xem xét các yếu tố, điều kiện sẵn có, hai sinh viên chọn loại nhang làm từ vỏ quả óc chó để đưa vào sản xuất với tên gọi “Hương Xanh”.

Vỏ quả óc chó khá rẻ tiền, dễ thu gom từ các nhà máy sản xuất nhân của quả và còn góp phần làm giảm một lượng chất rắn đáng kể thải ra môi trường, nhang làm từ loại nguyên liệu này cháy lâu hơn nhang thường.

Các tác giả còn khảo sát hiện trạng sử dụng nhang của người dân TP.HCM ở 6 quận, 31 ngôi chùa, 3 hộ gia đình, đồng thời tìm hiểu về loại nhang mà người tiêu dùng hướng tới sử dụng. Theo con số nhóm đưa ra, nếu sử dụng loại nhang mới này, đến năm 2020 sẽ tiết kiệm được khoảng 800 tỷ đồng.

Ngay sau khi có được kết quả nghiên cứu, Dũng và Quỳnh đã đem dự án tham dự cuộc thi Eureka 2011 và đoạt giải cao. Một vài doanh nghiệp đã tìm đến mua lại dự án để đưa vào sản xuất nhưng cả hai chưa đồng ý vì còn muốn cải tiến và nghiên cứu thêm để dự án thật hoàn thiện trước khi đưa vào sản xuất.

songxanh.vn

Chăn nuôi và môi trường

Trong hai ngày 13 và 14.12.2012, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế “Chăn nuôi và môi trường”. Tham dự Hội nghị có các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan có liên quan trong nước và quốc tế: Ấn Độ, Bỉ, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Mỹ, Pakistan, Thái Lan và Thụy Điển.

Tại Hội nghị, báo cáo tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập trung vào các nội dung: (1) Dinh dưỡng, công nghệ thức ăn và môi trường; (2) Công nghệ sinh học trong chăn nuôi thú y; (3) Sức khỏe vật nuôi và môi trường; (4) Chăn nuôi và hiệu ứng nhà kính; (5) Công nghệ chế biến sản phẩm chăn nuôi và an toàn thực phẩm. Đây là cơ hội tốt để các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước thảo luận, đánh giá các vấn đề về môi trường, sức khỏe, KH&CN cũng như các yếu tố khác có ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi, tiêu dùng và xuất khẩu; là cơ hội gặp gỡ giữa các chuyên gia, doanh nghiệp và khách hàng để trao đổi, chia sẻ thông tin, mở rộng hợp tác hướng đến phát triển bền vững ngành chăn nuôi thú y trong tương lai.

www.tchdkh.org.

Khoa học và công nghệ trong xây dựng nông thôn mới

alt

Ngày 18.12.2012, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ KH&CN) đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “KH&CN trong xây dựng nông thôn mới: kinh nghiệm của Thái Lan và Trung Quốc”.

Tại buổi Tọa đàm, các nhà khoa học đã cùng trao đổi, bàn luận về nhiều vấn đề như: thực trạng quá trình phát triển nông nghiệp tại Việt Nam nói chung  và mục tiêu xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp ứng dụng KH&CN ở Việt Nam và các khó khăn gặp phải; bài học kinh nghiệm về chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và phát triển nông thôn mới của một số nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan và Trung Quốc.

Mặc dù những năm gần đây, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp nhưng nhìn chung năng suất cây trồng, vật nuôi vẫn còn thấp so với các nước khác (theo số liệu thống kê năm 2010, năng suất lúa của Việt Nam chỉ đạt 53,4 tạ/ha, trong khi ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là trên 62 tạ/ha; năng suất ngô đạt 41 tạ/ha, trong khi Mỹ, Pháp, Úc đạt tới trên 80 tạ/ha; năng suất đậu tương của Việt Nam cũng chỉ bằng 50-60% năng suất trung bình của thế giới). Tọa đàm là dịp để các nhà quản lý, khoa học nhìn nhận và đánh giá lại những đóng góp của KH&CN trong phát triển nông nghiệp, từ đó học hỏi, cùng đề xuất những hướng đi mới hiệu quả hơn, thiết thực hơn.

 tchdkh.org

Thu hút đầu tư – Chú trọng dự án có công nghệ sạch

Ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất là việc làm cấp thiết, tuy nhiên, sản phẩm đầu ra của công nghệ ấy như thế nào cũng phải được quan tâm, nghĩa là nói đến công nghệ sạch của một dự án nào đó thì không chỉ có việc trang thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường (đất, nước, không khí) mà sản phẩm làm ra của dự án đó, nhà máy, xí nghiệp đó cũng phải đảm bảo sạch, an toàn cho người sử dụng và tiêu dùng.

Sản xuất kính tại Nhà máy Kính nổi Tràng An, KCN Khánh Phú (Yên Khánh). Ảnh: Phạm Trường
Sản xuất kính tại Nhà máy Kính nổi Tràng An, KCN Khánh Phú (Yên Khánh). Ảnh: Phạm Trường

 Phát triển công nghệ sạch là một chiến lược đúng đắn, tuy nhiên, hiện nay, rào cản lớn nhất để phát triển công nghệ sạch chính là ý thức của doanh nghiệp. Hiện nay vì nhiều lý do, phần lớn các doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ chưa sạch trong sản xuất vì họ cho rằng như thế thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, nếu xét cho đến cùng, chi phí xã hội phải trả cho việc làm sạch môi trường và chi phí chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng bởi môi trường không đảm bảo đó còn lớn hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư công nghệ sạch.

Nhằm tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư vào tỉnh, theo định hướng lựa chọn công nghệ sạch, công nghệ cao, phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch là vấn đề được Ninh Bình quan tâm đặc biệt.
Tại cuộc họp báo giới thiệu về chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Bình vừa được tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Đinh Quốc Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Chiến lược thu hút đầu tư của Ninh Bình đang được thực hiện theo nguyên tắc vừa phát triển công nghiệp, vừa phát triển du lịch. “Chúng tôi đang có đề xuất thay đổi quy hoạch phát triển một số ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn nhằm giảm thiểu tác động bất lợi tới mục tiêu phát triển du lịch.
Theo đó, các vùng quy hoạch phát triển du lịch sẽ không tiếp nhận dự án công nghiệp. Các khu vực còn lại sẽ dành cho các dự án phát triển tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp trên nguyên tắc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch”.
Trong danh sách các dự án kêu gọi đầu tư được đưa ra trong Hội nghị xúc tiến đầu tư Ninh Bình năm 2012, tỷ lệ các dự án công nghiệp, đặc biệt là hạ tầng công nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản và các dự án trong ngành công nghiệp phụ trợ chiếm tỷ lệ cao.
Có thể kể tới Dự án Nhà máy bia cao cấp; Dự án Nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng (tại Khu công nghiệp Phúc Sơn); Dự án Nhà máy sản xuất, chế biến sữa tại Khu công nghiệp Tam Điệp; Dự án Nhà máy nhiệt điện tại Khu công nghiệp Khánh Cư, Dự án Nhà máy công nghiệp phụ trợ tại Khu công nghiệp Tam Điệp; Khu an dưỡng du lịch sinh thái Kênh Gà; Nhà máy sản xuất gạch không nung; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống; Xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển Kim Sơn; Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao phục vụ nông nghiệp; Vùng chuyên canh hoa; Công viên động vật hoang dã; Nhà máy chế biến, bảo quản sau thu hoạch; Trung tâm đào tạo công nhân kỹ thuật nông nghiệp…
Trong số các địa điểm dành cho phát triển công nghiệp, ngoài 3 khu công nghiệp đang hoạt động, Ninh Bình sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào Khu công nghiệp Phúc Sơn (145 ha), Khu công nghiệp Khánh Cư (170 ha), Khu công nghiệp Xích Thổ (300 ha) và Khu Công nghiệp Sơn Hà (300 ha). Các khu công nghiệp này đều nằm trong danh sách 7 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy của 3 khu công nghiệp đang hoạt động là 70%. Riêng Khu công nghiệp Tam Điệp đã lấp đầy 100% và đang trong kế hoạch mở rộng.
Chiến lược thu hút đầu tư, định hướng kêu gọi đầu tư của tỉnh cũng đang đi theo hướng tìm kiếm công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến hiện đại, nhằm phát triển kinh tế – xã hội cân bằng và bền vững không chỉ cho trước mắt mà cả mai sau.
ninhbinh

Việt Nam & Đan Mạch hợp tác vì môi trường, tăng trưởng xanh…

Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh

Ngày 29 tháng 10 năm 2012 tại Quyết định số 1792/QĐ-BTNMT, Bộ tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định thành lập Ban điều phối thực hiện Đề án “Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh”.

Quyết định thành lập Ban điều phối bao gồm Ông Nguyễn Minh Quang – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng ban; Ông Trần Hồng Hà – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng ban thường trực; Phó trưởng ban là một thứ trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một thứ trưởng của Bộ Công Thương; Ủy viên là lãnh đạo cấp Vụ trực thuộc các Bộ như Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ…

Ban điều phối có chức năng giúp Thủ tường Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, điều phối các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án. Về quyền hạn và nhiệm vụ giúp điều phối, giám sát việc thực hiện Tuyên bố chung giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Đan Mạch về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh, giám sát các hoạt động đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên Việt Nam tại Đan Mạch. Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình, đề án, dự án trong khuôn khổ của Đề án. Tổ chức đàm phán, thảo luận với các tổ chức quốc tế và các tổ chức khác về viecj triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án trong khuôn khổ Đề án “hợp tác chiến lược Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng và tăng trưởng xanh”.

Ban điều phối làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiêm cá nhân đối với lĩnh vực được giao. Được phép sử dụng con dấu của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện nhiệm vụ của Đề án.

 sotainguyenmt.angiang

Sóc Trăng: Lợi ích lớn từ ứng dụng công nghệ sạch

Ứng dụng công nghệ sạch nhằm giảm khí thải và nguy cơ hiệu ứng nhà kính… đang được Sóc Trăng tích cực triển khai song song với biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)…

CôngThương – Kể từ năm 2014, ba nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, 2, 3 sẽ trở thành nguồn phát thải khí nhà kính lớn tại Sóc Trăng. Bên cạnh đó, tuy Sóc Trăng không có nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn nhưng ngành chế biến thủy sản, thực phẩm, đồ uống… cũng tạo ra lượng khí thải đáng kể.

Thực hiện sản xuất theo quy trình mới giúp các doanh nghiệp bia tiết kiệm được 6 tỷ đồng/năm, chưa kể đến giảm chi phí xử lý môi trường.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng cua BĐKH tới phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai chương trình ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn góp phần giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ các ngành sản xuất công nghiệp. Trong đó, tập trung vào 2 ngành chính là chế biến thủy sản và sản xuất đồ uống.

Đối với các nhà máy chế biến thủy sản, tỉnh đã triển khai nhiều quy trình sản xuất mới nhằm làm giảm mạnh lượng phát thải. Cụ thể, cải tiến công đoạn rửa khay, thay thế các khay trước đây bằng xô chứa lớn nhằm tiết kiệm đáng kể lượng nước rửa tới 25%; rửa bằng vòi phun cao áp có thể giảm đáng kể lượng nước tiêu thụ rửa thông thường sử dụng vòi không áp và thau dội nước…

Ngoài ra, quy trình mới giảm lượng chất tẩy rửa sử dụng (Chlorine, xà bông), qua đó giảm vốn đầu tư, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xưlý nước thải… Về tiết kiệm năng lượng. quy trình sản xuất mới thay thế tangpho từ bằng tangpho điện tử, thay đèn huỳnh quang T10 bằng T8…

Các doanh nghiệp còn thực hiện nhiều cải tiến khác như thay đổi bao bì, sử dụng loại giấy đóng gói thay cho việc sử dụng bao nilon, có thể tái chế, dễ phân hủy ngoài môi trường hơn bao nilon…

Quá trình sản xuất bia tác động mạnh đến môi trường như lượng nước thải rất lớn chứa nhiều chất hữu cơ, pH cao, nhiệt độ cao… Vì vậy, trong chương trình “Ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất nhằm giảm lượng khí thải ra, giảm nguy cơ hiệu ứng nhà kính” tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra hàng loạt biện pháp giúp ngành sản xuất bia sản xuất sạch hơn từ công đoạn nấu đến lên men, chế biến như: Lựa chọn thiết bị nghiền và lọc; thu hồi dịch nha loãng; thu hồi bia tổn thất theo nấm men; giảm tiêu hao bột trợ lọc; giảm thiểu lượng bia dư; dùng công nghệ lên men nồng độ cao, giảm mức tiêu hao năng lượng; ứng dụng công nghệ mới (bao gồm cả sử dụng enzyme) để rút ngắn thời gian sản suất, tăng hiệu suất.

Ngoài ra, sử dụng các hóa chất diệt khuẩn thân thiện môi trường để khử trùng thiết bị thay vì dùng hơi nóng; kết hợp cung cấp nhiệt và phát điện (CHP)… Theo tính toán, với công suất phổ biến hiện nay là 20 triệu lít/năm, việc thực hiện sản xuất theo quy trình này có thể mang lại hiệu quả 6 tỷ đồng/năm, chưa kể đến việc giảm chi phí xử lý môi trường…

Theo đánh giá của UBND tỉnh Sóc Trăng, sau khi thực hiện các biện pháp ứng dụng công nghệ sạch, khối lượng nguyên liệu, nhiên liệu, điện, nước tiêu thụ đều giảm. Bên cạnh đó, hơi độc, nước thải, chất thải rắn đều giảm do cải tiến, đổi mới thiết bị, tối ưu kỹ thuật… Chính vì vậy, mức ô nhiễm trong quá trình sản xuất cũng giảm đáng kể.

 baomoi.com