Đầu tư công nghệ sạch, xóa các “điểm nóng”
Ứng dụng công nghệ môi trường trong quân đội
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ môi trường trong quân đội có nhiều kết quả khả quan. 5 năm gần đây, các cơ quan, đơn vị đã triển khai hiệu quả gần 170 công trình, giải pháp công nghệ xử lí ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường. Ứng dụng công nghệ sạch, tập trung xử lí triệt để các loại chất thải nguy hại, xóa các “điểm nóng” về môi trường sẽ tiếp tục được chú trọng, ưu tiên trong thời gian tới.
Đa dạng hóa công trình, giải pháp công nghệ
Hệ thống xử lí nước sạch tại Đoàn B25 (Binh đoàn Hương Giang). Ảnh: ANH TUẤN.
Công nghiệp quốc phòng (CNQP) là ngành công nghiệp đặc thù, phát thải nhiều loại chất thải độc hại, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN và MT), Cục Quản lí công nghệ (Tổng cục CNQP), thời gian qua công tác bảo vệ môi trường luôn được lãnh đạo, chỉ huy tổng cục và các đơn vị trực thuộc quan tâm. Cùng với nâng cấp, củng cố hệ thống xử lí chất thải hiện có tại gần 10 nhà máy, tổng cục đã triển khai xong dự án tổng thể xử lí chất thải công nghiệp tại Nhà máy Z27. Việc ứng dụng công nghệ môi trường để xử lí các chất thải độc hại trong sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ bước đầu đạt được kết quả tích cực. Đến nay, đã có 3 dự án bảo vệ môi trường bao gồm hệ thống xử lí nước thải TNT, xử lí nước thải trong sản xuất thuốc nổ công nghiệp, xử lí khí thải, chất thải mạ… được triển khai hiệu quả tại các Nhà máy Z15, Z31, Z17. Tổng cục CNQP cũng tích cực chỉ đạo Nhà máy Z95 hoàn thành dự án xử lí ô nhiễm môi trường, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện trong năm 2010…
Đại tá, tiến sĩ Trần Ngọc Tâm, Trưởng phòng Quản lí môi trường, Cục KH, CN và MT (Bộ Quốc phòng) cho biết:
– Giai đoạn 2005-2009, toàn quân đã triển khai 164 công trình, giải pháp công nghệ xử lí môi trường, tập trung vào các lĩnh vực: Xử lí chất thải trong bảo đảm kĩ thuật và sản xuất quốc phòng; xử lí nguồn cấp nước sinh hoạt bị ô nhiễm; xử lí chất thải bệnh viện, chất thải sinh hoạt… Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ môi trường của quân đội thời gian qua được mở rộng, đi vào chiều sâu, bám sát thực tiễn hoạt động quân sự, thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, bảo đảm đời sống, sức khỏe của bộ đội… 5 năm gần đây, gần 50 đơn vị đã được xử lí nước thải, khí thải, chất thải rắn trong sản xuất quốc phòng; 56 đơn vị được xử lí nước sinh hoạt; gần 40 đơn vị đã áp dụng công nghệ sinh học trong xử lí chất thải sinh hoạt và sử dụng năng lượng mặt trời.
Xóa “điểm nóng”, chú trọng cải thiện môi trường
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ môi trường trong quân đội thời gian qua vẫn còn không ít hạn chế, bất cập.
Theo Thượng tá Đoàn Minh Định, Trưởng phòng KH, CN và MT Tổng cục Kỹ thuật: Một trong những bất cập lớn trong ứng dụng công nghệ môi trường mà một số đơn vị trực thuộc tổng cục gặp phải là việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lí chất thải chưa đồng bộ. Có cơ sở chỉ được đầu tư xây dựng hệ thống xử lí chất thải rắn mà chưa xây dựng hệ thống xử lí khí thải, chất thải lỏng và ngược lại… Theo đánh giá của cơ quan chức năng, số lượng các công nghệ phục vụ cải thiện môi trường tại các đơn vị còn ít, nguồn kinh phí để duy trì hệ thống xử lí chất thải hoạt động còn khó khăn. Dây chuyền, công nghệ sản xuất, sửa chữa ở một số đơn vị còn lạc hậu; nhiều cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm hài hòa giữa đầu tư thực hiện nhiệm vụ chính trị với nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Việc áp dụng công nghệ sạch còn hạn chế, phần lớn công nghệ xử lí môi trường hiện đang áp dụng là công nghệ “xử lí sau đường ống”, chất lượng, hiệu quả chưa cao.
Thời gian tới, theo định hướng của Cục KH, CN và MT, một trong những nhiệm vụ ưu tiên là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ môi trường, xử lí nước sạch cho bộ đội, xử lí chất thải y tế tại các bệnh viện quân y, chất thải sinh hoạt trong các đơn vị quân đội; mở rộng hợp tác trong và ngoài nước để tiếp thu kinh nghiệm, công nghệ mới… Ưu tiên hoàn thiện, ứng dụng công nghệ mới xử lí triệt để các loại chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; đẩy mạnh áp dụng công nghệ sạch, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, sớm xóa bỏ các “điểm nóng” về môi trường tại các cơ sở sản xuất quốc phòng, cơ sở đảm bảo kĩ thuật.
Tại hội thảo khoa học về kết quả ứng dụng công nghệ môi trường trong quân đội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đề xuất cần có những quy định bắt buộc đưa nội dung, phương án bảo vệ môi trường vào các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất; lựa chọn, đầu tư công nghệ sạch một cách đồng bộ; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ về công nghệ môi trường. Mặt khác, cần nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính hợp lí, như quy định hỗ trợ kinh phí ứng dụng công nghệ môi trường cho các đơn vị, có thể cho phép sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị để bảo đảm duy trì, bảo dưỡng, vận hành các công trình xử lí ô nhiễm, cải thiện điều kiện môi trường…
NGUYỄN TRUNG KIÊN