Ít cây xanh, nhiều bê tông, Hà Nội thành chảo lửa
Người đứng đầu Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, bà Christiana Figureres, vừa công bố phát hiện mới nhất khiến giới khoa học toàn cầu giật mình. Chỉ số khi carbon dioxide (CO2) đã đạt 400 ppm tương đương 400mg CO2/lít không khí. Đây là mức cao nhất trong lịch sử nhân loại. Hàm lượng này đã “vượt mức lịch sử, đưa Trái Đất đi vào một vùng nguy hiểm mới”, bà C.Figureres nói.
Đã có các cảnh báo các đợt siêu nắng nóng trong tương lai khi Trái Đất đi vào “vùng nguy hiểm mới”. Theo đó, khoảng bốn thập kỷ tới, châu Âu và châu Á sẽ trải qua những đợt nắng nóng khủng khiếp, gấp 10 lần đợt nắng nóng kỷ lục năm 2003 được cho là thủ phạm khiến hàng chục nghìn người các nước Âu thiệt mạng. Dưới tác động của ấm lên toàn cầu, các đợt nắng nóng kỷ lục sẽ xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ lớn hơn.
GS.TS Nguyễn Hữu Ninh, chuyên gia về biến đổi khí hậu, nhận định như vậy khi chứng kiến cảnh Hà Nội đang phát triển theo hướng xa rời các tiêu chí xanh. Bê tông hóa và kính hóa làm tăng nguy cơ hấp thụ nhiệt dưới mặt đất, khiến lớp không khi cách mặt đất 100 mét đổ lại trở nên nóng hơn, nung nóng mặt đất lâu hơn. Quá nhiều nhà cao tầng trong khi tỷ lệ không gian rỗng giữa các tòa nhà và trên các tuyến đường ngày càng ít làm cho đối lưu không khí ngày càng bị hạn chế, tạo ra chế độ tiểu khí hậu cục bộ, vừa gây ô nhiễm không khí vừa làm tăng oi bức.
Hà Nội nóng xấp xỉ chảo lửa Nghệ An
Trong ba ngày vừa qua, từ 14 – 16/5, một số nơi có nhiệt độ trên 40 độ như Ba Vì (Hà Nội) 40.1 độ; Láng ( Hà Nội) 40.0 độ; Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Như Xuân (Thanh Hóa) và Ba Đồn (Quảng Bình) 40.2 độ. Trong khi đó, các trọng điểm nóng ở Nghệ An cao hơn không bao nhiêu. Tại Tương Dương (Nghệ An) nóng 40.5 độ; Quỳ Hợp (Nghệ An) 40.6 độ; Tây Hiếu (Nghệ An) 40.4 độ. Thậm chí chảo lửa Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng chỉ 39.5 độ. |