Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng xanh?

Nói Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng xanh tuy nhiên việc triển khai các chiến lược, kế hoạch trên thực tế vẫn còn chậm.
Story
Việt Nam tuy đã chuyển dịch theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên còn nhiều

Theo chuyên gia, để đảm bảo tăng trưởng xanh, Việt Nam cần đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, chú trọng chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng ưu tiên những ngành ít phát thải, và đặc biệt là chú trọng vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, và thu hẹp ngành nông lâm, thủy sản.Cụ thể, nếu như trong giai đoạn 1990-2000 ngành công nghiệp nước ta đóng góp 29,62% tổng GDP, thì giai đoạn 2001-2010 đã tăng lên 38,42%, và giai đoạn 2011- 2013 giảm xuống một chút còn 38,28%. Trong khi đó, cơ cấu GDP của ngành nông lâm, thủy sản tương ứng các giai đoạn 1990-2000, 2001-2010 và 2011-2013 là 29,72%, 20,58% và 19,38%; cơ cấu của ngành dịch vụ có thay đổi nhưng không nhiều, tương ứng các giai đoạn trên là 40,66%, 41,0% và 42,34%. Mặc dù, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành cũng đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng tăng trưởng xanh, tức là giảm những ngành tiêu dùng năng lượng, nhưng chuyển dịch còn rất chậm.Bằng chứng là những ngành như xi măng, dệt sợi, sắt thép, hóa chất là ngành có tỷ trọng tiêu dùng năng lượng lớn nhất trong ngành công nghiệp và xây dựng đều có xu hướng giảm tỷ trọng trong GDP, tuy nhiên tốc độ giảm trung bình của nhóm này chỉ ở mức -2,46%/năm.

Cơ cấu kinh tế tuy đã chuyển dịch theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên còn nhiều, nên tăng trưởng xanh sẽ tạo động lực để các ngành tái cơ cấu.

Với lợi thế là nước đi sau, trình độ công nghệ còn thấp cũng đang là cơ hội lớn cho Việt Nam áp dụng các công nghệ tiên tiến, có hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, cũng như giảm phát thải chất ô nhiễm và khí nhà kính.

Mặt khác, hội nhập kinh tế tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tiếp cận với công nghệ tiên tiến, tiếp cận các thị trường lớn đòi hỏi sản phẩm xanh, qua đó tạo động lực để hoàn thiện mình, từ ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để đáp ứng với các yêu cầu của các đối tác thương mại, đến việc thu hút đầu tư nước ngoài. Việc thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ đơn thuần là thu hút vốn, mà cả công nghệ và kỹ năng quản trị của họ cũng sẽ góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của nước ta.

Mặc dù nhiều cơ hội, nhưng chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như:

Nhận thức của xã hội về tăng trưởng xanh chưa cao, vẫn còn chú trọng nhiều vào lợi ích trước mắt, thiếu các ưu tiên cho phát triển dài hạn; chưa xác định được những chính sách cân bằng giữa các định hướng và mục tiêu phát triển của 5 nhóm vấn đề nêu trên.

Trình độ công nghệ thấp, lạc hậu vừa là cơ hội, nhưng vừa là thách thức lớn do nguồn lực tài chính có hạn. Trong cấu trúc doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực đổi mới công nghệ thấp nên việc thay đổi hoặc đổi mới công nghệ gặp không ít khó khăn. Chi cho đầu tư nâng cấp, cải tiến công nghệ còn hạn chế. Khu vực có vốn nước ngoài tuy đóng góp cao vào tăng trưởng, đầu tư và xuất khẩu, nhưng ít tương tác với khu vực doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ không đáng kể, chưa được thực sự tận dụng cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Thị trường năng lượng nước ta vận hành chưa hiệu quả, nên chưa tạo động lực thay đổi công nghệ của một số ngành có tiêu thụ năng lượng lớn.

Cuối cùng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, khả năng phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành chưa hiệu quả; tồn tại các mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng với mục tiêu bảo vệ môi trường,… đang là thách thức lớn cản trở tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững.

Theo vietq.vn