Tăng trưởng xanh góp phần tạo việc làm
Quan điểm tăng trưởng xanh của Chính phủ Việt Nam là góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo – ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên&Môi trường (Bộ Kế hoạch&Đầu tư) nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo “Chiến lược tăng trưởng xanh và công nghệ truyền thông xanh cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam” ngày 16/11 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Tài nguyên&Môi trường, cho biết ngày25/9/2012, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chiến lược tăng trưởng xanh Việt Nam.
Chiến lược tăng trưởng xanh Việt Nam gồm ba mục tiêu chính: Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có, khuyến khích phát triển các vùng kinh tế, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; Nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua việc tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, quan điểm tăng trưởng xanh của Chính phủ Việt Nam là góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; bảo tồn, phát triển, và hiệu quả vốn tự nhiên.
“Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế, từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững”, ông Tuấn Anh nói.
Sau khi Chính phủ Việt Nam phê duyệt chiến lược tăng trưởng xanh, mới đây Bộ Kế hoạch&Đầu tư và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) ký kết biên bản thỏa thuận thực hiện dự án hỗ trợ khoảng 2 triệu USD thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong hai năm 2013 – 2014.
Theo ông Chinh, đối với các nước đang phát triển, thường có trình độ công nghệ thấp, quá trình phát triển đi sau so với các nước phát triển, do vậy họ phải hứng chịu những hậu quả từ các nước phát triển, đó là tiếp nhận những công nghệ lạc hậu, quá lỗi thời giá rẻ, sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát thải gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, gây ra những tổn thất lớn cho hệ sinh thái. Giải quyết trở ngại này cần có lộ trình và sự giúp đỡ của các nước phát triển trong chuyển giao công nghệ mới. Đầu tư về khoa học kỹ thuật nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Để đạt được các mục tiêu trong các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo môi trường và sinh thái bền vững, Việt Nam nhận thấy cần phải tiếp cận tăng trưởng xanh hay xây dựng một nền kinh tế xanh. Điều này giúp hiện thực hóa con đường phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
Songxanh