|
Sản xuất kính tại Nhà máy Kính nổi Tràng An, KCN Khánh Phú (Yên Khánh). Ảnh: Phạm Trường |
Phát triển công nghệ sạch là một chiến lược đúng đắn, tuy nhiên, hiện nay, rào cản lớn nhất để phát triển công nghệ sạch chính là ý thức của doanh nghiệp. Hiện nay vì nhiều lý do, phần lớn các doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ chưa sạch trong sản xuất vì họ cho rằng như thế thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, nếu xét cho đến cùng, chi phí xã hội phải trả cho việc làm sạch môi trường và chi phí chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng bởi môi trường không đảm bảo đó còn lớn hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư công nghệ sạch.
Nhằm tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư vào tỉnh, theo định hướng lựa chọn công nghệ sạch, công nghệ cao, phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch là vấn đề được Ninh Bình quan tâm đặc biệt.
Tại cuộc họp báo giới thiệu về chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Bình vừa được tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Đinh Quốc Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Chiến lược thu hút đầu tư của Ninh Bình đang được thực hiện theo nguyên tắc vừa phát triển công nghiệp, vừa phát triển du lịch. “Chúng tôi đang có đề xuất thay đổi quy hoạch phát triển một số ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn nhằm giảm thiểu tác động bất lợi tới mục tiêu phát triển du lịch.
Theo đó, các vùng quy hoạch phát triển du lịch sẽ không tiếp nhận dự án công nghiệp. Các khu vực còn lại sẽ dành cho các dự án phát triển tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp trên nguyên tắc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch”.
Trong danh sách các dự án kêu gọi đầu tư được đưa ra trong Hội nghị xúc tiến đầu tư Ninh Bình năm 2012, tỷ lệ các dự án công nghiệp, đặc biệt là hạ tầng công nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản và các dự án trong ngành công nghiệp phụ trợ chiếm tỷ lệ cao.
Có thể kể tới Dự án Nhà máy bia cao cấp; Dự án Nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng (tại Khu công nghiệp Phúc Sơn); Dự án Nhà máy sản xuất, chế biến sữa tại Khu công nghiệp Tam Điệp; Dự án Nhà máy nhiệt điện tại Khu công nghiệp Khánh Cư, Dự án Nhà máy công nghiệp phụ trợ tại Khu công nghiệp Tam Điệp; Khu an dưỡng du lịch sinh thái Kênh Gà; Nhà máy sản xuất gạch không nung; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống; Xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển Kim Sơn; Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao phục vụ nông nghiệp; Vùng chuyên canh hoa; Công viên động vật hoang dã; Nhà máy chế biến, bảo quản sau thu hoạch; Trung tâm đào tạo công nhân kỹ thuật nông nghiệp…
Trong số các địa điểm dành cho phát triển công nghiệp, ngoài 3 khu công nghiệp đang hoạt động, Ninh Bình sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào Khu công nghiệp Phúc Sơn (145 ha), Khu công nghiệp Khánh Cư (170 ha), Khu công nghiệp Xích Thổ (300 ha) và Khu Công nghiệp Sơn Hà (300 ha). Các khu công nghiệp này đều nằm trong danh sách 7 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy của 3 khu công nghiệp đang hoạt động là 70%. Riêng Khu công nghiệp Tam Điệp đã lấp đầy 100% và đang trong kế hoạch mở rộng.
Chiến lược thu hút đầu tư, định hướng kêu gọi đầu tư của tỉnh cũng đang đi theo hướng tìm kiếm công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến hiện đại, nhằm phát triển kinh tế – xã hội cân bằng và bền vững không chỉ cho trước mắt mà cả mai sau.