Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1419 /QÐ-TTg ngày 7-9-2009 với mục tiêu: Sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, vật liệu… giảm phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.

 
Công nhân Công ty Canon Việt Nam lắp ráp máy in la-de.

      Ðược kế thừa kinh nghiệm của Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, sau hơn một năm triển khai thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã từng bước đi vào cuộc sống.
Trên quan điểm vận dụng tối đa các nguồn viện trợ từ năm 2010, Bộ Công thương đã huy động nguồn vốn thuộc Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) để thực hiện các mục tiêu của chiến lược, đặc biệt trong năm 2011, mặc dù nguồn vốn của CPI đã hết nhưng Bộ Công thương đã huy động thêm được 3,5 triệu DKK Ðan Mạch (khoảng 10 tỷ đồng) từ nguồn vốn chưa phân bổ của Chương trình Hợp tác Phát triển Việt Nam – Ðan Mạch về  môi trường để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược. Ðồng thời bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường, Bộ Công thương đã xây dựng được tài liệu tập huấn cho các đối tượng là các nhà lãnh đạo, chuyên viên  thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ kỹ thuật các doanh nghiệp và chuyên gia tư vấn sản xuất sạch hơn. Theo đó từ năm 2010 đến tháng 5-2011 Chương trình đã tổ chức được 124 đợt hội thảo và tập huấn với số người tham dự hơn 8.000 người.
Cùng với đó là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, theo Phó Vụ trưởng Khoa học công nghệ Nguyễn Huy Hoàn  (Bộ Công thương) khẳng định “Chiến lược đã đặt mục tiêu đến năm 2015, 50% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn tuy nhiên theo khảo sát chưa đầy đủ thì đến nay con số này đã đạt 28%, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn giảm tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm đạt 11/25%, tỷ lệ Sở Công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn sản xuất sạch hơn cho công nghiệp đạt 18/70%. Cuộc khảo sát này được thực hiện tại 9.012 doanh nghiệp của 63 Sở Công thương. Như vậy có khả năng con số các doanh nghiệp nhận thức được vấn đề và áp dụng sản xuất sạch hơn còn lớn hơn rất nhiều”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hoàn thì tại thời điểm khảo sát  đã có 2.509 doanh nghiệp (28% số doanh nghiệp được khảo sát) có nhận thức về sản xuất sạch hơn với các mức độ khác nhau, từ việc nghe nói đến sản xuất sạch hơn và nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích song hành kinh tế và môi trường của sản xuất sạch hơn đến việc thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn. Ðặc biệt tại nhiều địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao, tỷ lệ nhận thức về sản xuất sạch hơn của doanh nghiệp cũng tăng cao như: Thái Nguyên, Bến Tre, Nghệ An, An Giang, Cần Thơ, Phú Thọ, Lào Cai… có hơn 50% doanh nghiệp nhận thức được vấn đề này. Trong đó có 8 ngành sản xuất là: Dệt may, rau quả nông sản, mỏ và khai khoáng, xi-măng – gạch – gốm, thủy sản, thực phẩm khác, gỗ – tre – nứa và nhựa cao-su là có hơn 100 doanh nghiệp nhận thức về sản xuất sạch hơn.
Mặc dù chỉ sau hơn một năm thực hiện Chiến lược, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi từ nhận thức sang hành động, và để Chiến lược thật sự đi vào cuộc sống, vào hành động cụ thể của từng doanh nghiệp trong giai đoạn 2011-2015, Chiến lược sẽ tập trung vào thực hiện các đề án khung đã dược duyệt  như tỷ lệ các doanh nghiệp nhận thức được về sản xuất sạch hơn, tỷ lệ các Sở Công thương có cán bộ có trình độ hướng dẫn sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Theo đó, nội dung chính sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp, tập huấn, phổ biến thông tin, tư vấn đánh giá sản xuất sạch hơn, phát triển mạng lưới tư vấn, phát triển hệ thống báo cáo và cấp chứng chỉ cũng như xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn.

sonla.gov