Sản xuất sạch hơn giúp làng nghề truyền thống phát triển bền vững
Hệ thống xử lý nước thải sau mạ tại một cơ sở sản xuất của làng nghề Đồng Côi (Nam Định) (Nguồn: songxanh.vn) |
Trước những thách thức trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, đặc biệt là đầu tư, cải tiến công nghệ, thực hiện SXSH, nhằm BVMT, nâng cao hiệu suất lao động và tiết kiệm chi phí…
Một mô hình áp dụng SXSH thành công tại Nam Định đang là điểm sáng cho các làng nghề truyền thống của tỉnh, đó là làng nghề Đồng Côi, với nghề cơ khí mạ truyền thống. Làng nghề hiện có hơn 10 cơ sở sản xuất, phần lớn đều chưa có hệ thông xử lý nước thải, công nghệ lạc hậu. Trong quá trình sản xuất, nước thải của hoạt động mạ chứa nhiều hóa chất độc hại và kim loại nặng, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân làng nghề.
Để giải quyết bài toán ô nhiễm, với sự hỗ trợ của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường), giải pháp SXSH tại một số cơ sở sản xuất của làng nghề được thực hiện thông qua việc lắp đặt thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải sau mạ. Dòng nước thải chứa kiềm, axít và crôm được dẫn vào 2 bể khác nhau. Bể chứa axít và crôm, sử dụng lớp phôi xỉ sắt để khử crôm 6 thành crôm 3. Nước thải sau khi qua hai bể chứa được tập trung vào bể điều hòa để ổn định và điều hòa lưu lượng nước thải. Khi đưa sang thiết bị hợp khối, nước thải được bổ sung dung dịch kiềm để điều chỉnh độ pH và kết tủa kim loại có trong nước thải, sau đó chảy sang ngăn lắng để tách bùn. Nước thải sau khi thu về bể chứa được bơm tiếp sang thiết bị lọc nổi để giữ lại các chất hữu cơ hòa tan, các chất màu còn lại trong dòng thải. Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn được thu vào bồn chứa nước sạch để sử dụng lại. Bùn thải lắng tại đáy thiết bị hợp khối được hút sang sân phơi bùn. Sau một thời gian lắp đặt hệ thống xử lý nước thải mới, môi trường sản xuất tại các cơ sở sản xuất của làng nghề được cải thiện rõ rệt. Các thông số môi trường trong nước thải sản xuất như BODs, COD, kim loại nặng… đều ở tiêu chuẩn cho phép, nước thải sau xử lý đã không còn mùi khó chịu. Việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Đồng Côi đã giúp các cơ sở sản xuất tiết kiệm được lượng nước sử dụng, trong khi chi phí vận hành thấp, dễ sử dụng, giúp giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ông Hoàng Trọng Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT Nam Định, việc áp dụng SXSH với các doanh nghiệp của làng nghề Đồng Côi là một hướng đi thiết thực và có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng SXSH, các doanh nghiệp phải đảm bảo quản lý tốt nội vi, bao gồm các hoạt động: Bảo trì máy móc, thiết bị, định kỳ; Kiểm tra đường ống, tránh hiện tượng rò rỉ hóa chất; Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; Xử lý nước thải riêng cho từng công đoạn; Lắp đặt hệ thống thông gió cục bộ; Thay thế thiết bị rửa. Đồng thời, giảm nồng độ hóa chất trong công đoạn tẩy rửa.
Thành công từ việc thực hiện SXSH tại làng nghề Đồng Côi (Nam Định) đã mở ra hy vọng “xanh hóa” các làng nghề sản xuất cơ khí nói riêng và các ngành nghề khác nói chung. Đây là con đường mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn có thể lựa chọn, để giải quyết được các vấn đề về môi trường mà lại đạt được hiệu quả kinh tế, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay.