Phú Thọ: Áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm giảm ô nhiễm làng nghề

Ảnh minhh họa
Để phát triển các làng nghề truyền thống bền vững, một trong những giải pháp hữu hiệu mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường nông thôn là áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH) vào sản xuất tại các làng nghề.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 29 làng nghề ở 11 huyện, thành phố, thị xã được UBND tỉnh công nhận với các nhóm ngành nghề như: chế biến chè, đan lát mây tre, chế biến nông sản, thực phẩm, mộc, làm nón, dệt thổ cẩm… Ở các làng nghề này có hơn 80% người dân tận dụng diện tích đất ở để làm nơi sản xuất nên đa phần hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư xây dựng; 70% thiết bị sử dụng là máy móc thô sơ, đơn giản… Do vậy, ô nhiễm môi trường làng nghề là điều không tránh khỏi và ngày càng đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống cũng như phát triển sản xuất. Ngoài ô nhiễm về không khí do đốt nhiên liệu, do sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn tạo ra các khí CO2, NH3, CH4, thì tại các làng nghề làm mây tre đan, làm nón, tăm hương…cũng bị ô nhiễm nặng do khâu sấy chống mốc dùng diêm sinh đã phát sinh một lượng lớn khí SO2, chưa kể ô nhiễm do bụi bông, bụi than…Theo điều tra của cơ quan chuyên môn, ước tính mỗi ngày các làng nghề ở Phú Thọ thải ra từ 25 đến 35 tấn rác. Tại một số làng làm bún bánh như ở Đoàn Kết, Hùng Lô, TP Việt Trì, làng nghề cán mỳ, làm bún xã Hiền Đa (Cẩm Khê)… rác và nước thải ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhân dân ở những làng nghề.

Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hoàn toàn có thể khắc phục được nếu áp dụng các giải pháp SXSH. Việc ứng dụng các giải pháp SXSH nhằm giảm ô nhiễm và tăng hiệu quả kinh tế tại các khu vực làng nghề là một trong những trọng tâm mà nhiều làng nghề ở Phú Thọ đã và đang muốn được triển khai.

Trên thực tế, Phú Thọ đã triển khai hơn 30 mô hình trình diễn SXSH. Tuy nhiên, chương trình sản xuất sạch hơn vẫn thiếu vắng sự tham gia của các thành phần kinh tế là các HTX tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Trong khi đó, thành phần này đang đóng góp một phần hết sức quan trọng trong sự phát triển công nghiệp tại địa phương, đem lại việc làm và thu nhập cho người lao động. Cũng do chưa có định hướng về việc áp dụng SXSH vào sản xuất cho các thành phần kinh tế này, nên các thông tin dữ liệu hiện còn thiếu và chưa tập hợp thành các chuyên đề cụ thể phục vụ cho công tác chuyên môn.

Nhiều người dân ở các làng nghề như: Đan lát Yển Khê, mộc Đỗ Xuyên (Thanh Ba)… cho biết, nếu không thực hiện SXSH vào sản xuất thì các sản phẩm đều bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua. Còn nếu thực hiện SXSH thì lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh mà doanh nghiệp không mất nhiều chi phí, đặc biệt, giảm được chất thải ra môi trường.

Từ thực trạng hoạt động tại các làng nghề cho thấy, nếu muốn các làng nghề được duy trì phát triển bền vững và hiệu quả thì nhất thiết phải có các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc đưa chương trình SXSH vào áp dụng tại các làng nghề, không những tiết kiệm được một lượng lớn nguyên nhiên liệu trong sản xuất mà còn giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao thu nhập của người dân, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, hầu hết người dân ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều mong muốn làng nghề sớm được tiếp cận với SXSH. Tuy nhiên SXSH phải tiếp cận theo cách nào, hoạt động ra sao cần có sự xem xét đánh giá cụ thể của các cấp, các ngành, sự quan tâm sát sao của các cơ quan chức năng thể hiện qua việc thiết lập khung chính sách, văn bản pháp luật, hỗ trợ tài chính. Có như vậy hoạt động SXSH mới đem lại hiệu quả thiết thực./.

sxsh.vn