Phát triển nông nghiệp bằng thiết bị quản lý khí hậu tự động
Nông nghiệp Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu. Để ứng phó với sự “thất thường” của thiên nhiên, Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng (RECO) đã đưa công nghệ Imetos quản lý khí hậu tự động vào áp dụng tại Việt Nam nhằm giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Công nghệ “khắc chế” thời tiết
Tại Hội thảo “Kết quả khảo nghiệm trạm khí hậu tự động công nghệ iMetos, đề xuất các giải pháp tổng hợp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp bền vững tại Việt Nam” diễn ra ngày 23/7 tại Phú Thọ, đại diện Dự án iMetos Việt Nam cho biết, Trạm quản lý khí hậu tự động ACS công nghệ Imetos đã được sử dụng tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ đắc lực cho nông lâm nghiệp qua việc tính toán lịch gieo cấy, thu hoạch, cảnh báo sớm sâu bệnh cho cây trồng và gia súc, cảnh báo thiên tai, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu cao với các điều kiện bất lợi.
Trạm ACS phục vụ quan trắc và cảnh báo tiểu khí hậu, đáp ứng cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong nông lâm nghiệp và đời sống với các tính năng như xử lý, lưu trữ số liệu, các thiết bị đầu cuối kết nối không dây.
Các cảm biến của trạm ACS thu nhận, xử lý và nhận được thông tin với khoảng thời gian đo 6 giây, phát đáp tới người sử dụng từ 10 – 60 phút/lần qua mạng thông tin di động và internet.
Những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp có thể truy cập thông tin thời tiết và môi trường bằng cách truy cập tại website: www.fieldclimate.com về các yếu tố thời tiết, khí hậu của tiểu vùng của tất cả các nơi đặt trạm như nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ (giờ chiếu sáng), tốc độ gió bão, lượng mưa, độ ướt lá… và dự báo thời tiết năm ngày tại khu vực…
Các thiết bị này hoạt động nhờ tấm pin năng lượng mặt trời, cung cấp năng lượng điện ổn định cho thiết bị ngay cả khi điều kiện thiếu ánh nắng (sương mù, tuyết, bóng núi…). Thiết bị, công nghệ Imetos có nhiều ưu điểm vượt bậc của công nghệ hiện đại, giá thành rẻ, bền, gọn nhẹ, dễ lắp đặt, có thể phục vụ cho từng trang trại, tiểu vùng một cách hiệu quả.
Những ghi nhận ban đầu
Trong tháng 4 và 5/2013, Trung tâm Công nghệ Môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu đã lắp đặt, chuyển giao công nghệ và đưa vào vận hành thành công năm Trạm khí hậu tự động ACS thuộc công nghệ Imetos do hãng Pessl Instruments (Cộng hòa Áo) tặng. Các trạm được đặt khảo nghiệm tại năm tỉnh là thành là Hà Nội, Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ và Quảng Trị. Tại Sapa (Lào Cai) độ cao 1.570 m, thiết bị hiện đang thực hiện công việc cảnh báo cháy rừng, mưa lũ, lũ quét, sâu bệnh trên rau hoa. Còn ở Quản Bạ (Hà Giang) Imetos phục vụ vùng nông nghiệp công nghệ cao rau hoa, dược liệu cho người dân địa phương.
Đại biểu tỉnh Lào Cai đánh giá, sau ba tháng thử nghiệm, trạm khí hậu tự động công nghệ iMetos tại vườn Quốc gia Hoàng Liên, trạm được vận hành tốt và dễ sử dụng. Các thông số về bức xạ mặt trời, lượng mưa, độ ẩm, tốc độ, gió… được thể hiện rõ ràng, chính xác và cập nhật liên tục từng giờ thông qua trang web trên mạng internet. Chức năng dự báo thời tiết trong 5 ngày tiếp theo đã giúp địa phương nắm bắt được diễn biến thời tiết để từ đó có những ứng phó kịp thời với những diễn biến thời tiết bất thường…
Theo PGS, TS Mai Quang Vinh, Giám đốc Dự án Imetos Việt Nam, hệ thống còn kết hợp, kết nối, bổ sung giữa mạng dự báo thời tiết địa phương giúp ích kết nối các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp vào hệ thống hiển thị quốc gia. Đồng thời kết nối với mạng lưới quan trắc, dự báo rộng của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia để dự báo thời tiết khu vực một cách chính xác.
Sau ba tháng vận hành khảo nghiệm năm Trạm quản lý khí hậu tự động tại các tỉnh thành phía bắc, Tiến sĩ Nguyễn Hữu La, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc đã đi sâu nghiên cứu ứng dụng của công nghệ Imetos đối với sự phát triển của cây chè Việt Nam, ông đánh giá: Nếu kết nối được các trạm này vào hệ thống quản lý sản xuất, chế biến chè cho cả nước thì đây là giải pháp hữu ích, nâng cao năng lực quản lý khí hậu tự động cho ngành chè, phục vụ xây dựng thương hiệu quốc gia chè Việt Nam trên nhiều khía cạnh như sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, chất lượng và sự an toàn của sản phẩm, giảm giá thành, phát triển bền vững…
GS, TS Vương Văn Quỳnh, Viện sinh thái rừng và môi trường, Đại học Lâm nghiệp nhận định: Có thể tin tưởng rằng việc kết nối công nghệ Imetos với phần mềm cảnh báo lũ quét được phát triển trên cơ sở các mô hình dự báo và cảnh báo lũ quét phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực sẽ mở ra một bước tiến mới trong dự báo và cảnh báo lũ quét tại Việt Nam.
PGS, TS Mai Quang Vinh đề xuất các bộ, ngành, địa phương giúp đỡ, phối hợp với Dự án iMetos Việt Nam xây dựng một số các dự án ứng dụng công nghệ này, bổ sung kinh phí đầu tư để xây dựng một số Trạm chuyên dụng và cử cán bộ phối hợp thực hiện ứng dụng nhanh kết quả KHCN về công nghệ tự động quản lý khí hậu cho các lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp, thủy lợi trên phạm vi cả nước.
Theo Đặng Giang/ Nhân Dân.