Nhang xanh- bảo tồn văn hoá, bảo vệ môi trường

Đốt nhang là tập tục lâu đời thể hiện tín ngưỡng và tâm linh của người Á Đông. Tuy nhiên, hiện nay, việc đốt nhang bị lạm dụng tại các đình, chùa, hộ gia đình, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hỏa hoạn.

Đốt nhang là tập tục lâu đời thể hiện tín ngưỡng và tâm linh của người Á Đông. Tuy nhiên, hiện nay, việc đốt nhang bị lạm dụng tại các đình, chùa, hộ gia đình, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hỏa hoạn.

Làm cách nào để vừa duy trì được thói quen này, vừa đảm bảo tiết kiệm và thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và có thể tận dụng được chất thải rắn của quá trình sản xuất các loại sản phẩm khác làm nguyên liệu sản xuất nhang là một câu hỏi lớn.

Xuất phát từ những trăn trở đó, hai tác giả trẻ Nguyễn Hàn Dũng và Nguyễn Thị Như Quỳnh đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Sản xuất một vài loại nhang thân thiện với môi trường”.

Khi đang học năm cuối Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Dũng và Quỳnh bắt tay vào nghiên cứu đề tài này. Bột áo làm nhang được hai bạn thay thế bằng loại bột làm từ các chất thải có thể cháy được như vỏ trấu, xơ dừa, vỏ quả óc chó.

Vì không có máy nghiền, máy trộn nên hai bạn chọn quy trình sản xuất nhang nhúng để có thể thực hiện thủ công. Một điểm khác nữa so với nhang thường là loại nhang này không có chân nhang nhằm giảm thiểu lượng nguyên vật liệu, hóa chất sử dụng để sản xuất, giảm lượng tro tàn sau khi sử dụng.

Khi đem đốt cùng lúc 10gam mỗi loại nhang thì thu được kết quả thú vị: loại nhang làm từ vỏ quả óc chó thải ra 0,168g khí thải độc hại, còn loại nhang thường thải ra tới 0,253g. Bên cạnh đó, các thông số như khí CO2 – một trong những nhân tố chính gây hiệu ứng nhà kính, benzen và toluene – những chất có thể gây ung thư – do nhang làm từ vỏ quả óc chó thải ra đều ít hơn so với nhang thường. “Kết quả thăm dò cho thấy, người tiêu dùng thích cây nhang có mùi thơm, thân thiện với môi trường, không có khí thải độc, ít khói bụi, thời gian đốt lâu mà giá bán lại thấp”, Quỳnh nói.

Sau khi so sánh những ưu điểm, hạn chế của ba loại nhang làm từ vỏ trấu, xơ dừa, vỏ quả óc chó và xem xét các yếu tố, điều kiện sẵn có, hai sinh viên chọn loại nhang làm từ vỏ quả óc chó để đưa vào sản xuất với tên gọi “Hương Xanh”.

Vỏ quả óc chó khá rẻ tiền, dễ thu gom từ các nhà máy sản xuất nhân của quả và còn góp phần làm giảm một lượng chất rắn đáng kể thải ra môi trường, nhang làm từ loại nguyên liệu này cháy lâu hơn nhang thường.

Các tác giả còn khảo sát hiện trạng sử dụng nhang của người dân TP.HCM ở 6 quận, 31 ngôi chùa, 3 hộ gia đình, đồng thời tìm hiểu về loại nhang mà người tiêu dùng hướng tới sử dụng. Theo con số nhóm đưa ra, nếu sử dụng loại nhang mới này, đến năm 2020 sẽ tiết kiệm được khoảng 800 tỷ đồng.

Ngay sau khi có được kết quả nghiên cứu, Dũng và Quỳnh đã đem dự án tham dự cuộc thi Eureka 2011 và đoạt giải cao. Một vài doanh nghiệp đã tìm đến mua lại dự án để đưa vào sản xuất nhưng cả hai chưa đồng ý vì còn muốn cải tiến và nghiên cứu thêm để dự án thật hoàn thiện trước khi đưa vào sản xuất.

songxanh.vn