Mô hình ứng dụng và hệ thống sản xuất Rau thuỷ canh

 

Hệ thống trồng rau thủy canh là một giải pháp sản xuất rau sạch “thông minh” (được thiết kế theo hệ Modul) trồng rau bằng nước được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng (do không dùng đất nên không bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng, chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật và các vi sinh vật gây bệnh có trong đất). Ngoài ra, sản phẩm được thiết kế rất linh động với nhiều ưu điểm, có thể áp dụng nuôi trồng và sản xuất rau sạch bằng phương pháp thủy canh cho nhiều mô hình và không gian cũng như các quy mô từ hộ gia đình cho đến trang trại sản xuất lớn.

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì việc thiếu đất canh tác đang là một vấn đề được đặt ra cho nhiều ngành cũng như các cơ quan chức năng. Đi kèm với nó, cuộc sống của người dân nơi đô thị hiện đang phải đối mặt với nhiều thực trạng, trong đó có vấn đề về sử dụng rau sạch cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Do vậy, việc sản xuất rau quả an toàn và chất lượng cao bằng công nghệ thủy canh đã được thế giới công nhận và rất phù hợp cho Việt Nam (là một nước đông dân và có tới 70% dân số làm nông nghiệp). Sản phẩm có tên gọi “Hệ thống sản xuất rau sạch thủy canh” ra đời không chỉ đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về rau sạch hiện nay cho người tiêu dùng, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng mà còn cải thiện môi trường sống xung quanh, cụ thể như giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng diện tích cây xanh, giảm hàm lượng khí thải CO2, tăng sinh dưỡng khí O2, nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp…

Về tình hình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thuỷ canh

Điểm qua việc nghiên cứu trồng rau thủy canh, chúng ta thấy, từ năm 1966 đến nay đã có trên 500 sáng chế về kỹ thuật trồng cây thủy canh. Nhật Bản là nước vượt lên dẫn đầu với khoảng 260 sáng chế, chiếm 47%. Theo sau đó là Hàn Quốc với 103 sáng chế chiếm 19%, Mỹ với 46 sáng chế chiếm 9%…

Tình hình nghiên cứu công nghệ Thủy canh trên thế giới
(Tính theo số lượng bằng sáng chế từ năm 1966 đến nay)

Tại Việt Nam, năm 1997 Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ trồng cây thủy canh “Việt hóa” cho phù hợp với điều kiện của nước ta.

Trung tâm Đào tạo, Tư vấn và Chuyển giao công nghệ, Viện KHCNVN phối hợp với Công ty Sài Gòn Thủy canh đã có những nghiên cứu hoàn thiện và ứng dụng công nghệ này vào thị trường trong một vài năm gần đây. Tại các kỳ hội chợ Techmart ở Hải Phòng, TP.HCM, cũng như Techmart Hà nội 2012 những thành công bước đầu của cây Cà chua, Dưa leo, Xà lách… trồng theo công nghệ Thủy canh hoàn toàn “xanh, sạch” đã được giới thiệu và nhận được sự chào đón, chấp nhận của nhiều người dân trong cả nước.

Hệ thống trồng rau thủy canh tham gia Techmart 2012

Mô hình trồng rau thủy canh thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan

Về thành phần dinh dưỡng

Thành phần dinh dưỡng của dung dịch thủy canh được sử dụng cho sản phẩm bao gồm các nguyên tố đa lượng (như N, P, K, Ca, Mg) và vi lượng (Fe, Zn, Cu, B, Mn, Mo) với thành phần phù hợp với các quy trình hiện nay trên thế giới, trong đó hoàn toàn không có bất kỳ chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ bệnh hay thuốc trừ sâu nào.

Về chăm sóc và thu hoạch

Hệ thống sản xuất rau sạch thủy canh bao gồm các ống trồng cây chuyên dụng và các ống nối được kết nối trong hệ thống; với điều kiện đảm bảo sao cho dung dịch dinh dưỡng từ khi vào sẽ chảy dọc theo suốt chiều dài của mô đun cơ bản đầu tiên và chảy qua toàn bộ các mô đun cơ bản còn lại trong hệ thống để đến từng cây trong hệ thống trước khi hồi lưu trở lại về thùng chứa. Hệ thống đóng mở tự động (Timer) được nối giữa máy bơm và hệ thống dẫn nước, có tác dụng điều chỉnh thời gian và số lần bơm nước trong ngày. Hiện tại việc trồng rau thủy canh được thực hiện trên hai hệ thống dàn treo và dàn đứng phù hợp với địa hình của từng hộ gia đình.

Về thời gian thu hoạch, cây thường được thu hoạch sau khi trồng từ 4-5 tuần tuổi tùy thuộc vào từng loại rau. Thời điểm thu hoạch vào buổi sáng (trước 9:00) hoặc buổi chiều (sau 16:00) để tránh cây khỏi bị héo khi thu hoạch. Hai phương pháp thu hoạch là thu hoạch liên tục (cắt tỉa lá trong quá trình cây phát triển) và thu hoạch nguyên giỏ (cắt ngang gốc).

Về những lợi ích của việc trồng rau thuỷ canh tại nhà

  • Đáp ứng nhu cầu cấp bách về rau sạch hiện nay của toàn xã hội;
  • Tiết kiệm đất canh tác (ngay cả khi không có đất trồng) nên có thể áp dụng cho mọi không gian có nắng chiếu trực tiếp. Và mọi người có thể trồng rau sạch tại nhà do tiết kiệm được không gian và thời gian chăm sóc. Vì vậy, sản phẩm đặc biệt thích hợp với các căn hộ ở những khu đô thị, thành phố lớn. Một giàn hoặc một tháp rau 10 ống (diện tích 2,0m x 0,5m x 2,1m) sẽ cho lượng rau tương đương trồng trên 10m2 đất;
  • Góp phần cải thiện môi trường, cung cấp ôxy, làm giảm hiệu ứng nhà kính và tạo ra không gian xanh trong không gian tổng thể của ngôi nhà. Giàn hoặc Tháp rau có tác dụng như một lá chắn nhiệt, hơi nước tỏa ra từ những lá rau lúc nắng nóng sẽ có tác dụng làm mát ngôi nhà. Ngoài ra, người sử dụng có thể thưởng thức hoa tươi khi thay vào “vườn rau” bằng những cây hoa;
  • Nâng cao ý thức về sự thân thiện với môi trường sống và bổ sung sự hiểu biết về sinh học nông nghiệp cho các em ở độ tuổi học sinh bằng những trực quan sinh động về sự sinh trưởng và phát triển của thực vật;
  • Tạo cho người trồng một cảm giác thư giãn khi chăm sóc và ngắm nhìn những những Giàn hoặc Tháp rau xanh mơn mởn. Đồng thời khi sử dụng rau trực tiếp từ “vườn” (không qua bảo quản) bạn sẽ cảm nhận được “nghệ thuật ẩm thực” qua sự “ngon miệng”.

Hệ thống dàn treo

Một số loại giống rau

Theo www.vast.ac.vn