Kiểm soát ô nhiễm môi trường: Nhìn ra thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Kiểm soát ô nhiễm môi trường: Nhìn ra thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Công nghệ sạch, thân thiện môi trường xu hướng trong phát triển kinh tế xanh.

Xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường đang được thế giới quan tâm. Theo đó, các giải pháp mới về công nghệ sạch, thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu trong các chiến lược phát triển kinh tế xanh.

 Từ Nhật Bản và Hàn Quốc

Tại Nhật Bản, giai đoạn 1950-1960, sự phát triển quá nhanh của các ngành công nghiệp dẫn đến môi trường sống bị suy thoái, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế – xã hội và sức khỏe con người. Để khắc phục, Nhật Bản đã phải cải thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, nhằm giải quyết 3 vấn đề: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm chi phí kiểm soát ô nhiễm (KSON) và chi phí sức khỏe cộng đồng; giảm giá thành sản xuất và giảm chi phí năng lượng. Đây chính là tư duy mới về quản lý sản xuất “không chỉ lo xử lý chất thải ở công đoạn cuối mà phải tính toán ngay từ đầu để sản xuất hợp lý, phát thải ít nhất”.

Theo đó, Nhật Bản đã ban hành những quy định pháp luật chặt chẽ, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải, KSON nước, không khí và giám sát ô nhiễm. Trong đó, đặc biệt coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức nỗ lực ngăn chặn, KSON môi trường. Cùng với Luật KSON về môi trường được ban hành vào năm 1967, 1971, Nhật Bản đã được thành lập Bộ Môi trường với chức năng quy hoạch, điều phối và thúc đẩy các chính sách và kế hoạch môi trường quốc gia; phối hợp với chính quyền các địa phương thi hành các bộ luật quốc gia trong lĩnh vực KSON không khí, nước và đất, chống tiếng ồn, kiểm soát mùi và các bộ luật bảo tồn thiên nhiên… Đến nay, Nhật Bản được coi là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới có nền kinh xanh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Là đất nước có nền công nghiệp phát triển, năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố tầm nhìn phát triển quốc gia “Cacbon thấp, tăng trưởng xanh”. Hàng năm, Hàn Quốc dành 2% GDP cho các công việc liên quan đến tăng trưởng xanh (gấp đôi mức Liên hợp quốc khuyến nghị). Nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã triển khai công nghệ xanh và mang lại hiệu quả như: Nhà máy lốp Kumho, sau khi thiết lập hệ thống quản lý năng lượng trong các thiết bị điều khiển từ xa tự động, các thiết bị đun và bơm trong nhà máy lốp đã giúp tiết kiệm 6% năng lượng mỗi năm và sau 3 năm có thể hoàn vốn…

Thực tiễn tại Việt Nam

Với mục tiêu “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính”, tháng 7/2012, Chính phủ Việt Nam đã chính thức phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg. Trước đó, Chính phủ, Quốc hội cũng đã ban hành và thông qua nhiều chính sách liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020, Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường… Về cơ bản, các chính sách này đã góp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ đầu nguồn, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp và các cấp quản lý trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Theo đó, Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) – Bộ Công Thương với sự hỗ trợ kinh phí từ Danida (Đan Mạch), sau  6 năm triển khai (2005-2011), chương trình đã  thực hiện được 61 đánh giá SXSH cho các DN và 45 dự án trình diễn có hỗ trợ đầu tư tại các tỉnh mục tiêu; 11 hội thảo tại các tỉnh ngoài mục tiêu về xây dựng kế hoạch hành động SXSH… Với các dự án trình diễn đã được thực hiện, mức tiết kiệm trung bình đạt khoảng 11% nước, 12% điện, 21% than, 14% FO, 23% hóa chất, lượng phát thải giảm đáng kể.

Cùng với thành công CPI thì thành công của Dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã góp phần giảm thiểu lượng phát thải CO2 ra môi trường. Giai đoạn 2005-2011, 543 dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã được triển khai trong 5 ngành công nghiệp sản xuất gạch, gốm sứ, dệt may, giấy- bột giấy và chế biến thực phẩm và 25 tỉnh, thành phố được hỗ trợ để tham gia các hoạt động TKNL. Tổng mức năng lượng tiết kiệm được là 232.000 tấn dầu, lượng phát  thải khí nhà kính giảm được 944.000 tấn CO2, chi phí năng lượng giảm 24,3% trên giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm chi phí sản xuất từ 10-50%, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đến 30%.

Theo các chuyên gia, việc học tập kinh nghiệm, công nghệ, nhân lực, vật lực… của các tổ chức GO, NGO  sẽ giúp Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

congthuong