Hướng tới một “nền kinh tế xanh”
Phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường hiện đang là xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, để rút ngắn khoảng cách, tiếp cận với một nền kinh tế hiện đại, văn minh và hướng tới một “nền kinh tế xanh” trong tương lai không xa, cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện những cơ chế, chính sách sát thực. Đồng thời học tập cách thức tiến hành của các nước đi trước để có một lộ trình và bước đi phù hợp với tình hình thực tế.
PGS, TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Kinh tế xanh và bảo vệ môi trường là hai phạm trù chứa đựng những nội hàm khác nhau, nhưng đang có xu hướng tiến gần nhau trong một phạm trù phổ biến đã được dùng trong mọi lĩnh vực là “Phát triển bền vững”. Từ Hội nghị thượng đỉnh về môi trường toàn cầu Ri-ô đờ Gia-nây-rô (năm 1992) ở Bra-xin về “Môi trường và Phát triển” đã khởi xướng “Chương trình nghị sự 21” về “Phát triển bền vững”. Kể từ đó đến nay, thế giới đã nỗ lực thực hiện chương trình này. Tại Việt Nam, tính đến nay có hơn 33 luật và hơn 20 pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường như: Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản… Như vậy, về cơ bản chính sách bảo vệ môi trường, các văn bản pháp luật của chúng ta đã tương đối đầy đủ và được thực thi rộng rãi, dần đi vào chiều sâu với sự kết hợp hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội…
Bên cạnh đó, nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước cũng được ban hành. Mới đây nhất, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 7, khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/T.Ư về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Đối với nội dung bảo vệ môi trường, Nghị quyết đã khẳng định “Phát triển ngành kinh tế môi trường trên cơ sở ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ bảo vệ môi trường và tái chế chất thải. Đẩy mạnh xã hội hóa bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững”.
Thực tế cho thấy, vấn đề nhận thức, hiểu thế nào là một “nền kinh tế xanh” hiện nay ở nước ta vẫn là một khái niệm mới mẻ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức từ các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, “nền kinh tế xanh” thường gắn liền với sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng xã hội các-bon thấp, đầu tư khôi phục hệ sinh thái và giải quyết sinh kế gắn liền với phục hồi môi trường… Tuy nhiên, công nghệ sản xuất tại Việt Nam hiện nay phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, cho nên việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với “nền kinh tế xanh” đang là thách thức không nhỏ nếu không có sự trợ giúp về vốn và công nghệ từ các nước phát triển. Việc huy động vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng “nền kinh tế xanh” vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích lũy quốc gia còn quá thấp, lại chưa huy động được các nguồn lực của toàn xã hội, cho nên ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tới một “nền kinh tế xanh”…
Phát huy lợi thế về nguồn vốn tự nhiên sẵn có, khắc phục những hạn chế của nhiều nước trên thế giới đã gặp phải, cũng như hướng tới một “nền kinh tế xanh” trong tương lai, theo các chuyên gia cần tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại nghề nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ cao, phát thải các-bon thấp; công nghệ thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường; phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái. Đồng thời tăng cường đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề trong nội hàm của “nền kinh tế xanh” như: sử dụng năng lượng tái tạo; công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; công nghệ giảm phát thải khí nhà kính; hạn chế thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường. Đổi mới quy hoạch sử dụng đất cho phát triển đô thị, phát triển giao thông, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình phúc lợi xã hội theo hướng dành quỹ đất đủ cho phát triển cây xanh, hồ nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường theo quy định tiêu chuẩn quốc tế.
Việc cải cách lại hệ thống thuế tài nguyên và xem xét lại thuế môi trường hướng tới phát triển “nền kinh tế xanh” cũng cần sớm được điều chỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của xã hội để tạo ra sự đồng thuận cao từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp, từ đó thay đổi quan điểm và nhận thức về một “nền kinh tế xanh”. Tăng cường sự hợp tác quốc tế trong nỗ lực xây dựng “nền kinh tế xanh” ở Việt Nam bằng việc huy động nguồn hỗ trợ của quốc tế, nhất là nguồn vốn đầu tư 2% GDP toàn cầu cho phát triển “nền kinh tế xanh”…
Theo nhandan.com.vn, ngày 13/04/2014