Ms Hằng – Điều phối viên Quỹ GCTF
Hỏi: Xin cho biết, vai trò của Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Đáp: Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (gọi tắt là GCTF) được thành lập từ một sáng kiến hỗ trợ tài chính của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) dành cho các nước đang phát triển, nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư trung và dài hạn vào công nghệ sạch hơn trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Đối tượng hỗ trợ tài chính của GCTF là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam. Những doanh nghiệp này thường hay gặp phải những trở ngại như: thiếu vốn, khó tiếp cận với nguồn tín dụng từ ngân hàng do không đủ tài sản thế chấp… khi đứng trước những hạng mục đầu tư lớn (đổi mới thiết bị/công nghệ).
Chính vì thế, Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh thiết kế 2 hình thức hỗ trợ tài chính song hành cho nhóm đối tượng này, bao gồm:
(1) phát hành thư bảo lãnh tín dụng đối với 50% giá trị khoản tín dụng mà doanh nghiệp được ngân hàng phê duyệt;
(2) trả thưởng cho doanh nghiệp tới 25% giá trị khoản vay tín dụng khi dự án đầu tư đạt được mức độ cải thiện môi trường nhất định. Trả thưởng ở đây có nghĩa là GCTF sẽ ‘thưởng’ cho doanh nghiệp thông qua trả hộ doanh nghiệp một phần nợ với ngân hàng.
Hỏi: Cơ chế làm việc của Quỹ như thế nào? Đây có phải là một cơ chế tín dụng hoàn toàn mới ở Việt Nam không? Quỹ “xanh” ở đâu?
Đáp:Cơ chế hoạt động của GCTF khá khác biệt so với các Quỹ hỗ trợ về môi trường khác ở Việt Nam:
Nguồn ngân sách của GCTF do SECO cung cấp (5 triệu USD) chỉ bao gồm 2 mục tiêu: hỗ trợ thế chấp thông qua bảo lãnh (2 triệu USD) và trả thưởng cho dự án hoàn thành (3 triệu USD).
Còn nguồn tín dụng cấp cho các dự án là từ các dòng ngân sách dành cho tín dụng khối khách hàng doanh nghiệp của ba ngân hàng thương mại được lựa chọn (Techcombank, ACB và VIB). Trong khi đó, điểm chung của hầu hết các quỹ khác là “có một nguồn vốn hoạt động riêng” được huy động từ nhiều nguồn khác nhau (ngân sách nhà nước/thành phố, nguồn vay tín dụng từ ngân hàng lớn, đối ứng của Bản quản lý/điều hành Quỹ, hỗ trợ với hình thức “cho không” của các dự án/chương trình hợp tác phát triển do nước ngoài tài trợ, …) và do Ban quản lý quỹ điều hành.
Về cơ chế hỗ trợ tài chính của GCTF thì cũng có thể thấy rõ sự khác biệt lớn so với các quỹ khác là GCTF hỗ trợ bảo lãnh và trả thưởng sau khi dự án được thực hiện thành công, trong khi các quỹ khác cung cấp vốn vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra các tiêu chí lựa chọn dự án của GCTF cũng có những điểm khác so với các quỹ khác.
Vì sao có từ “xanh” trong tên gọi của GCTF? “Xanh” ở đây mang hàm ý về môi trường.
Quỹ được hình thành từ dòng ngân sách “xanh” của Chính phủ Thụy Sĩ. Một trong các mục tiêu của dòng ngân sách này là hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện hiện trạng môi trường của mình.
Tác động môi trường mà GCTF quan tâm bao gồm: phát thải CO2 (thông qua giảm tiêu thụ nhiên liệu và điện năng), phát thải ODS, PTS, giảm sử dung nước sạch, BOD, COD, TOC, bụi ngoài trời PM10, …
Quỹ “xanh” ở chính tiêu chí lựa chọn dự án: dự án thay đổi thiết bị/công nghệ phải hướng tới việc giảm một chỉ thị tác động môi trường ít nhất 30% so với hiện trạng hoặc nếu là trường hợp đầu tư một dây chuyền sản xuất mới thì công nghệ được lập dự án phải thể hiện tính chất bảo vệ môi trường so với một dự án đầu tư sản xuất thông thường.
Ngoài ra Quỹ còn “xanh” ở đặc điểm: khích lệ việc doanh nghiệp đầu tư để cải thiện môi trường vượt trên yêu cầu luật pháp cơ bản môi trường.
Hỏi: Quỹ đã giúp các doanh nghiệp cải tiến công nghệ ra sao? Bảo vệ môi trường như thế nào?
Đáp:Một số dự án đã được thực hiện trong khuôn khổ của Quỹ đã giúp các công ty ứng dụng công nghệ tiến tiến để giảm điện năng tiêu thụ hoặc giảm lượng nước sạch phải khai thác cho sản xuất, hoặc giảm phát thải cacbon do tận dụng được năng lượng tái tạo (sinh khối, mặt trời).
Hỏi: Làm thế nào để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của Quỹ?
Đáp:Xin được làm rõ là Quỹ không giữ vai trò cấp vốn cho các dự án. Toàn bộ nguồn tín dụng cho doanh nghiệp là sẽ do các ngân hàng đã có cam kết với Quỹ cung cấp. Vai trò của Quỹ là hỗ trợ thế chấp thông qua bảo lãnh và trả thưởng.
Mọi DNVVN của Việt Nam (trên 50% sở hữu trong nước) của các ngành công nghiệp và một số ngành dịch vụ (khách sạn, tòa nhà, nhà hàng,khu dịch vụ vui chơi giải trí, giặt là) đều có thể đăng ký tìm kiếm hỗ trợ tài chính của Quỹ khi có các dự định thay đổi thiết bị/công nghệ phù hợp.
Các doanh nghiệp có thể tìm thấy biểu mẫu đăng ký dự án với GCTF thông qua trang web https://gctf.vncpc.org, điền thông tin của doanh nghiệp và dự án và gửi về ban điều phối GCTF tại Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam qua địa chỉ email: [email protected].
Bên cạnh đó Doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận với Quỹ qua các cán bộ đầu mối tại các ngân hàng :
(1) [email protected] (bà Nguyễn Thị Khai Phương – Techcombank)
(2) [email protected] (bà Lê Thị Thường Chiếu – ACB)
(3) [email protected] (Bà Nguyễn Thị Khánh Hoài – VIB)
Hỏi: Sau một thời gian triển khai, Quỹ có gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Đáp: Khó khăn lớn nhất có thể làm cản trở số lượng các dự án đăng ký với Quỹ là trong các năm qua (kể từ khủng hoảng tài chính 2008) tới nay lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp ở mức cao theo đánh giá của chính các doanh nghiệp để có thể ra các quyết định đầu tư trang thiết bị. Doanh nghiệp luôn có những e ngại về lãi suất vay tín dụng từ ngân hàng.
Dường như phần lớn các doanh nghiêp đều có câu hỏi về lãi suất vay tín dụng theo khuôn khổ hỗ trợ của Quỹ được giảm ở mức độ nào. Trên thực tế, mặc dù Quỹ không can thiệp tới lãi suất tín dụng trong thỏa thuận giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nhưng sau khi được trả thưởng thì tổng gốc và lãi phải trả cho ngân hàng trong rất nhiều trường hợp còn thấp hơn các khoản vay với lãi suất ưu đãi.
Ngoài ra, cũng có những trường hợp đã xảy ra là doanh nghiệp xây dựng được những dự án khả thi về tiêu chí kỹ thuật của Quỹ những bản thân họ lại có những vấn đề tài chính riêng mà ngân hàng không chấp thuận cung cấp tín dụng ví dụ nợ xấu, không đủ tài sản thế chấp (mặc dù đã tính tới phần hỗ trợ bảo lãnh của GCTF, đang có quá nhiều khoản nợ song song, …).
Về những thuận lợi, bản thân việc trả thưởng như vừa đề cập ở trên cũng có thể được xem như một thuận lợi nên doanh nghiệp xác định được rõ điều này. Bên cạnh đó, một trong yếu tố có tác động tới việc doanh nghiệp quyết đổi mới thiết bị/công nghệ là khuôn khổ chính sách của nhà nước, ví dụ Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu qủa, Luật bảo vệ môi trường, …
Hỏi: Hoạt động của Quỹ trong thời gian tới?
Đáp: Chúng tôi tiếp tục các hoạt động truyền thông để quảng bá Quỹ tới các nhóm mục tiêu. Các dự án đã tiếp cận tới Quỹ sẽ được triển khai theo đúng lộ trình đã thống nhất với doanh nghiệp và ngân hàng.