EU hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị cá tra bền vững ở Việt Nam
Ngày 2/8/2013 tại TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cùng các đối tác khác giới thiệu dự án mới mang tên “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA). Dự án có tổng giá trị gần 2,4 triệu EUR, trong đó Liên Minh Châu Âu (EU) tài trợ gần 1,9 triệu Euro thông qua Chương trình EU SWITCH-Asia. Cơ quan chủ trì thực hiện dự án là VNCPC cùng với với các đối tác khác là VASEP, WWF-Việt Nam và WWF- Áo.
Tới dự Hội thảo về phía các cơ quan Nhà nước có:
– Ông Nguyễn Huy Điền – Tổng Cục phó Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Bà Dương Phương Thảo – Cục phó Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương
Cơ quan tài trợ:
– Ông Hoàng Thành – Cán bộ Chương trình môi trường và biến đổi khí hậu – Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam
Các cơ quan thực hiện:
– Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VASEP
– Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký VASEP
– Bà Ngô Thị Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC)
– Ông Lê Xuân Thịnh – Quản lý dự án.
– Ông Ngô Tiến Chương – Điều phối Chương trình WWF-VN
– Bà Sabine – Điều phối Chương trình WWF-Áo
Hội thảo đã diễn ra rất tốt đẹp với sự quan tâm của gần 200 đại biểu từ các cơ quan quản lý của Trung ương và địa phương, các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp chế biến, nuôi, sản xuất thức ăn, các cơ quan tư vấn và nghiên cứu trong lĩnh vực cá tra.
Phát biểu về dự án, Bà Berenice Muraille, Tham tán về Hợp tác Phát triển của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Dự án sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thông qua dự án, EU sẽ hỗ trợ trực tiếp toàn bộ chuỗi cung ứng cá tra từ khâu ươm, sản xuất thức ăn nuôi và chế biến của Việt Nam đến các nhà xuất nhập khẩu và người tiêu dùng cuối cùng nói chung, trong đó có EU, hiện đang là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu cá tra Việt Nam.”
Dự án sẽ được thực hiện trong 4 năm từ 2013 đến 2017, tập trung vào nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng phương pháp luận Sử dụng tài nguyên có hiệu quả và Sản xuất sạch hơn (RECPnet), cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường. Dự án cũng giúp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn bền vững hiện hành như ASC, Global GAP, v.v, hướng tới sản xuất bền vững nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành cá tra trên thị trường thế giới.
Đóng góp ý kiến cho buổi Hội thảo bà Nguyễn Thị Hồng Minh trao đổi: Đây là dự án lần đầu tiên ở Việt Nam thực hiện theo chuỗi cung cho ngành cá tra. Dự án đã đưa ra rất nhiều các hoạt động hỗ trợ trong đó quan trọng nhất là hỗ trợ xúc tiến thị trường và nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp thông qua áp dụng sản xuất sạch hơn. Dự án nên cùng với các doanh nghiệp dẫn đầu thiết kế tạo ra dòng sản phẩm mới dựa trên sản phẩm truyền thống nhưng có chất lượng nổi bật đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu.
Phát biểu tại Hội thảo đại diện của Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ CT) cũng rất ủng hộ dự án này coi như là một hình mẫu để có thể nhân rộng cả chiều rộng lẫn chiều sâu và rất tin tưởng sau khi dự án kết thúc sẽ đóng góp một phần vào trong quá trình phát triển bền vững chuỗi cung ứng cá tra của Việt Nam.
SUPA – VNCPC