Các công ty hàng đầu thế giới như Apple, Google, Samsung… đều nằm trong top các công ty “chịu” đổi mới nhất và chi tiêu “mạnh tay” nhất cho R&D và có hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Trong môi trường cạnh tranh tự do toàn cầu, các hoạt động này càng trở nên là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp (DN). Các DN Việt Nam cũng không ngoại lệ, hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) và KH&CN đã đóng góp hiệu quả vào sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực canh tranh của DN. Câu chuyện của hai DN dưới đây là một minh chứng.
Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ: đổi mới công nghệ để phát triển
Máy xát gạo, một trong những sản phẩm của Cty Bùi Văn Ngọ. Ảnh: LV
Từ một xưởng cơ khí nhỏ của gia đình, ông Bùi Văn Ngọ và các thành viên đã phát triển thành Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ (Cty Bùi Văn Ngọ) với những sản phẩm chủ lực phục vụ nông nghiệp. Các sản phẩm của công ty không chỉ phổ biến trong nước mà còn được xuất khẩu. Đặc biệt, những sản phẩm này ra đời đều do sự sáng tạo của người Việt.
Quá trình 60 năm phát triển của Cty Bùi Văn Ngọ là quá trình tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo và không ngại đổi mới. Ngay từ những năm mới thành lập xưởng cơ khí, ông Bùi Văn Ngọ đã rất chú trọng đến những sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Năm 1963, sáng kiến ra béc phun nhiên liệu dầu cặn sử dụng trong công nghệ nấu gang đã được sử dụng rộng rãi trong các lò nấu kim loại và các lò nung gạch. Sau đó xưởng Bùi Văn Ngọ chuyển sang sản xuất các mặt hàng chế biến nông sản, thiết bị công nghiệp nhẹ, máy nghiền bột giấy,… Từ năm 1986, khi nền kinh tế đổi mới theo cơ chế thị trường, xưởng Bùi Văn Ngọ quyết định hướng trọng tâm sang chuyên sản xuất các thiết bị xay xát gạo. Vừa sản xuất, vừa mở rộng quy mô, các sản phẩm của công ty được biết đến nhiều hơn không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở cả nước ngoài như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Sau những chuyến đi nghiên cứu ở thị trường các nước châu Á, công ty có nhận thức mới về đặc tính kỹ thuật của thiết bị, bố trí hệ thống thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ xay xát. Đây là động lực thúc đẩy tư duy để thiết kế những thiết bị mới cho phù hợp với mặt bằng công nghệ về xay xát của thế giới.
Năm 1998, Cty Bùi Văn Ngọ cho ra đời loại máy xát trắng gạo mới và được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế về buồng xát dùng cho máy xát trắng gạo. Từ điểm son này, công ty ứng dụng tạo ra các dòng sản phẩm mới được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, đóng góp lớn vào doanh thu của công ty.
Bên cạnh đó, Cty Bùi Văn Ngọ cũng rất “chịu khó” đầu tư đổi mới công nghệ. Ông Bùi Phong Lưu, Giám đốc Cty Bùi Văn Ngọ cho biết, thời gian qua, những thiết bị gia công kim loại luôn được đầu tư mới, hiện đại hơn như máy đột lỗ CNC, máy cắt kim loại dùng tia plasma, tia laser. Vì thế, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sắt thép tăng từ 80% lên 95 – 97%; tỷ lệ các chi tiết máy không đạt chuẩn từ 5% xuống còn 1%; năng suất lao động tăng nhanh, chất lượng chi tiết máy và thiết bị đạt chuẩn quốc tế. Nghiên cứu sâu về công nghệ xay xát lúa gạo, công ty đã sản xuất ra các dòng sản phẩm máy xay xát thích hợp với vùng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ góp phần quan trọng trong việc thay thế thiết bị xay xát ngoại nhập, sản phẩm của công ty còn xuất khẩu đến 26 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, công ty đang sản xuất các thiết bị sấy tồn trữ và xay xát lúa gạo đồng bộ theo công nghệ tiên tiến. Các thiết bị này giúp giảm thiệt hại sau thu hoạch. Công ty cũng đã sản xuất được hệ thống thiết bị đồng bộ từ sấy – xay xát – tách màu – đóng gói cho ngành lúa gạo ngang bằng công nghệ xay xát thế giới. Ông Bùi Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật cho biết thêm, tất cả các sản phẩm của công ty đều do kỹ sư người Việt của công ty thiết kế, chế tạo. Có được thành công hôm nay là nhờ công ty luôn chú trọng các hoạt động đổi mới sáng tạo và đầu tư cho KH&CN. Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ được công ty phát động rộng rãi từ những người công nhân lao động.
Công ty TNHH Môi trường Nano: thành công từ ĐMST
ThS Nguyễn Văn Diện cùng máy Ozone công nghiệp nano
Xuất phát điểm là một công ty tư nhân có quy mô nhỏ, khó khăn thách thức nhiều hơn thuận lợi, Công ty TNHH Môi trường Nano vẫn mạnh dạn đặt cho mình mục tiêu tạo thương hiệu, mở rộng thị trường, tăng doanh thu, tạo nhiều việc làm, góp phần giải quyết xử lý môi trường tại Việt Nam hiện nay. Để đạt mục tiêu này, quyết tâm thôi chưa đủ, công ty đã chọn con đường ĐMST.
Hơn 5 năm trầy trật nghiên cứu, ThS. Nguyễn Văn Diện (Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Nano) và các cộng sự đã thành công trong việc áp dụng công nghệ nano để chế tạo máy ozone công nghiệp phục vụ xử lý môi trường. Trong quá trình tìm kiếm các giải pháp hoàn thiện sản phẩm, công ty đã tiếp cận được với Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) và được IPP hỗ trợ “cải tạo và nâng cấp máy ozone công nghiệp”. Kết quả, Công ty Nano cùng với các chuyên gia của Đại học Quốc gia TP.HCM đã hoàn thành nghiên cứu cải tiến và nâng cấp toàn diện máy ozone công nghiệp. Sản phẩm máy ozone công nghiệp được cải tiến “made in Vietnam” có những ưu điểm như: mẫu mã nhỏ gọn, điều khiển tự động, tiết kiệm điện, hoạt động ổn định và quan trọng hơn, máy đã xử lý được mùi, màu và diệt khuẩn trong nước thải, nước sinh hoạt, nước tinh khiết, xử lý mùi nơi công cộng và các nhà máy.
Từ thành công của máy ozone công nghiệp, Công ty Nano tiếp tục ứng dụng thành công công nghệ ozone vào sản xuất modul xử lý nước thải đô thị. Modul xử lý nước thải đô thị có ưu điểm là nhỏ gọn, không chiếm nhiều diện tích, không phải đào bới xây dựng bể chứa, dễ dàng di chuyển khi cần thiết, không gây tiếng ồn và phát mùi khi hoạt động. Sản phẩm này có thể ứng dụng trong xử lý nước thải bệnh viện.
ThS. Diện cho biết, hiện tại, sản phẩm của công ty đã được đưa vào ứng dụng tại hơn 20 công trình xử lý nước thải công nghiệp và hơn 30 phòng khám, bệnh viện ở các tỉnh, thành phía Nam. Các sản phẩm đạt chất lượng tương đương máy nhập ngoại từ châu Âu nhưng giá thành chỉ bằng 1/3. Vì vậy, các sản phẩm của công ty hiện đang được nhiều khách hàng quan tâm và đặt hàng, nhất là modul xử lý nước thải đô thị. Có được thành công này là nhờ Công ty Nano đã chọn đúng hướng đi và mạnh dạn, kiên trì với con đường ĐMST.
ĐMST thực sự đã tạo nên “cú hích” đáng kể đối với kế hoạch phát triển của công ty. Sau khi ĐMST, công ty đã đạt doanh thu tăng gấp đôi, cụ thể từ 2010 – 2012 chỉ đạt bình quân 60 tỷ/năm, nhưng năm 2013 sau khi ĐMST đã đạt khoảng 120 tỷ. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ bảo hành, sửa chữa rất chu đáo, kịp thời vì các kỹ sư của công ty đã làm chủ hoàn toàn được công nghệ. Thời gian tới công ty tiếp tục hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước để nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới; tăng cường ứng dụng sản phẩm sẵn có vào thị trường trong nước và hợp tác với các DN nước ngoài để đưa sản phẩm “made in Vietnam” xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á.
Trong bối cảnh hiện nay, ĐMST là việc cần phải làm đối với tất cả các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. DN cần mạnh dạn mở rộng hợp tác với các nhà nghiên cứu của các trường đại học và các tổ chức để phát triển sản phẩm; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; đào tạo đội ngũ nhân viên; hoàn thiện hồ sơ pháp lý (đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng, kiểm định chất lượng…) và quảng bá sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh cải tiến hoàn thiện sản phẩm, ĐMST cần toàn diện từ đổi mới tư duy đến đổi mới phương pháp quản lý, sản xuất, kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý thị trường, quản lý khách hàng. ĐMST trong DN đòi hỏi nhiều điều kiện, trong đó điều kiện về tài chính và năng lực của đội ngũ chuyên gia tư vấn là cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, cần có sự quan tâm và tạo điều kiện đồng bộ từ các cấp, ngành và đặc biệt là sự nỗ lực học hỏi, rút kinh nghiệm của bản thân mỗi DN.
Theo Stinfo số 6/2014