Đổi mới công nghệ: Hỗ trợ không đủ, DN thờ ơ
Nhiều địa phương đều có nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, nguồn vốn vay từ các quỹ này không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Năm 2007, TP.HCM giao Sở KH-CN TP.HCM 50 tỷ đồng để thành lập Quỹ Phát triển KH-CN TP.HCM. Sau bốn năm đi vào hoạt động, mới chỉ có bảy doanh nghiệp nhận được vốn vay từ Quỹ nói trên với tổng số tiền 30 tỷ đồng. So với hơn 140 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở TP.HCM thì đây quả là con số vô cùng ít ỏi!
Vốn ưu đãi không dễ vay
Giữa năm 2008, Công ty cổ phần Cơ khí và đúc kim loại Sài Gòn đã được Quỹ Phát triển KH-CN TP.HCM rót vốn vay bốn tỷ đồng cho dự án đầu tư dây chuyền công nghệ đúc mẫu chảy. Đây là công nghệ dùng để đúc các chi tiết cơ khí phức tạp với độ chính xác cao, công suất 600 tấn/năm. Là đơn vị đầu tiên được vay nguồn quỹ này, ông Lê Việt, Giám đốc công ty cho biết: thủ tục vay không quá khó, không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh tính khả thi của dự án cho hội đồng xét duyệt.
Nhưng không phải đơn vị nào cũng được may mắn như thế… Ông Lê Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Đô Thành, đơn vị đăng ký vay đầu tư vào dây chuyền sản xuất nắp nhựa chịu gas và không gas theo công nghệ dập nén, cho biết khi thẩm định dự án, thành viên thẩm định về khoa học – công nghệ ủng hộ, nhưng thành viên thẩm định về tài chính lại ít quan tâm đến hiệu quả của công nghệ, mà chỉ quan tâm đến việc thu hồi vốn.
Hiệu quả của Quỹ phát triển KH-CN đã được các doanh nghiệp chứng minh qua thực tiễn. Ông Kỳ Thiết Bảo, Giám đốc Công ty Thiết Bảo chia sẻ: đầu năm 2011, tiếp cận được nguồn vốn vay từ quỹ, công ty đã đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng cho sản phẩm do mình nghiên cứu. Sau hơn một năm mở rộng sản xuất, Thiết Bảo đã có hơn 30 dòng sản phẩm máy quấn dây với doanh thu đạt từ 5 – 6 tỷ đồng.
Theo bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, chuyên viên Phòng Quản lý công nghệ TP.HCM: Quỹ Phát triển KH-CN TP.HCM cho vay ưu đãi nhằm kích thích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Số tiền Quỹ cho vay bằng 70% tổng vốn đầu tư cho dự án, nhưng không quá 10 tỷ đồng. Lãi suất vay chỉ bằng 50% so với lãi suất ngân hàng. Thời hạn vay bốn năm và được gia hạn thêm hai năm. Vì cho vay không thế chấp nên Quỹ đưa ra nhiều điều kiện buộc doanh nghiệp phải đáp ứng, chứng minh được hiệu quả đầu tư, khả năng thu hồi vốn, chứng minh tài chính ba năm liền tăng trưởng tốt, chứng minh năng lực sản phẩm bằng hợp đồng… Một dự án vay thường phải mất sáu tháng trở lên để chỉnh sửa thủ tục, thẩm định, xét duyệt.
Hỗ trợ không đủ, doanh nghiệp thờ ơ
Tháng 8.2011, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định số 35/2011/QĐ-UBND về triển khai Chương trình KH-CN hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2011 – 2015.
Theo đó, doanh nghiệp đăng ký vay vốn dùng vào việc đổi mới công nghệ, thiết bị và sản phẩm, tiết kiệm năng lượng sẽ nhận mức hỗ trợ từ 100 – 300 triệu đồng; áp dụng sản xuất sạch, xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhận mức hỗ trợ từ 100 – 300 triệu đồng; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo các tiêu chuẩn quốc tế, 30 – 100 triệu đồng; ứng dụng công nghệ thông tin với mức hỗ trợ từ 20 – 100 triệu đồng; phát triển tài sản trí tuệ với mức hỗ trợ từ 8 – 30 triệu đồng… Tuy nhiên, đến hết tháng 3.2012, vẫn chưa có doanh nghiệp nào gửi hồ sơ đăng ký xin hỗ trợ.
Trước đó, từ năm 2001, Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã có chương trình KH-CN hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tổng kết chương trình này, số doanh nghiệp tham gia để nhận sự hỗ trợ còn khá khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân là sự hỗ trợ chưa hấp dẫn doanh nghiệp khi vốn vay chỉ dừng lại ở mức 30% kinh phí của dự án đăng ký vay và không quá 100 triệu đồng.
Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai cũng có chương trình tương tự, với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 2011 – 2015. Doanh nghiệp có thể tham gia nhiều đề án khác nhau từ áp dụng công cụ quản lý tiên tiến, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng website, đến nghiên cứu sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ, tiết kiệm năng lượng… với số tiền dao động từ 1,5 – 350 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng thuộc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai chia sẻ, nguồn vốn trên không thấm tháp gì so với các doanh nghiệp lớn, nhưng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự hỗ trợ nói trên là rất cần thiết. Dù vậy, nó mới chỉ mang tính chất nguồn vốn “mồi” ban đầu nhằm mục đích kích thích cho doanh nghiệp đổi mới.
Thái Ngọc
Theo khoahoc.baodatviet.vn