Thu hút đầu tư – Chú trọng dự án có công nghệ sạch

Ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất là việc làm cấp thiết, tuy nhiên, sản phẩm đầu ra của công nghệ ấy như thế nào cũng phải được quan tâm, nghĩa là nói đến công nghệ sạch của một dự án nào đó thì không chỉ có việc trang thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường (đất, nước, không khí) mà sản phẩm làm ra của dự án đó, nhà máy, xí nghiệp đó cũng phải đảm bảo sạch, an toàn cho người sử dụng và tiêu dùng.

Sản xuất kính tại Nhà máy Kính nổi Tràng An, KCN Khánh Phú (Yên Khánh). Ảnh: Phạm Trường
Sản xuất kính tại Nhà máy Kính nổi Tràng An, KCN Khánh Phú (Yên Khánh). Ảnh: Phạm Trường

 Phát triển công nghệ sạch là một chiến lược đúng đắn, tuy nhiên, hiện nay, rào cản lớn nhất để phát triển công nghệ sạch chính là ý thức của doanh nghiệp. Hiện nay vì nhiều lý do, phần lớn các doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ chưa sạch trong sản xuất vì họ cho rằng như thế thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, nếu xét cho đến cùng, chi phí xã hội phải trả cho việc làm sạch môi trường và chi phí chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng bởi môi trường không đảm bảo đó còn lớn hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư công nghệ sạch.

Nhằm tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư vào tỉnh, theo định hướng lựa chọn công nghệ sạch, công nghệ cao, phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch là vấn đề được Ninh Bình quan tâm đặc biệt.
Tại cuộc họp báo giới thiệu về chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Bình vừa được tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Đinh Quốc Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Chiến lược thu hút đầu tư của Ninh Bình đang được thực hiện theo nguyên tắc vừa phát triển công nghiệp, vừa phát triển du lịch. “Chúng tôi đang có đề xuất thay đổi quy hoạch phát triển một số ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn nhằm giảm thiểu tác động bất lợi tới mục tiêu phát triển du lịch.
Theo đó, các vùng quy hoạch phát triển du lịch sẽ không tiếp nhận dự án công nghiệp. Các khu vực còn lại sẽ dành cho các dự án phát triển tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp trên nguyên tắc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch”.
Trong danh sách các dự án kêu gọi đầu tư được đưa ra trong Hội nghị xúc tiến đầu tư Ninh Bình năm 2012, tỷ lệ các dự án công nghiệp, đặc biệt là hạ tầng công nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản và các dự án trong ngành công nghiệp phụ trợ chiếm tỷ lệ cao.
Có thể kể tới Dự án Nhà máy bia cao cấp; Dự án Nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng (tại Khu công nghiệp Phúc Sơn); Dự án Nhà máy sản xuất, chế biến sữa tại Khu công nghiệp Tam Điệp; Dự án Nhà máy nhiệt điện tại Khu công nghiệp Khánh Cư, Dự án Nhà máy công nghiệp phụ trợ tại Khu công nghiệp Tam Điệp; Khu an dưỡng du lịch sinh thái Kênh Gà; Nhà máy sản xuất gạch không nung; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống; Xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển Kim Sơn; Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao phục vụ nông nghiệp; Vùng chuyên canh hoa; Công viên động vật hoang dã; Nhà máy chế biến, bảo quản sau thu hoạch; Trung tâm đào tạo công nhân kỹ thuật nông nghiệp…
Trong số các địa điểm dành cho phát triển công nghiệp, ngoài 3 khu công nghiệp đang hoạt động, Ninh Bình sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào Khu công nghiệp Phúc Sơn (145 ha), Khu công nghiệp Khánh Cư (170 ha), Khu công nghiệp Xích Thổ (300 ha) và Khu Công nghiệp Sơn Hà (300 ha). Các khu công nghiệp này đều nằm trong danh sách 7 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy của 3 khu công nghiệp đang hoạt động là 70%. Riêng Khu công nghiệp Tam Điệp đã lấp đầy 100% và đang trong kế hoạch mở rộng.
Chiến lược thu hút đầu tư, định hướng kêu gọi đầu tư của tỉnh cũng đang đi theo hướng tìm kiếm công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến hiện đại, nhằm phát triển kinh tế – xã hội cân bằng và bền vững không chỉ cho trước mắt mà cả mai sau.
ninhbinh

Việt Nam & Đan Mạch hợp tác vì môi trường, tăng trưởng xanh…

Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh

Ngày 29 tháng 10 năm 2012 tại Quyết định số 1792/QĐ-BTNMT, Bộ tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định thành lập Ban điều phối thực hiện Đề án “Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh”.

Quyết định thành lập Ban điều phối bao gồm Ông Nguyễn Minh Quang – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng ban; Ông Trần Hồng Hà – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng ban thường trực; Phó trưởng ban là một thứ trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một thứ trưởng của Bộ Công Thương; Ủy viên là lãnh đạo cấp Vụ trực thuộc các Bộ như Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ…

Ban điều phối có chức năng giúp Thủ tường Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, điều phối các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án. Về quyền hạn và nhiệm vụ giúp điều phối, giám sát việc thực hiện Tuyên bố chung giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Đan Mạch về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh, giám sát các hoạt động đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên Việt Nam tại Đan Mạch. Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình, đề án, dự án trong khuôn khổ của Đề án. Tổ chức đàm phán, thảo luận với các tổ chức quốc tế và các tổ chức khác về viecj triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án trong khuôn khổ Đề án “hợp tác chiến lược Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng và tăng trưởng xanh”.

Ban điều phối làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiêm cá nhân đối với lĩnh vực được giao. Được phép sử dụng con dấu của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện nhiệm vụ của Đề án.

 sotainguyenmt.angiang

Sóc Trăng: Lợi ích lớn từ ứng dụng công nghệ sạch

Ứng dụng công nghệ sạch nhằm giảm khí thải và nguy cơ hiệu ứng nhà kính… đang được Sóc Trăng tích cực triển khai song song với biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)…

CôngThương – Kể từ năm 2014, ba nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, 2, 3 sẽ trở thành nguồn phát thải khí nhà kính lớn tại Sóc Trăng. Bên cạnh đó, tuy Sóc Trăng không có nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn nhưng ngành chế biến thủy sản, thực phẩm, đồ uống… cũng tạo ra lượng khí thải đáng kể.

Thực hiện sản xuất theo quy trình mới giúp các doanh nghiệp bia tiết kiệm được 6 tỷ đồng/năm, chưa kể đến giảm chi phí xử lý môi trường.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng cua BĐKH tới phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai chương trình ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn góp phần giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ các ngành sản xuất công nghiệp. Trong đó, tập trung vào 2 ngành chính là chế biến thủy sản và sản xuất đồ uống.

Đối với các nhà máy chế biến thủy sản, tỉnh đã triển khai nhiều quy trình sản xuất mới nhằm làm giảm mạnh lượng phát thải. Cụ thể, cải tiến công đoạn rửa khay, thay thế các khay trước đây bằng xô chứa lớn nhằm tiết kiệm đáng kể lượng nước rửa tới 25%; rửa bằng vòi phun cao áp có thể giảm đáng kể lượng nước tiêu thụ rửa thông thường sử dụng vòi không áp và thau dội nước…

Ngoài ra, quy trình mới giảm lượng chất tẩy rửa sử dụng (Chlorine, xà bông), qua đó giảm vốn đầu tư, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xưlý nước thải… Về tiết kiệm năng lượng. quy trình sản xuất mới thay thế tangpho từ bằng tangpho điện tử, thay đèn huỳnh quang T10 bằng T8…

Các doanh nghiệp còn thực hiện nhiều cải tiến khác như thay đổi bao bì, sử dụng loại giấy đóng gói thay cho việc sử dụng bao nilon, có thể tái chế, dễ phân hủy ngoài môi trường hơn bao nilon…

Quá trình sản xuất bia tác động mạnh đến môi trường như lượng nước thải rất lớn chứa nhiều chất hữu cơ, pH cao, nhiệt độ cao… Vì vậy, trong chương trình “Ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất nhằm giảm lượng khí thải ra, giảm nguy cơ hiệu ứng nhà kính” tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra hàng loạt biện pháp giúp ngành sản xuất bia sản xuất sạch hơn từ công đoạn nấu đến lên men, chế biến như: Lựa chọn thiết bị nghiền và lọc; thu hồi dịch nha loãng; thu hồi bia tổn thất theo nấm men; giảm tiêu hao bột trợ lọc; giảm thiểu lượng bia dư; dùng công nghệ lên men nồng độ cao, giảm mức tiêu hao năng lượng; ứng dụng công nghệ mới (bao gồm cả sử dụng enzyme) để rút ngắn thời gian sản suất, tăng hiệu suất.

Ngoài ra, sử dụng các hóa chất diệt khuẩn thân thiện môi trường để khử trùng thiết bị thay vì dùng hơi nóng; kết hợp cung cấp nhiệt và phát điện (CHP)… Theo tính toán, với công suất phổ biến hiện nay là 20 triệu lít/năm, việc thực hiện sản xuất theo quy trình này có thể mang lại hiệu quả 6 tỷ đồng/năm, chưa kể đến việc giảm chi phí xử lý môi trường…

Theo đánh giá của UBND tỉnh Sóc Trăng, sau khi thực hiện các biện pháp ứng dụng công nghệ sạch, khối lượng nguyên liệu, nhiên liệu, điện, nước tiêu thụ đều giảm. Bên cạnh đó, hơi độc, nước thải, chất thải rắn đều giảm do cải tiến, đổi mới thiết bị, tối ưu kỹ thuật… Chính vì vậy, mức ô nhiễm trong quá trình sản xuất cũng giảm đáng kể.

 baomoi.com

Công nghệ mới trong việc xử lý nước thải bệnh viện

 

Viện Công nghệ Môi trường, Viện KHCNVN là một đơn vị có gần 10 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý nước thải bệnh viện. Các nhà khoa học của Viện đã phát triển và hoàn thiện một công nghệ xử lý nước thải bệnh viện mới có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện Việt Nam, khắc phục được hầu hết các nhược điểm của các công nghệ nêu trên. Đó là công nghệ xử lý bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt cải tiến cấp khí tự nhiên. Lọc sinh học nhỏ giọt là loại bể lọc sinh học với vật liệu tiếp xúc không ngập nước. Nước thải được chia thành các màng nhỏ chảy qua vật liệu đệm sinh học và nhờ sự có mặt của các vi sinh vật phân hủy hiếu khí trên lớp màng vật liệu mà các chất hữu cơ trong nước thải được loại bỏ.

Nước thải bệnh viện là một nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vì có hàm lượng hữu cơ, các chất dinh dưỡng cao và đặc biệt có chứa nhiều vi khuẩn, virut gây bệnh. Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã nghiên cứu, phát triển nhiều công nghệ xử lý nước thải bệnh viện như bể sinh học tiếp xúc hiếu khí, công nghệ bùn hoạt tính trong các bể aeroten truyền thống, SBR-xử lý hiếu khí theo mẻ, lọc sinh học ngập nước, công nghệ AAO, công nghệ màng sinh học MBR… Tuy nhiên, các công nghệ này đòi hỏi chi phí đầu tư cao, vận hành gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống xử lý nước thải y tế của Viện Công nghệ Môi trường có chi phí đầu tư và vận hành, diện tích mặt bằng xây dựng thấp hơn hẳn các phương pháp sinh học thông thường. Mặt khác, quy trình vận hành nó rất đơn giản, các thao tác được thực hiện dễ dàng và hoàn toàn tự động bởi hệ thống điều khiển. Công nghệ lọc sinh học nhỏ giọt dựa trên các công đoạn xử lý sinh học diễn ra trong tháp dạng kín có thông khí tự nhiên nên không phải sục khí bằng máy bơm khí như những công nghệ khác. Do đó, lọc sinh học nhỏ giọt vẫn duy trì được sự sinh trưởng và phát triển của vi sinh vật cả khi mất điện hoặc nguồn điện không ổn định, trong khi các công nghệ lọc khác (như lọc sinh học ngập nước, lọc sinh học trong thiết bị hợp khối, thiết bị sinh học theo mẻ và bùn hoạt tính tuần hoàn) đòi hỏi phải cung cấp không khí thường xuyên bằng các máy thổi khí (tiêu tốn điện năng lớn, gây tiếng ồn và có thể còn phát tán vi khuẩn gây bệnh ra môi trường xung quanh).

Ưu điểm nổi bật nữa của công nghệ xử lý nước thải y tế của Viện Công nghệ môi trường là toàn bộ hệ thống thiết bị và vật liệu được sản xuất hoặc có sẵn ở trong nước nên việc bảo trì các bộ phận, bổ sung hoặc thay thế một phần vật liệu đệm sinh học sau 10-15 năm hoạt động được thực hiện dễ dàng với chi phí rất thấp.

Nước thải sau khi được xử lý bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt cũng sẽ được loại bỏ tách bùn ở bể lắng Lamell. Bùn thải được xử lý ở bể phân hủy yếm khí. Kết thúc quá trình xử lý là khâu khử trùng. Viện Công nghệ môi trường cũng phát triển và sản xuất chất khử trùng natri hypoclorit từ nước muối bằng phương pháp điện hóa. Đây là phương pháp áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới, thân thiện với môi trường, chi phí rẻ, không sử dụng hóa chất làm nguồn nguyên liệu đầu vào.

Áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, Viện Công nghệ môi trường đã chuyển giao công nghệ, thi công, lắp đặt hàng chục dây chuyền công nghệ này tại nhiều bệnh viện, các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như chế biến sữa, sản xuất rượu bia… và đã thu được kết quả rất tốt như Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang (công suất Q = 330 m3/ngày đêm), Bệnh viện Lao Thái Nguyên (Q = 160 m3/ngày đêm), Bệnh viện C Thái Nguyên (Q = 360 m3/ngày đêm), Bệnh viện A Thái Nguyên (Q = 360 m3/ngày đêm), Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ Thái Bình (Q = 130 m3/ngày đêm), Bệnh viện tâm thần kinh Hưng Yên (Q = 150 m3/ngày đêm), Nhà máy sữa Mộc Châu (Q = 250 m3/ngày đêm), Trụ sở Công an Tỉnh Quảng Bình (Q = 50 m3/ngày đêm), Công ty cổ phần sữa Hà Nội, Hanoi Milk (Q = 300 m3/ngày đêm)…

Hệ thống xử lý nước thải do Viện Công nghệ môi trường chế tạo và lắp đặt tại các bệnh viện C Thái Nguyên và Tâm thần kinh Hưng Yên

anh 2
Hệ thống xử lý nước thải bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang và Gang thép Thái Nguyên

Và gần đây nhất là ngày 17/7/2012, hệ thống xử lý nước thải với công nghệ lọc sinh học cải tiến của Viện Công nghệ Môi trường cho Bệnh viện Quân dân y Tỉnh Đồng Tháp đã được khánh thành đưa vào sử dụng. Hệ thống có công suất 130 m3/ngày đêm, chất lượng xử lý đạt QCVN 28:2010, mức A. Đây là kết quả hợp tác Khoa học và phát triển công nghệ giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và UBND Tỉnh Đồng Tháp.


Lễ bàn giao Hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Quân dân y tỉnh Đồng Tháp 130 m3/ngày đêm

Có thể nói, xử lý nước thải bệnh viện bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt là phương pháp hiệu quả, rất phù hợp với điều kiện Việt Nam, giúp giải bài toán môi trường và kinh tế cho các bệnh viện ở nước ta hiện nay.

Theo vast.ac.vn

Mô hình ứng dụng và hệ thống sản xuất Rau thuỷ canh

 

Hệ thống trồng rau thủy canh là một giải pháp sản xuất rau sạch “thông minh” (được thiết kế theo hệ Modul) trồng rau bằng nước được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng (do không dùng đất nên không bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng, chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật và các vi sinh vật gây bệnh có trong đất). Ngoài ra, sản phẩm được thiết kế rất linh động với nhiều ưu điểm, có thể áp dụng nuôi trồng và sản xuất rau sạch bằng phương pháp thủy canh cho nhiều mô hình và không gian cũng như các quy mô từ hộ gia đình cho đến trang trại sản xuất lớn.

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì việc thiếu đất canh tác đang là một vấn đề được đặt ra cho nhiều ngành cũng như các cơ quan chức năng. Đi kèm với nó, cuộc sống của người dân nơi đô thị hiện đang phải đối mặt với nhiều thực trạng, trong đó có vấn đề về sử dụng rau sạch cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Do vậy, việc sản xuất rau quả an toàn và chất lượng cao bằng công nghệ thủy canh đã được thế giới công nhận và rất phù hợp cho Việt Nam (là một nước đông dân và có tới 70% dân số làm nông nghiệp). Sản phẩm có tên gọi “Hệ thống sản xuất rau sạch thủy canh” ra đời không chỉ đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về rau sạch hiện nay cho người tiêu dùng, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng mà còn cải thiện môi trường sống xung quanh, cụ thể như giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng diện tích cây xanh, giảm hàm lượng khí thải CO2, tăng sinh dưỡng khí O2, nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp…

Về tình hình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thuỷ canh

Điểm qua việc nghiên cứu trồng rau thủy canh, chúng ta thấy, từ năm 1966 đến nay đã có trên 500 sáng chế về kỹ thuật trồng cây thủy canh. Nhật Bản là nước vượt lên dẫn đầu với khoảng 260 sáng chế, chiếm 47%. Theo sau đó là Hàn Quốc với 103 sáng chế chiếm 19%, Mỹ với 46 sáng chế chiếm 9%…

Tình hình nghiên cứu công nghệ Thủy canh trên thế giới
(Tính theo số lượng bằng sáng chế từ năm 1966 đến nay)

Tại Việt Nam, năm 1997 Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ trồng cây thủy canh “Việt hóa” cho phù hợp với điều kiện của nước ta.

Trung tâm Đào tạo, Tư vấn và Chuyển giao công nghệ, Viện KHCNVN phối hợp với Công ty Sài Gòn Thủy canh đã có những nghiên cứu hoàn thiện và ứng dụng công nghệ này vào thị trường trong một vài năm gần đây. Tại các kỳ hội chợ Techmart ở Hải Phòng, TP.HCM, cũng như Techmart Hà nội 2012 những thành công bước đầu của cây Cà chua, Dưa leo, Xà lách… trồng theo công nghệ Thủy canh hoàn toàn “xanh, sạch” đã được giới thiệu và nhận được sự chào đón, chấp nhận của nhiều người dân trong cả nước.

Hệ thống trồng rau thủy canh tham gia Techmart 2012

Mô hình trồng rau thủy canh thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan

Về thành phần dinh dưỡng

Thành phần dinh dưỡng của dung dịch thủy canh được sử dụng cho sản phẩm bao gồm các nguyên tố đa lượng (như N, P, K, Ca, Mg) và vi lượng (Fe, Zn, Cu, B, Mn, Mo) với thành phần phù hợp với các quy trình hiện nay trên thế giới, trong đó hoàn toàn không có bất kỳ chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ bệnh hay thuốc trừ sâu nào.

Về chăm sóc và thu hoạch

Hệ thống sản xuất rau sạch thủy canh bao gồm các ống trồng cây chuyên dụng và các ống nối được kết nối trong hệ thống; với điều kiện đảm bảo sao cho dung dịch dinh dưỡng từ khi vào sẽ chảy dọc theo suốt chiều dài của mô đun cơ bản đầu tiên và chảy qua toàn bộ các mô đun cơ bản còn lại trong hệ thống để đến từng cây trong hệ thống trước khi hồi lưu trở lại về thùng chứa. Hệ thống đóng mở tự động (Timer) được nối giữa máy bơm và hệ thống dẫn nước, có tác dụng điều chỉnh thời gian và số lần bơm nước trong ngày. Hiện tại việc trồng rau thủy canh được thực hiện trên hai hệ thống dàn treo và dàn đứng phù hợp với địa hình của từng hộ gia đình.

Về thời gian thu hoạch, cây thường được thu hoạch sau khi trồng từ 4-5 tuần tuổi tùy thuộc vào từng loại rau. Thời điểm thu hoạch vào buổi sáng (trước 9:00) hoặc buổi chiều (sau 16:00) để tránh cây khỏi bị héo khi thu hoạch. Hai phương pháp thu hoạch là thu hoạch liên tục (cắt tỉa lá trong quá trình cây phát triển) và thu hoạch nguyên giỏ (cắt ngang gốc).

Về những lợi ích của việc trồng rau thuỷ canh tại nhà

  • Đáp ứng nhu cầu cấp bách về rau sạch hiện nay của toàn xã hội;
  • Tiết kiệm đất canh tác (ngay cả khi không có đất trồng) nên có thể áp dụng cho mọi không gian có nắng chiếu trực tiếp. Và mọi người có thể trồng rau sạch tại nhà do tiết kiệm được không gian và thời gian chăm sóc. Vì vậy, sản phẩm đặc biệt thích hợp với các căn hộ ở những khu đô thị, thành phố lớn. Một giàn hoặc một tháp rau 10 ống (diện tích 2,0m x 0,5m x 2,1m) sẽ cho lượng rau tương đương trồng trên 10m2 đất;
  • Góp phần cải thiện môi trường, cung cấp ôxy, làm giảm hiệu ứng nhà kính và tạo ra không gian xanh trong không gian tổng thể của ngôi nhà. Giàn hoặc Tháp rau có tác dụng như một lá chắn nhiệt, hơi nước tỏa ra từ những lá rau lúc nắng nóng sẽ có tác dụng làm mát ngôi nhà. Ngoài ra, người sử dụng có thể thưởng thức hoa tươi khi thay vào “vườn rau” bằng những cây hoa;
  • Nâng cao ý thức về sự thân thiện với môi trường sống và bổ sung sự hiểu biết về sinh học nông nghiệp cho các em ở độ tuổi học sinh bằng những trực quan sinh động về sự sinh trưởng và phát triển của thực vật;
  • Tạo cho người trồng một cảm giác thư giãn khi chăm sóc và ngắm nhìn những những Giàn hoặc Tháp rau xanh mơn mởn. Đồng thời khi sử dụng rau trực tiếp từ “vườn” (không qua bảo quản) bạn sẽ cảm nhận được “nghệ thuật ẩm thực” qua sự “ngon miệng”.

Hệ thống dàn treo

Một số loại giống rau

Theo www.vast.ac.vn

Kiểm soát ô nhiễm môi trường: Nhìn ra thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Kiểm soát ô nhiễm môi trường: Nhìn ra thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Công nghệ sạch, thân thiện môi trường xu hướng trong phát triển kinh tế xanh.

Xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường đang được thế giới quan tâm. Theo đó, các giải pháp mới về công nghệ sạch, thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu trong các chiến lược phát triển kinh tế xanh.

 Từ Nhật Bản và Hàn Quốc

Tại Nhật Bản, giai đoạn 1950-1960, sự phát triển quá nhanh của các ngành công nghiệp dẫn đến môi trường sống bị suy thoái, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế – xã hội và sức khỏe con người. Để khắc phục, Nhật Bản đã phải cải thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, nhằm giải quyết 3 vấn đề: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm chi phí kiểm soát ô nhiễm (KSON) và chi phí sức khỏe cộng đồng; giảm giá thành sản xuất và giảm chi phí năng lượng. Đây chính là tư duy mới về quản lý sản xuất “không chỉ lo xử lý chất thải ở công đoạn cuối mà phải tính toán ngay từ đầu để sản xuất hợp lý, phát thải ít nhất”.

Theo đó, Nhật Bản đã ban hành những quy định pháp luật chặt chẽ, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải, KSON nước, không khí và giám sát ô nhiễm. Trong đó, đặc biệt coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức nỗ lực ngăn chặn, KSON môi trường. Cùng với Luật KSON về môi trường được ban hành vào năm 1967, 1971, Nhật Bản đã được thành lập Bộ Môi trường với chức năng quy hoạch, điều phối và thúc đẩy các chính sách và kế hoạch môi trường quốc gia; phối hợp với chính quyền các địa phương thi hành các bộ luật quốc gia trong lĩnh vực KSON không khí, nước và đất, chống tiếng ồn, kiểm soát mùi và các bộ luật bảo tồn thiên nhiên… Đến nay, Nhật Bản được coi là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới có nền kinh xanh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Là đất nước có nền công nghiệp phát triển, năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố tầm nhìn phát triển quốc gia “Cacbon thấp, tăng trưởng xanh”. Hàng năm, Hàn Quốc dành 2% GDP cho các công việc liên quan đến tăng trưởng xanh (gấp đôi mức Liên hợp quốc khuyến nghị). Nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã triển khai công nghệ xanh và mang lại hiệu quả như: Nhà máy lốp Kumho, sau khi thiết lập hệ thống quản lý năng lượng trong các thiết bị điều khiển từ xa tự động, các thiết bị đun và bơm trong nhà máy lốp đã giúp tiết kiệm 6% năng lượng mỗi năm và sau 3 năm có thể hoàn vốn…

Thực tiễn tại Việt Nam

Với mục tiêu “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính”, tháng 7/2012, Chính phủ Việt Nam đã chính thức phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg. Trước đó, Chính phủ, Quốc hội cũng đã ban hành và thông qua nhiều chính sách liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020, Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường… Về cơ bản, các chính sách này đã góp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ đầu nguồn, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp và các cấp quản lý trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Theo đó, Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) – Bộ Công Thương với sự hỗ trợ kinh phí từ Danida (Đan Mạch), sau  6 năm triển khai (2005-2011), chương trình đã  thực hiện được 61 đánh giá SXSH cho các DN và 45 dự án trình diễn có hỗ trợ đầu tư tại các tỉnh mục tiêu; 11 hội thảo tại các tỉnh ngoài mục tiêu về xây dựng kế hoạch hành động SXSH… Với các dự án trình diễn đã được thực hiện, mức tiết kiệm trung bình đạt khoảng 11% nước, 12% điện, 21% than, 14% FO, 23% hóa chất, lượng phát thải giảm đáng kể.

Cùng với thành công CPI thì thành công của Dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã góp phần giảm thiểu lượng phát thải CO2 ra môi trường. Giai đoạn 2005-2011, 543 dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã được triển khai trong 5 ngành công nghiệp sản xuất gạch, gốm sứ, dệt may, giấy- bột giấy và chế biến thực phẩm và 25 tỉnh, thành phố được hỗ trợ để tham gia các hoạt động TKNL. Tổng mức năng lượng tiết kiệm được là 232.000 tấn dầu, lượng phát  thải khí nhà kính giảm được 944.000 tấn CO2, chi phí năng lượng giảm 24,3% trên giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm chi phí sản xuất từ 10-50%, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đến 30%.

Theo các chuyên gia, việc học tập kinh nghiệm, công nghệ, nhân lực, vật lực… của các tổ chức GO, NGO  sẽ giúp Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

congthuong

Kế hoạch NAMA: Vì mục tiêu giảm nhẹ phát thải nhà kính

Kế hoạch NAMA: Vì mục tiêu giảm nhẹ phát thải nhà kính

Một trong những sự hợp tác quan trọng giữa các quốc gia ASEAN+3 là “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia – NAMA”.

Tại Hội thảo xây dựng năng lực ASEAN+3 NAMA, ông Cao Quốc Hưng- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) – cho biết: Từ năm 1997 đến nay, cơ chế hợp tác kinh tế của ASEAN+3 đã có những đóng góp to lớn đối với khu vực trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Để thực hiện kế hoạch NAMA, mỗi quốc gia trong cộng đồng ASEAN+3 sẽ có những kế hoạch riêng nhằm đạt được mục đích giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng quốc gia.

Tại các nước phát triển như Hàn Quốc, NAMA đã bắt đầu được triển khai từ năm 2007 với hình thức tập trung vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hầu khắp các ngành như: Công nghiệp, giao thông, xây dựng, công cộng… với mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm khoảng 30% phát thải khí nhà kính.

Bà Nguyễn Thị Hiền Thuận – Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường – chia sẻ: Để hỗ trợ Việt Nam thực hiện giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu (BĐKH) trong lĩnh vực môi trường, đã có 3 dự án NAMA được triển khai là: Chương trình thí điểm hỗ trợ nhân rộng các hoạt động giảm nhẹ trong lĩnh vực xi măng; Dự án hợp tác nghiên cứu và tăng cường năng lực giữa Việt Nam và Nhật Bản cho NAMA trong lĩnh vực chất thải theo hướng MRV; Dự án biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho việc xây dựng đề xuất NAMA. “Để thực hiện thành công các dự án này, cần có sự hỗ trợ quốc tế, đặc biệt trong các vấn đề: Tăng cường năng lực cho các chuyên gia trong nước; kiểm kê khí nhà kính chi tiết và đầy đủ; xây dựng kịch bản tham khảo và kịch bản NAMA cho một số lĩnh vực…” – bà Thuận nhấn mạnh.

Được biết, ngành Công Thương đã triển khai kế hoạch NAMA từ năm 2011 thông qua Chương trình Tiết kiệm năng lượng, trong đó chú trọng việc thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng và đẩy mạnh hoạt động của các công ty dịch vụ năng lượng – ESCO. Theo đó, ở giai đoạn 1: Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ghi nhận kết quả tiết kiệm 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giai đoạn II của chương trình với mục tiêu giảm mức tiêu thụ năng lượng từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc.

Ông Nguyễn Văn Long – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) –  đánh giá: Cho dù đây vẫn còn là khái niệm tương đối mới nhưng để thực hiện Chương trình BĐKH, Việt Nam đã ban hành nhiều khung chính sách khác nhau với những chương trình hành động cụ thể, bước đầu đem lại hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cho dù rất đơn giản nhưng hiện nay nhiều công trình tòa nhà ở nước ta vẫn ít sử dụng các biện pháp tiết kiệm nănglượng để hạn chế sự bức xạ nhiệt như: Màn cửa, hành lang, ban công, sử dụng mái kim loại không có hoặc không đủ cách nhiệt… Ông Nguyễn Kinh Luân, chuyên gia về năng lượng của Bộ Công Thương khuyến cáo: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nâng cao ý thức của người sử dụng để sử dụng năng lượng tại các tòa nhà hợp lý. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong hệ thống chiếu sáng.

congthuong.vn

Xây dựng một thế hệ trẻ sống xanh

“Sống Xanh” là lối sống văn minh, hiện đại xuất phát từ phương Tây. Từ nhỏ, trẻ em phương Tây đã được giáo dục lối sống xanh vì môi trường, đồng thời phát triển nhân cách để trở thành công dân văn minh lịch sự.

Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý, trẻ em sớm hình thành lối “Sống Xanh” quan tâm đến môi trường sẽ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Đây là tác động tích cực của “Sống Xanh’ lên tâm lý và nhân cách của trẻ em.

Gần đây, “Sống Xanh” đã du nhập vào Việt Nam và đang dần trở thành xu hướng sống hiện đại, văn minh lịch sự. Nhiều gia đình trẻ nhận thấy “Sống Xanh” là một phần tất yếu của giáo dục dành cho con cái, bên cạnh học chính khóa, ngoại ngữ, thể thao và nghệ thuật. Chị Phan Ngọc Thanh, 29 tuổi, nói chị cảm thấy những đứa trẻ thể hiện lối “Sống Xanh” như: không xả rác, tiết kiệm điện nước, tự giác chăm sóc cây xanh và tái sử dụng đồ cũ là những đứa trẻ xuất phát từ nền văn hóa, giáo dục phương Tây; nên chị cũng mong muốn con mình cũng sẽ trở nên như vậy.

Dạy lối “Sống Xanh” cho trẻ như thế nào? 

Cô Nguyễn Thanh Cúc, giáo viên một trường tiểu học Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết, để hình thành thói quen sống xanh cho trẻ không khó và cần bắt đầu ngay độ tuổi tiểu học. Đây chính là giai đoạn trẻ dễ học hỏi và tiếp thu. Ở trường , thay vì dạy bé bằng những bài học lý thuyết khô khan, trừu tượng và khó hiểu, giáo viên có thể sử dụng những phương pháp trực quan sinh động giúp trẻ vừa học vừa chơi. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh có thể vui chơi với trẻ bằng những câu chuyện và trò chơi về “Sống Xanh”.

Nắm bắt được xu hướng giáo dục lối “Sống Xanh” dành cho trẻ của bậc phụ huynh. Nhãn hàng OMO phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện năm “Sống Xanh” đầu tiên tại 70 trường tiểu học thuộc địa bàn TP.HCM. Đây là một chương trình giáo dục trực quan sinh động, phù hợp với lứa tuổi các em. Cụ thể, các em sẽ được tìm hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường thông qua cuộc phiêu lưu vui nhộn và bổ ích,đóng vai Hiệp Sĩ Xanh giải cứu thế giới khỏi rác thải; qua việc dùng “cỗ máy kỳ diệu” (mô hình của quy trình tái chế) biến những chai nhựa bỏ đi thành vật hữu ích; hay sáng tạo ra các loại đồ chơi mới từ những chai nhựa, giấy báo cũ…

Say mê sáng tạo đồ chơi mới từ những chai nhựa cũ.

Theo đánh giá của cô Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM, chương trình này sẽ mở ra một sân chơi đầy ý nghĩa, nâng tầm những hoạt động xanh tại các trường tiểu học, tạo nên những chuyển biến tích cực trong ý thức bảo vệ môi trường và hình thành lối sống văn minh lịch sự trong tương lai của các em học sinh.

tinxanh.com

Tăng trưởng bền vững giúp giảm phát thải khí nhà kính và chống suy thoái môi trường

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà ở đảo Jeju (ảnh: nytimes.com)

Nhận diện mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và môi trường

Hàn Quốc đã có một thời kỳ lâu dài đối mặt với ô nhiễm môi trường. Do nguồn tài nguyên hạn chế, lại quyết tâm hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối đa trong thời gian tối thiểu, kết quả là tiến trình công nghiệp hoá và đô thị hoá mạnh mẽ ở đã dẫn đến huỷ hoại môi trường. Những khu công nghiệp sản xuất tập trung thải ra quá mức chất gây ô nhiễm. Mật độ dân cư gia tăng làm phát sinh nhiều vấn đề môi trường, nhất là ô nhiễm rác thải. Quá trình độ thị hóa thu hẹp đáng kể đất nông nghiệp và vành đai xanh. Bên cạnh đó là nạn phá rừng. Các trang trại ở nông thôn sử dụng tràn lan phân bón và thuốc trừ sâu, đã phá huỷ hệ sinh thái, đặc biệt là suy thoái đất và ô nhiễm nguồn nước.

Khoảng những năm 1990, các nhà sản xuất sử dụng những phương tiện lạc hậu (do không đủ khả năng tài chính hoặc không muốn đổi mới hệ thống máy móc, trang thiết bị sản xuất). Đây là một trong những thủ phạm chính làm cho vấn đề môi trường trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhiều sự cố về môi trường xảy ra, được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, khiến mọi người dân nhận thức được mức độ gay gắt, nghiêm trọng của việc chúng ta đang hủy hoại môi trường sống của chính mình.

Bảo vệ môi trường trở thành vấn đề sống còn. Quan niệm và cách nhìn truyền thống từ thực tế “tăng trưởng kinh tế thường dẫn đến suy thoái, ô nhiễm môi trường” cần phải được thay đổi. Hàn Quốc xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh theo đuổi các mục tiêu: “Tăng trưởng kinh tế bền vững về môi trường”, “Tăng trưởng kinh tế cùng với sự quan tâm đến các khía cạnh môi trường”, “Tách biệt hoàn toàn khái niệm tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường”, “Thông qua các công nghệ xanh và năng lượng sạch, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm”.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 năm 2008, Tổng thống Lee Myung-bak đã tuyên bố “Hàn Quốc sẽ là một nước đi tiên phong trong việc giải quyết biến đổi khí hậu và công bố kế hoạch giảm khí thải nhà kính vào năm 2020″.

Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh của Hàn Quốc

Lộ trình thực hiện Tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc được đánh dấu bởi tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc tháng 8 năm 2008: “Các bon thấp, tăng trưởng xanh” là mẫu hình quốc gia mới cho tăng trưởng. Ngay sau đó Hàn Quốc xem xét việc sáp nhập Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu với Ủy ban về năng lượng quốc gia và thành lập Hội đồng Tổng thống về phát triển bền vững. Ủy ban gồm 34 thành viên được Tổng thống đề cử và 14 ủy viên được cử theo luật; chịu trách nhiệm về theo 3 tiểu ban: Tiểu ban về tăng trưởng xanh và công nghiệp, Tiểu ban về biến đổi khí hậu và năng lượng, Tiểu ban về phát triển bền vững và đời sống xanh. Giúp việc cho Ủy ban có Ban thư ký hỗn hợp gồm các chuyên viên cao cấp, các chuyên gia các nhóm điều phối và hoạch định chính sách về tăng trưởng xanh… Ủy ban này đã họp, thảo ra luật khung về carbon thấp, Tăng trưởng xanh, các chiến lược quốc gia về truyền thông và thông tin xanh được công bố.

Đến tháng 7/2009, Kế hoạch quốc gia 5 năm về tăng trưởng xanh được hoàn thiện. Quốc hội nước này thông qua mục tiêu Giảm thiểu khí thải nhà kính. Cuối năm 2009, Hàn Quốc ban hành Luật khung về các-bon thấp, Tăng trưởng xanh.

Năm 2011, Hàn Quốc ra ban hành Hướng dẫn về hệ thống quản lý mục tiêu năng lượng, khí nhà kính; đưa vào hoạt động cổng thông tin về tài chính xanh và thành lập Ủy ban đặc biệt về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh. Sang năm 2012, Hội đồng về cuộc sống xanh được thành lập và hoạt động. Mới đây, Hàn Quốc công bố Nghị định của Tổng thống về Kế hoạch buôn bán hạn ngạch carbon phát thải.

Hàn Quốc đã ban hành kế hoạch tổng thể được hỗ trợ bởi cam kết mạnh mẽ của Chính phủ để hiện thực tăng trưởng xanh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được đặt ra cho giai đoạn 2009-2050; và cụ thể hóa theo kế hoạch 5 năm của quốc gia, kế hoạch hành động của các bộ, ngành, chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Mỗi năm Hàn Quốc dành 2% GDP cho lĩnh vực tăng trưởng xanh (gấp đôi mức khuyến nghị của Liên hiệp quốc).

Hàn Quốc đưa ra mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng là 3,78% (năm 2013) và 6,08% (năm 2020) so với 2,7% (năm 2009); giảm phát thải khí nhà kính xuống còn 30% vào trước năm 2020.

Kế hoạch này gồm có 3 mục tiêu và 10 định hướng chính sách. Mục tiêu thứ nhất là giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thúc đẩy tự chủ về năng lượng, bao gồm các chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường tính độc lập về năng lượng, cải thiện năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu thứ hai là tạo ra động lực tăng trưởng mới cho tăng trưởng kinh tế bằng các định hướng phát triển công nghệ xanh (xanh hóa các ngành công nghệ hiện tại và phát triển các ngành công nghiệp xanh đang lớn mạnh), hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp. Mục tiêu thứ ba là cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao vị thế quốc tế của Hàn Quốc, bao gồm việc mở rộng không gian sinh thái (trồng rừng, phục hồi các dòng sông) và khuyến khích giao thông sạch, vận tải công công, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về tăng trưởng xanh trong cuộc sống hàng ngày; và trở thành mô hình mẫu mực cho cộng đồng quốc tế như một quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng xanh.Với những chính sách cụ thể và sự tuyên truyền tích cực, Hàn Quốc đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân vào chiến lược tăng trưởng xanh. Nhiều dự án môi trường xanh đã được triển khai nhân rộng. Số lượng gia đình tham gia vào hệ thống giảm thiểu khí thải carbon đạt 2 triệu vào tháng 2/2011.  Với sự hỗ trợ của Chính phủ, số lượng dự án của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp xanh được hiện thực hóa đã tăng hơn 40% kể từ năm 2009.

Hồi đầu tháng 11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã ký biên bản thoả thuận thực hiện dự án Hỗ trợ thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Theo đó, KOICA sẽ hỗ trợ Việt Nam 2 triệu USD để thực hiện dự án trong khoảng thời gian 2 năm (2013-2014). Các kinh nghiệm quý báu từ Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam đưa ra các lộ trình cụ thể nhằm hiện thực hoá các mục tiêu đã đề ra của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt ngày 15/9/2012.

“… Tôi muốn hướng “Các bon thấp, Tăng trưởng xanh” như là trọng tâm của tầm nhìn mới của Hàn Quốc. Tăng trưởng xanh là tăng trưởng bền vững mà giúp giảm phát thải khí nhà kính và phòng ngừa suy thoái môi trường. Điều này cũng là thể chế phát triển quốc gia mới có thể tạo ra động lực tăng trưởng mới và tạo việc làm thông qua công nghệ xanh và năng lượng sạch. 

Công nghệ xanh kết hợp giữa công nghệ truyền thông và thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ na-nô và công nghệ nuôi cấy mô cũng như các công nghệ tiên tiến nằm giữa các công nghệ riêng biệt nhằm tạo ra ảnh hưởng hội tụ.

Công nghệ xanh sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm và trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Tăng trưởng xanh sẽ mang đến một kỳ tích khác về bán đảo Triều Tiên để tiếp nối “Kỳ tích sông Hàn”… ”

(Trích phát biểu của Tổng thống Lee Myung-bak tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 60 quốc khánh Hà

Tinxanh.com

Xử lý triệt để ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy

KTĐT – Với sự nỗ lực của 5 địa phương thuộc lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy là Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình, tính đến nay trên toàn lưu vực đã có 35/43 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ được chứng nhận hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến nhận xét, việc xử lý các cơ sở thuộc diện theo Quyết định 64 của các địa phương lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy có nhiều cố gắng và tiến bộ, đặc biệt là thành phố Hà Nội và tỉnh Ninh Bình.

Còn ở Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định vẫn chưa hoàn thành xử lý được các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo tiến trình, do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thiếu kinh phí đầu tư cho việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, di dời.

Tuy vậy, trong số 8 cơ sở chưa hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm nghiêm trọng theo quy định, đã có 4 đơn vị hoàn thành xây dựng công trình xử lý môi trường, hiện đang chờ thẩm định cấp phép việc hoàn thành xử lý triệt để; 4 đơn vị còn lại đều đang triển khai kế hoạch xử lý, dự kiến có 1 cơ sở nằm trên địa bàn Hà Nội sẽ hoàn thành xử lý vào cuối tháng 12 này. Nhờ đó đến nay chất lượng nước các sông thuộc lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy có xu hướng cải thiện hơn so với năm 2009.

Lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy.
Ngoài tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trên lưu vực sông, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đã thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước ở đây với tần suất 5 lần/năm.

Đồng thời xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu, quy chế quản lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu môi trường sông Nhuệ-sông Đáy trên cổng thông tin điện tử và hệ thống thông tin giám sát môi trường lưu vực sông Nhuệ, thông qua mạng Internet với tên miền: http://Ivsnhue.cem.gov.vn . Hệ thống này cho phép cảnh báo trực tuyến các thông số vượt ngưỡng từ kết quả quan trắc tự động và đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời.

Ngoài số liệu quan trắc môi trường của Trung ương, các địa phương trên lưu vực sông cũng đã xây dựng và tiến hành quan trắc môi trường riêng. Cụ thể như thành phố Hà Nội tiến hành quan trắc 22 điểm trên sông Nhuệ và 14 điểm trên sông Đáy. Qua đó thông báo kịp thời cho nhân dân biết để hạn chế thiệt hại khi ô nhiễm môi trường xảy ra.

 ktdt.com.vn