Công ty thân thiện với môi trường

Trong cơn mưa xuân lất phất của xứ Huế chúng tôi tìm đến khu công nghiệp Tứ Hạ- Hương Trà (TT- Huế). Ngồi trên xe, anh Nguyễn Lương Bảy- Giám đốc Trung tâm Khuyến công với mái đầu hói, luôn hóm hỉnh nói: Hôm nay chúng ta sẽ đến thăm nhà máy “ba sạch” các nhà báo sẽ ngạc nhiên đấy!

Công ty thân thiện với môi trường 

CôngThương – Nghe anh nói, chúng tôi cảm thấy háo hức hơn. Xe chạy lòng vòng quanh khu công nghiệp, vượt qua nhiều nhà máy, xí nghiệp và dừng lại trước một “Khu du lịch” rộng lớn có tường rào bao bọc, bên trong từng tòa nhà lúp xúp ẩn hiện trong màu xanh của cây cảnh. Và chúng tôi đã ngạc nhiên thực sự khi nhìn thấy tấm biển “Nhà máy giấy Hipp Phụng Phát” chứ không phải là địa chỉ… du lịch.

Tiếp chúng tôi tại văn phòng là bà Giám đốc Hoàng Thị Yến rất xinh xắn trong chiếc áo dài lụa tơ tằm. Bên chén trà ướp hương sen chúng tôi đã nghe chị kể về Công ty Phụng Phát một cách lý thú. Khởi đầu chị chỉ là một đại lý chuyên cung cấp các sản phẩm giấy cho một số cửa hàng bán lẽ, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Do vai trò của nhà cung ứng chị được một số nhà máy mời đến thăm nơi sản xuất. Từ sự quan sát tinh tế của mình chị phát hiện ra rằng làm được một sản phẩm giấy sạch, thậm chí siêu sạch, đảm bảo vệ sinh quả là… khó còn nếu muốn thu lợi nhuận cao, bất chấp người tiêu dùng, dùng giấy tận dụng thì dễ như trở bàn tay. Với vốn kiến thức sẵn có và được sự hỗ trợ của người chồng chị quyết định chia tay vai trò nhà cung ứng sau 18 năm gắn bó để trở thành nhà sản xuất.

Chị Yến cho biết, ngoài việc quen bạn hàng, thị trường, chị còn đánh giá nhu cầu về sản phẩm giấy vệ sinh và khăn giấy của người tiêu dùng rất lớn. Đây là một trong những nhóm sản phẩm mới có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, chất lượng , giá cả, vệ sinh môi trường của nhóm sản phẩm này có nhiều vấn đề. Vì vậy đầu tư sản xuất giấy vệ sinh và khăn giấy các loại với chất lượng cao, thân thiện môi trường làm chị rất quan tâm. Đầu tiên, chị tìm đến các nhà máy giấy có thương hiệu ở trong nước, chưa đủ, chị đi ra nước ngoài đến Đài Loan, Trung Quốc, Thái lan…“tầm sư học đạo” và kết quả bây giờ là Nhà máy giấy Phụng Phát ra đời với số vốn đầu tư ban đầu gần 30 tỷ đồng…

Điểm khác biệt của Phụng Phát so với nhiều cơ sở khác là được sản xuất trên dây chuyền công nghệ thiết bị hiện đại, sản phẩm chất lượng cao, siêu sạch…. Ngoài ra, công ty còn quan tâm thiết kế, đầu tư, lắp đặt các thiết bị điện và tổ chức sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Cũng là sản phẩm giấy nhưng trong bàn tay của người phụ nữ tài hoa, những sản phẩm giấy của chị Yến lại có nhiều điểm khác biệt. Không những chăm chút về kiểu dáng, bao bì, chị còn luôn tìm cách đưa sản phẩm của mình với nhiều mới lạ có mùi thơm dịu, sản phẩm lau không có những hạt mịn óng ánh của bột xà cừ ốc biển đọng lại trong lòng bàn tay không đảm bảo vệ sinh như một số sản phẩm giấy khác. Để hướng đến một thị trường rộng lớn hơn, vừa mới ra đời, ngoài xây dựng hệ thống đại lý trong nước, chị còn đăng ký kiểu dáng, nhãn hiệu, mã vạch… để đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị và xuất khẩu; đồng thời hướng đến việc đăng ký và quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000, FDA…

Với bước đi đó, chỉ hơn một năm đưa vào hoạt động, với sự cần mẫn nghiên cứu, sáng tạo của người phụ nữ tài hoa, Công ty Phụng Phát đã đưa ra thị trường gần 30 sản phẩm giấy các loại với nhiều dòng sản phẩm, nhiều loại kích cỡ… Có một điều tưởng như vô lý là sản phẩm của Phụng Phát được sản xuất với “tiêu chuẩn siêu sạch”, nhưng giá bán lại thấp hơn 15% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Chị Yến lý giải, khách hàng chính là người đánh giá đúng nhất về chất lượng và giá cả sản phẩm; đồng thời chính là người quyết định sự sống còn của sản phẩm. Tuy nhiên, trước hết họ phải có cơ hội được dùng sản phẩm mới có lựa chọn và quyết định đúng. Tặng 15% giá sản phẩm là cách quảng bá, khuyến mại trực tiếp của công ty với khách hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên để làm được điều đó không phải dễ, buộc công ty đề ra hàng loạt giải pháp tiết kiệm trong sản xuất. Như khâu nhập nguyên liệu, ban đầu công ty nhập giấy khổ rộng 1,76m sau khi nghiên cứu, chỉ nhập giấy khổ rộng 1,74m mà vẫn đảm bảo quy cách giấy cuộn nhỏ khi cắt ra và tiết giảm được 2cm giấy rẻo thừa hai đầu. Ngay cả khâu làm lõi giấy cũng được doanh nghiệp tính toán lại để tiết kiệm và tiện dụng. Từ mua lõi giấy làm sẵn công ty quyết định nhập máy móc thiết bị tự sản xuất lõi luôn, vừa tiết kiệm tiền vận chuyển, chi phí mà cùng một lúc, công nhân có thể vận hành được 2 đến 3 máy. Với việc tính toán lại và hợp lý hoá trong tất cả các khâu sản xuất, Nhà máy Giấy HIPP đã tiết kiệm được trên 200 triệu đồng/tháng. Khoản này được bù vào sản xuất để giữ giá sản phẩm trong khi giá nhiều mặt hàng cùng loại của 1 số nhãn hàng khác đã tăng từ 10 đến 20%, nhờ vậy, giấy siêu sạch HIPP vẫn tiêu thụ tốt.

Với chiến lược kinh doanh khôn ngoan trên hành trình chinh phục người tiêu dùng của mình nên sản phẩm của Phụng Phát lần lượt đi vào nhiều nhà hàng, khách sạn lớn của cả nước. Giấy Phụng Phát ra bắc vào nam trải rộng khắp miền Trung – Tây Nguyên vươn đến các thị trường Đông Nam Á như Lào, Camphuchia, Thái Lan; xa hơn đến Hàn Quốc, Cu Ba, thị trường các nước Trung Mỹ.. và chuẩn bị qua nhiều nước châu Âu, Đông Á khác… trong năm 2012 này. Chính nhờ vậy, từ doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/tháng năm 2010, sang năm 2011 dù thị trường có khó khăn hơn nhưng Giấy Hipp Phụng Phát lại… phát to khi doanh thu xấp xỉ trên 50 tỉ đồng.

Bên cạnh việc sản xuất, người phụ nữ Huế  còn chăm chút cho nhà máy mình như chăm chút một vườn hoa cây cảnh. Thật không ngoa khi nói như ông Nguyễn Lương Bảy- Đây là khu du lịch nghỉ dưỡng chứ có phải nhà máy giấy mô!. Chị Yến cho biết, tất cả các công trình kiến trúc, trang trí nội thất là xuất phát từ ý tưởng của chị, chỉ riêng cây cảnh ở khu đất trước văn phòng chị đã đầu tư không dưới 1 tỉ đồng. Với chị, nhà ăn, nhà nghỉ, khu làm việc… nếu hòa lẫn vào thiên nhiên sẽ làm cho người công nhân bớt mệt mỏi hơn, yêu đời, dễ chịu hơn nếu so với một môi trường làm việc khô nóng, thiếu bóng mát. Chưa hết, chị còn biến những khu đất trống của nhà máy thành nơi cung cấp thức ăn hàng ngày cho công nhân với hàng trăm cây chuối đủ loại, chè Thái Nguyên, vườn sả, các loại rau cải củ, thậm chí cau trầu cũng không thiếu. Chị cho biết, từ những sản phẩm này ngoài phục vụ cho các bữa ăn của công nhân còn đóng góp thêm vào quỹ công đoàn mỗi tháng chí ít cũng hơn chục triệu đồng để bồi dưỡng, hỗ trợ thêm cho công nhân khi ốm đau, hoạn nạn…

Sản phẩm giấy Hipp của Công ty Phụng Phát vừa được UBND tỉnh TT- Huế chọn là sản phẩm nông thôn tiêu biểu năm 2011 và được Sở Công thương trao giải về chất lượng, mẫu mã, sản phẩm mới trong Hội thi các sản phẩm làng nghề do tỉnh TT- Huế tổ chức năm 2011 và là sản phẩm được chọn để chuẩn bị cho Hội thi quốc gia năm 2012 sắp đến.

Thành tích của Phụng Phát thì nhiều như với người bạn đồng nghiệp cùng đi: Đây là công ty 3 đẹp: sản phẩm đẹp, môi trường đẹp và… bà giám đốc đẹp; còn với tôi ấn tượng nhất đây vẫn là “Công ty ba sạch”, thân thiện với môi trường.  Và tôi hi vọng rằng ấn tượng này sẽ còn được giữ mãi như phương châm “ Hipp – cùng nhau phát triển ” của công ty và con chim “Phụng” sẽ luôn bay lên…, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, thị trường mới và mãi là người bạn thân thiện của môi trường.

Tinmoi