Biến đổi khí hậu khiến toàn cầu mất 1/3 GDP vào 2025
Nghiên cứu của Maplecroft đã đánh giá mức độ chịu tác động và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của 193 quốc gia trên thế giới. Theo đó, Bangladesh đứng dầu danh sách các nước chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu song năng lực ứng phó còn yếu kém. Tiếp theo là các nước ở châu Phi và châu Á.
Ấn Độ và Trung Quốc cũng nằm trong danh sách 67 quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu với vị trí thứ 20 và 61.
Trong khi đó, Mỹ và phần lớn các quốc gia khu vực châu Âu nằm trong nhóm có nguy cơ trung bình và thấp, do các nước này có nguồn tài chính dồi dào hơn đầu tư vào lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu trên cũng được tiến hành đối với 50 thành phố trên thế giới. Kết quả, năm thành phố sẽ phải hứng chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu lần lượt là Dhaka của Bangladesh, Mumbai và Kolkota ở Ấn Độ, Manila của Philippines và Bangkok của Thái Lan, với tổng GDP dự đoán tăng từ 275 tỷ USD lên 804 tỷ USD vào năm 2025.
Nghiên cứu cho thấy các thành phố có khả năng tăng trưởng kinh tế nhanh nhất lại nằm trong số dễ bị tổn thương nhất. Chỉ có hai thành phố là Paris (Pháp) và London (Anh) nằm trong nhóm có nguy cơ thấp.
Hiện hơn 4,5 tỷ người, chiếm khoảng 64% dân số toàn cầu, đang sống tại các khu vực có nguy cơ cao chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhưng con số này có thể vượt qua mức 5 tỷ người vào năm 2025. Các khu vực sẽ chịu tác động lớn nhất là Đông và Nam Á, khu vực cận Sahara-châu Phi.
Liên hợp quốc đã đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong phạm vi 2 độ C so với mức ở giai đoạn tiền công nghiệp nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Biện pháp chủ yếu là thông qua việc giảm phát thải lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính do sử dụng các loại năng lượng có nguồn gốc hóa thạch và hoạt động giao thông vận tải tạo ra.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Maplecroft đánh giá mục tiêu này “ngày càng khó có khả năng đạt được,” do lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính không ngừng tăng lên.
Điều này có thể dẫn tới những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng như sự tuyệt chủng của các loài động thực vật, thiếu nước ngọt, mất mùa, mất đất sản xuất do nước biển dâng và dịch bệnh.
Nghiên cứu của Maplecroft cũng kêu gọi những cam kết lâu dài từ chính phủ các quốc gia đối với các nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu./.