Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp – Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp

Trong quá trình hội nhập, sự nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua các họat động chuyển giao công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Một trong những hình thức chuyển giao công nghệ hiệu quả nhất đó chính là việc kí kết các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp bao gồm 2 dạng đó là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp và chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Trong đó chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác còn chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Có thể nói việc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, hay nói một cách khác là cấp li-xăng quyền sở hữu công nghiệp là một trong những phương pháp hữu hiệu để chủ sở hữu quyền khai thác quyền này của mình cũng như để bên nhận phát triển công việc kinh doanh của mình dựa trên những lợi thế của quyền sở hữu công nghiệp được li-xăng.

Nói đến việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa chuyển giao đối tượng sở hữu công nghiệp với chuyển nhượng quyền thương mại, về cơ bản, 2 hoạt động này có những điểm tương đồng với nhau, đó là có chung phạm vi về đối tượng chủ yếu  là quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp.  Thế nhưng, điểm khác nhau đầu tiên là, nếu như hoạt động chuyển giao quyền sử dụng hay nói cách khác là li xăng chỉ dừng lại ở việc chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp thì ở nhượng quyền thương mại, quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ là một phần của việc chuyển giao, bên cạnh đó còn là sự chuyển giao về cách thức, bí quyết tiến hành kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh… Như vậy, phạm vi đối tượng của nhượng quyền thương mại là rộng hơn rất nhiều so với hoạt động li-xăng. Nếu như trong hoạt động li-xăng, cái mà các bên nhận li-xăng hướng tới là nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích nhằm xác định hình thức, nội dung sản phẩm, thì trong hoạt động nhượng quyền thương mại, mục tiêu mà các bên hướng tới là nắm giữ và vận hành một hệ thống kinh doanh, trong đó nhãn hiệu hàng hoá, cũng như các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp chỉ là một bộ phận.

Thực tế tại Việt Nam, số lượng đối tượng sở hữu công nghiệp được thực hiện chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp có chiều hướng gia tăng trong một vài năm gần đây. Đối với tỉnh Lào Cai, cũng đã bắt đầu xuất hiện 1 số các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, Công ty TNHH Nông dược bản H’Mông Sa Pa – một doanh nghiệp đang kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực chính là chế biến các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên tại Sa Pa  là một trong những doanh nghiệp đó.

Bên cạnh chuyển giao quyền về nhãn hiệu như Công ty TNHH Nông dược bản H’Mông Sa Pa thì việc đầu tư vào các dây chuyền, máy móc thiết bị hiện đại  cũng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Với các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại không chỉ giúp tăng năng suất lao động mà chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao, tăng thêm tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, có một điểm mà các doanh nghiệp cần lưu ý tới đó là để việc chuyển giao quyền các đối tượng sở hữu công nghiệp được thực hiện một cách hợp pháp thì cần phải đăng ký hợp đồng chuyển giao các đối tượng đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo quy định của Luật thì cần lưu ý một số những hạn chế khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như sau:

1. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.

2. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.

3. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

4. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

5. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

Thực tế đã có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp phải chịu những hậu quả không đáng có khi thực hiện chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp mà chưa ký kết hợp đồng chuyển giao.

Như vậy, việc chọn hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp hay chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp có lẽ hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích cũng như nhu cầu của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên mỗi hình thức sẽ đều mang đến cho doanh nghiêp những lợi ích nhất định. Hy vọng rằng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp hơn nữa thành công trong kinh doanh thông qua hình thức chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp./.

Cao Thị Hương – Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành

Theo laocai.gov.vn