Doanh nghiệp cơ khí trước cơ hội đổi mới công nghệ
Sáng ngày 03/08, Cục thông tin KH&CN Quốc gia đã tổ chức thành công buổi hội thảo “Phổ biến thông tin công nghệ, thiết bị mới và cách thức tiếp cận các quỹ hỗ trợ trong và ngoài nước” với sự tham dự của đại diện các đơn vị: Cục TT KHCN, , Viện Cơ khí thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Quỹ phát triển KHCN Quốc gia, Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) và JICA Nhật Bản cùng hơn 20 doanh nghiệp trong ngành cơ khí.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Bà Lê Thị Khánh Vân – Phó Cục Trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư đổi mới công nghệ để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cơ khí trong bối cảnh ngành chế tạo cơ khí trong nước còn nhiều nhược điểm. Thống kê của Viện nghiên cứu cơ khí Việt Nam cho thấy, hiện nay trong các doanh nghiệp cơ khí sử dụng trên 70% máy công cụ vạn năng, tính đồng bộ thấp, sản phẩm cơ khí chủ yếu là hàng gia công, đi cùng theo đó là nguồn nhân lực còn hạn chế, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước còn khó tiếp cận đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Bà Lê Thị Khánh Vân cũng đề cao thành công của Viện Cơ khí thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trong nỗ lực chế tạo thành công máy công cụ CNC “Made in Vietnam”.
Tại hội thảo, PGS. TS. Hoàng Vĩnh Sinh, Trưởng bộ môn GCVL&DCCN(Viện Cơ khí/ĐHBKHN) giới thiệu đến các doanh nghiệp những thành công bước đầu trong việc nghiên cứu và chế tạo máy công cụ điều khiển số (Computerized Numerically Controlled – CNC) đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam có chi phí cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Thành công này tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí thay thế máy công cụ vạn năng – vốn cho sản phẩm không đồng đều, độ chính xác không cao, năng suất thấp – bằng máy CNC để tối đa hóa nguồn lực sản xuất.
Tuy đã có giải pháp về công nghệ, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai đầu tư như thiếu năng lực tài chính và khó tiếp cận nguồn vốn do không đủ khả năng thế chấp, … Chính vì lý do này, Hội thảo đã giới thiệu đến các doanh nghiệp hai cơ chế hỗ trợ tài chính với các tiêu chí và đối tượng hỗ trợ khác nhau – là cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn trong quá trình nghiên cứu cũng như đổi mới công nghệ.
Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh – Tiếp sức cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Bà Nguyễn Lê Hằng – Điều phối viên chương trình GCTF cho biết mục tiêu hoạt động của GCTF là thúc đẩy đầu tư trung và dài hạn cho công nghệ sạch hơn nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và đóng góp cho sự phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam. Với các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ, Quỹ sẽ hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư công nghệ sạch hơn với mức bảo lãnh tối đa 50% tổng giá trị khoản vay (tối đa 500.000 đô la/dự án) và trả thưởng tối đa 25% tổng giá trị khoản vay (tối đa 200.000 đô la/dự án).
Điều này có nghĩa là, với doanh nghiệp đủ điều kiện được Quỹ hỗ trợ, khi cần vay ngân hàng 1 tỉ đồng để thực hiện dự án thì Quỹ sẽ bảo lãnh 50% tổng giá trị vay tương đương với 500 triệu đồng. Sau khi công nghệ mới đã được lắp đặt và vận hành ổn định, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được Quỹ trả thưởng tối đa 25% tổng giá trị khoản vay. Một ví dụ thực tiễn là một doanh nghiệp ngành nhựa ở Việt Nam đã thay đổi 2 máy ép thuỷ lực bằng 2 máy ép sử dụng động cơ riêng cho từng bộ phận giúp giảm tiêu hao điện năng cho 1 kg sản phẩm nhựa đạt trên 50%. Doanh nghiệp này đã được hỗ trợ bảo lãnh vay vốn tín dụng và nhận được mức trả thưởng 25%.
Mức trả thưởng sẽ dựa vào tỉ lệ cải thiện môi trường khi áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất. Tỉ lệ cải thiện môi trường đạt trên 30%, mức trả thường sẽ là 15%. Tỉ lệ trên 50%, mức trả thưởng sẽ là 25%. Ngân sách của GCTF là 5 triệu đô la do SECO (Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ) cấp, trong đó, 3 triệu đô la dành để trả thưởng và 2 triệu đô la dùng cho bảo lãnh.
Các đối tượng chính nhận được hỗ trợ của dự án là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ (nhà hàng/dịch vụ ăn uống, khách sạn/trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, khu vui chơi – giải trí, tòa nhà văn phòng, cơ sở giặt là/nhuộm) có nhu cầu vay vốn để đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng sạch hơn. Quy mô của các khoản vay từ 10.000 đến 1 triệu đô la Mỹ.
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED)
Bà Ngô Phương Lan – Phó giám đốc điều hành của Quỹ cho biết, NAFOSTED trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện các hoạt động: (1) tài trợ một phần (lên đến 30% tổng kinh phí thực hiện đề tài) cho cá nhân/đơn vị thực hiện đề tài nghiên cứu đổi mới công nghệ; (2) cho vay vốn với mức vay tối đa 70% tổng đầu tư của dự án nhưng không quá 10 tỷ đồng thời hạn không quá 3 năm để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ; (3) bảo lãnh vay vốn tối đa 3 tỷ đồng cho 1 dự án hoặc 4,5 tỷ đồng/doanh nghiệp để thực hiện dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tiêu biểu là dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tao, lắp ráp, hạ thủy giàn khoan 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” có mức tài trợ lên đến 112,9 tỷ đồng.
Tham gia vào hội thảo còn có JICA – Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản – giới thiệu chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức: hợp tác kỹ thuật, đào tạo nghề và kỹ năng quản lý, hỗ trợ tài chính và đặc biệt thực hiện các dự án nhằm tăng cường trách nhiệm của khu vực công trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là một điểm sáng trước tình trạng thủ tục hành chính ở Việt Nam còn rườm ra, quan liêu.
Các đại biểu tham gia hội thảo đánh giá cao các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do JICA và các Tổ chức Quỹ mang lại, tuy nhiên có nhiều ý kiến đề nghị nên đơn giản thủ tục hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và cần có các chế tài cụ thể chặt chẽ trong việc giải ngân buộc doanh nghiệp cam kết đạt hiệu quả trong việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích; xác định các tiêu chí ưu tiên cụ thể khi doanh nghiệp tham gia chương trình, mở rộng loại hình doanh nghiệp được hỗ trợ…