Quỹ tín dụng xanh(GCTF) Cầu nối giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Hiện nay các nước đang phát triển có nền công nghiệp phát triển với tốc độ rất nhanh nhưng lại thiếu đi sự quản lý chặt chẽ dẫn đến việc sử dụng hệ thống máy móc lạc hậu vừa kém hiệu quả với kinh tế, khói thải và chất độc hại đổ ra môi trường không có sự kiểm soát chặt chẽ, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống, tổn hại đến sức khỏe con người. Vậy nên cần thực hiện nghiên cứu chiến lược phát triển công nghiệp xanh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nhằm đạt 3 mục tiêu: xóa đói giảm nghèo, giảm phát thải và chủ động ứng phó với BĐKH.

Để thực hiện những mục tiêu đó chúng ta cần những nguồn đầu tư lớn hỗ trợ. Trong đó Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh-Green Credit Trust Fund (GCTF) là một trong những quỹ tín dụng lớn nhất hiện nay trên thế giới làm việc này.

GCTF được thành lập từ một sáng kiến hỗ trợ tài chính của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) dành cho các nước đang phát triển, nhằm thúc đẩy đầu tư trung và dài hạn vào công nghệ sạch hơn trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Mô hình này đã được SECO triển khai trước đó ở Colombia và Peru (thuộc nhóm quốc gia mục tiêu của chương trình hỗ trợ mà SECO dành cho các nước đang phát triển). Từ kinh nghiệm triển khai tại hai quốc gia này và qua khảo sát đặc điểm, hiện trạng hoạt động của ngành ngân hàng cũng như các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ, cuối năm 2007, SECO đã chính thức cho ra mắt Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh tại Việt Nam thông qua sự điều phối của Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC).

Theo đó, GCTF giúp các DN tiếp cận các nguồn tài chính khi không đủ khả năng ký quỹ để vay vốn thông qua việc bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ một phần vốn đầu tư để DN lắp đặt vận hành công nghệ sạch hơn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

GCTF được vận hành với sự tham gia của các ngân hàng thương mại: ACB, VIB, Techcombank; Trung tâm sản xuất sạch hơn VN (VNCPC), Trung tâm tham vấn tại Thụy Sỹ và Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ.

Quy định Bảo lãnh của Quỹ

Bảo lãnh 50% giá trị tín dụng của dự án cho những doanh nghiệp không có đủ khả năng ký quỹ. Giá trị bảo lãnh tối đa là 500.000 USD. Phần trăm tối đa của giá trị luỹ kế của khoản bảo lãnh với các cơ chế hỗ trợ khác (ví dụ Quỹ bão lãnh quốc gia) là 70%. Nếu doanh nghiệp đầu tư công nghệ đúng với mục đích đề ra thì công ty sẽ không phải trả bất kỳ chi phí nào cho khoản bảo lãnh.

Nếu doanh nghiệp đầu tư công nghệ không đúng với mục đích đề ra hoặc khoản tín dụng này được dùng để chi trả cho các nhu cầu của công ty khác với những hạng mục trong dự án thì chi phí phải trả cho khoản bảo lãnh là 3%/năm.

Nếu bên vay tiền không đủ tiêu chuẩn để nhận được khoản trả thưởng sau khi đã triển khai lắp đặt công nghệ, thì khoản bảo lãnh vẫn có giá trị cho tới hết kỳ hạn như đã xác định trong hợp đồng vay vốn ký với ngân hàng.

Hoàn trả thưởng

Quỹ Uỷ thác cung cấp khoản khuyến khích cho Dòng tín dụng xanh thông qua hình thức trả thưởng một phần khoản vay tín dụng từ ngân hàng dựa trên việc giảm tác động môi trường đạt được:
Nếu mức độ tác động môi trường giảm được thấp hơn 30%, doanh nghiệp sẽ không được trả thưởng
Nếu giảm thiểu được từ 30 đến 49%, Quỹ sẽ trả thưởng 15% tổng giá trị vay tín dụng từ ngân hàng cho doanh nghiệp
Nếu giảm được từ 50% tác động môi trường trở lên, Quỹ sẽ trả thưởng 25% tổng số giá trị vay tín dụng từ ngân hàng cho doanh nghiệp
Mức trả thưởng tối đa là 200.000 USD hoặc giá trị tiền Việt Nam tương đương cho tất cả các dự án.
Không có mức trả thưởng nằm giữa các mức nêu trên.
Trung tâm Sản xuất sạch hơnViệt Nam sẽ khuyến nghị giá trị trả thưởng dựa trên mức cắt giảm tác động môi trường, được tính toán từ những đo đạc thực tế các thông số trước và sau khi thực hiện dự án. Chi phí của các đo đạc này cũng như việc đánh giá và quan trắc dự án sẽ được gồm trong cả giá trị của khoản tín dụng. Sau khi nhận được bản đánh giá và khuyến nghị của VNCPC, Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ sẽ sắp xếp để chuyển phần trả thưởng này trực tiếp cho Ngân hàng để giảm trừ khoản vay của doanh nghiệp.

Mức trả thưởng sẽ được tính toán dựa trên mức tín dụng vay hoặc mức đầu tư (giá trị nào thấp hơn thì làm cơ sở để tính toán):
Nếu giá trị tín dụng được Ngân hàng chấp nhận cao hơn giá trị đầu tư thì giá trị đầu tư sẽ được lấy làm cơ sở tính toán mức trả thưởng.
Nếu giá trị tín dụng được Ngân hàng chấp nhận thấp hơn giá trị đầu tư thì giá trị tín dụng được vay sẽ được làm cơ sở tính toán mức trả thưởng.
Trong tất cả mọi trường hợp cơ sở tính toán mức trả thưởng sẽ không vượt quá 1 triệu USD.
Các hạng mục chi phí được bao gồm để tính toán phần trả thưởng

  • Chi phí phần cứng bao gồm lắp đặt thiết bị.
  • Vốn luân động bổ sung cần thiết để triển khai đầu tư.
  • Chi phí tư vấn thuê ngoài cho việc thực hiện đầu tư.
  • Chi phí thẩm định trả cho VNCPC bao gồm đánh giá kỹ thuật chi tiết, đánh giá môi trường và đo đạc các thông số trước và sau khi thực hiện dự án.
  • Phí cho Ngân hàng.

Thuế và phí nhập khẩu thiết bị và triển khai dự án, ngoại trừ thuế VAT.
Các hạng mục chi phí KHÔNG được bao gồm để tính toán phần trả thưởng
Chi phí lao động nội bộ doanh nghiệp và các chi phí nội bộ doanh nghiệp khác để xây dựng và triển khai dự án.
Các chi phí liên quan đến đất và sử dụng đất.
Các chi phí liên quan đến xây dựng, xây dựng lại hoặc phá huỷ nhà xưởng ngoại trừ những công việc này có mối liên quan rõ ràng và mật thiết với việc lắp đặt thiết bị mới.
Chi phí bảo trì và vận hành thiết bị.
Chi phí cho phương tiện giao thông
THÔNG TIN GẦN ĐÂY VỀ QUỸ TÍN DỤNG XANH

Mới đây, Quỹ Tín dụng xanh (Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam) đã ra mắt với sự hỗ trợ 5 triệu USD ban đầu của Thụy Sĩ nhằm khuyến khích các ngân hàng cho doanh nghiệp (DN) vay vốn đầu tư vào các dự án mang lại lợi ích về môi trường và bảo lãnh cho các DN vay vốn từ các ngân hàng

Theo đó, quỹ sẽ tài trợ một phần vốn đầu tư để DN lắp đặt công nghệ sản xuất sạch hơn, giảm đáng kể tác động đến môi trường. Cụ thể, tài trợ 15% đối với công nghệ có cải thiện môi trường hơn 30%; 25% đối với công nghệ cải thiện môi trường hơn 50%. Số tiền tài trợ tối đa là 200.000 USD. Đồng thời bảo lãnh 50% vốn vay của DN tại các ngân hàng. Các ngân hàng Techcombank, ACB, VIB tham gia quỹ có trách nhiệm đàm phán, thiết lập các điều kiện vậy với các DN; đánh giá rủi ro khoản tín dụng, quản lý vốn vay.

Được biết, Quỹ Tín dụng xanh đã xây dựng 15 tiêu chuẩn cụ thể để các DN tự đối chiếu điều kiện vay vốn, như: DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ; sản xuất từ sáu tháng trở lên ; vốn điều lệ lớn hơn năm triệu USD ; hơn 500 công nhân; DN trong nước hoặc liên doanh nhưng vốn phía Việt Nam phải chiếm hơn 51%. Quỹ chỉ hỗ trợ cho các phương thức sản xuất bền vững, thông qua đầu tư mới, thiết bị mới, dây chuyền sản xuất mới hoặc thay thế, mức tín dụng từ 10.000 USD tới một triệu USD. Đối với các dự án đa dạng hóa mới, tín dụng tối đa là 1,5 triệu USD. Các DN phải tuân thủ các yêu cầu cơ bản về trách nhiệm xã hội và tiêu chuẩn môi trường; giảm phát khí thải nhà kính. Quỹ tín dụng xanh không hỗ trợ cho các sản phẩm hoặc dịch vụ về môi trường xanh.

Đến thời điểm này, Quỹ Tín dụng xanh là quỹ thứ bảy hỗ trợ tài chính cho sản xuất sạch hơn và công nghệ sạch. Đó là Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF – 12,7 triệu USD) hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; Quỹ Quay vòng kiểm soát ô nhiễm công nghiệp tại các DN TP.HCM (2,5 triệu USD); Quỹ Giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp TP.HCM (một triệu USD); Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội (20 tỷ đồng); Quỹ bảo vệ môi trường ngành than (1% doanh thu của ngành)

Theo biendoikhihau.gov.vn