Để doanh nghiệp sản xuất xanh hơn
Phát triển bền vững bằng những công nghệ thân thiện với môi trường, đầu tư công nghệ mới, sử dụng năng lượng hợp lý… là những giải pháp quan trọng cần được hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ, để đối phó với tình trạng suy thoái môi trường đang diễn ra ngày càng phức tạp. Việc Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (Green Credit Trust Fund – GCTF) ra đời sẽ góp phần thúc đẩy các giải pháp này – bà Nguyễn Lê Hằng, điều phối viên GCTF tại Việt Nam, chia sẻ.
Bà Nguyễn Lê Hằng, điều phối viên Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) tại Việt Nam
– Xin bà cho biết Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh có mặt tại Việt Nam khi nào?
Bà Nguyễn Lê Hằng: Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) được thành lập từ một sáng kiến hỗ trợ tài chính của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) dành cho các nước đang phát triển, nhằm thúc đẩy đầu tư trung và dài hạn vào công nghệ sạch hơn trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Mô hình này đã được SECO triển khai trước đó ở Colombia và Peru (thuộc nhóm quốc gia mục tiêu của chương trình hỗ trợ mà SECO dành cho các nước đang phát triển). Từ kinh nghiệm triển khai tại hai quốc gia này và qua khảo sát đặc điểm, hiện trạng hoạt động của ngành ngân hàng cũng như các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ, cuối năm 2007, SECO đã chính thức cho ra mắt Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh tại Việt Nam thông qua sự điều phối của Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam(VNCPC).
– Liệu đây có phải là một hình thức tín dụng mới ở Việt Nam và có nhận được sự tham gia của các tổ chức tài chính trong nước?
Bà Nguyễn Lê Hằng: Cơ chế hoạt động của GCTF khá khác biệt so với các quỹ hỗ trợ về môi trường khác ở Việt Nam. Nguồn ngân sách của GCTF do SECO cung cấp (5 triệu USD) chỉ bao gồm 2 mục tiêu: hỗ trợ thế chấp thông qua bảo lãnh (2 triệu USD) và trả thưởng cho dự án hoàn thành (3 triệu USD).
Trong khi đó, điểm chung của hầu hết các quỹ khác là “có một nguồn vốn hoạt động riêng” được huy động từ nhiều nguồn khác nhau (như ngân sách nhà nước, nguồn vay tín dụng từ ngân hàng lớn, đối ứng của ban quản lý hay ban điều hành Quỹ, khoản hỗ trợ không hoàn lại từ các dự án, chương trình hợp tác phát triển do nước ngoài tài trợ, …) và do Ban quản lý quỹ điều hành.
Về cơ chế hỗ trợ tài chính, GCTF hỗ trợ bảo lãnh và trả thưởng sau khi dự án được thực hiện thành công, trong khi các quỹ khác cung cấp vốn vay với lãi suất ưu đãi. Nguồn tín dụng cấp cho các dự án GCTF là từ các dòng ngân sách dành cho tín dụng khối khách hàng doanh nghiệp của ba ngân hàng thương mại được VNCPC lựa chọn làm đối tác gồm ACB, Techcombank, và VIB.
– Xin hỏi, tại sao lại là tín dụng XANH?
Bà Nguyễn Lê Hằng: “Xanh” ở đây mang hàm ý về môi trường. Tác động môi trường mà GCTF quan tâm bao gồm: phát thải CO2 (thông qua giảm tiêu thụ nhiên liệu và điện năng), phát thải ODS, PTS, giảm sử dung nước sạch, BOD, COD, TOC, bụi ngoài trời PM10, … Tính chất “xanh” còn thể hiện ở tiêu chí lựa chọn dự án. Dự án thay đổi thiết bị hay công nghệ phải hướng tới việc giảm một chỉ thị tác động xấu đến môi trường ít nhất 30% so với hiện trạng hoặc nếu là trường hợp đầu tư một dây chuyền sản xuất mới thì công nghệ được lập dự án phải thể hiện tính ưu việt về bảo vệ môi trường so với một dự án đầu tư sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, GCTF khích lệ doanh nghiệp đầu tư để cải thiện môi trường đạt mức cao hơn so với mức cơ bản đươc pháp luật quy đinh.
Một số dự án đã được thực hiện trong khuôn khổ của Quỹ đã giúp các công ty ứng dụng công nghệ tiến tiến để giảm điện năng tiêu thụ hoặc giảm lượng nước sạch phải khai thác cho sản xuất và lượng phát thải CO2 do tận dụng được năng lượng tái tạo (sinh khối, mặt trời).
– Xin bà cho biết những đối tượng nào sẽ được Quỹ ưu tiên?
Bà Nguyễn Lê Hằng: Nhóm đối tượng mục tiêu của Quỹ, xét về quy mô, là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có vốn điều lệ dưới 5 triệu USD (trong đó vốn trong nước chiếm ít nhất 51%) và số lượng công nhân viên dưới 1.000 người. Còn với tiêu chí ngành nghề, nhóm mục tiêu bao gồm tất cả các doanh nghiệp có sản xuất công nghiệp (bao gồm cả chế biến nông sản) và một số ngành dịch vụ.
Để tiếp cận GCTF, các DN sẽ phải đệ trình kế hoạch kinh doanh và trải qua các quy trình xét duyệt như: thông qua 3 ngân hàng để vay vốn theo quy trình thực hiện của các ngân hàng này, thông qua Trung tâm sản xuất sạch (VNCPC) xem xét, đánh giá về kỹ thuật của các dự án đầu tư, xác định hiện trạng môi trường trước khi đầu tư và đánh giá mức độ cải thiện môi trường sau khi lắp đặt công nghệ sản xuất mới và thông qua SECO để ký duyệt khi có đầy đủ kết luận của VNCPC và ngân hàng.
– Cho đến thời điểm này, đã có bao nhiêu dự án được hưởng lợi từ GCTF?
Bà Nguyễn Lê Hằng: Quỹ đã nhận được khoảng 50 hồ sơ đăng ký dự án, trong số này có 30 dự án đạt được các điều kiện sàng lọc ban đầu. Từ đó có 18 dự án đã được phê duyệt kỹ thuật và hiện tại có 7 dự án đã giải ngân và 4 dự án đã được trả thưởng. Dự án có giá trị tín dụng lớn nhất là 970.000USD và được trả thưởng ở mức 15%. Ở chiều ngược lại là dự án được giải ngân 101.942USD và được trả thưởng ở mức 25%..
Đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ theo khuôn khổ GCTF nằm trong khuôn khổ tiếp cận sản xuất sạch hơn. Áp dụng cách tiếp cận này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được tài chính thông qua giảm lãng phí năng lượng và nguyên vật liệu; thu hồi, tái sử dụng được nhiều loại phế phẩm; cải thiện điều kiện làm việc và sức khỏe, giảm phát thải ra môi trường; cải thiện hình ảnh doanh nghiệp và mở ra cơ hội thị trường mới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Vì thế việc “xanh” hơn do thực hiện sản xuất sạch hơn là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng xung quanh.
– Xin chân thành cảm ơn bà!
Theo thanhnien.net