Cùng nông dân làm thuỷ điện xanh
Suốt 32 năm trời, một nông dân tại xã Đắk R’Moan (thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) đã dồn hết tiền bạc và thời gian đeo đuổi giấc mơ làm thủy điện. Ông đặt tên cho các công trình của mình là “thủy điện xanh” với mong ước sản xuất điện nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Nhà máy “Thủy điện xanh” của ông Ngô Văn Quýnh tại thôn 14, xã Đắk Wer
(huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) – Ảnh: B.D.
“Một nông dân giàu sáng tạo”
Tiến sĩ Hoàng Mạnh Lâm – giám đốc Sở Khoa học – công nghệ tỉnh Đắk Nông: “Tôi khá bất ngờ bởi ông Quýnh chỉ là một nông dân bình thường. Công trình của ông Quýnh không hẳn là quá mới, nhưng về ý tưởng và áp dụng thực tế thì rất tiềm năng, có thể sản xuất điện với công suất lớn mà ít ảnh hưởng đến môi trường. Chúng tôi cũng đã đề nghị ông Quýnh kết hợp với doanh nghiệp để sản xuất tuôcbin “xanh” này thành sản phẩm để bán ra thị trường”.
Theo ông Trần Đăng Tùng – chủ tịch UBND xã Đắk R’Moan, hiện ông Quýnh là bí thư chi bộ thôn Tân Hòa kiêm chủ tịch Mặt trận xã Đắk R’Moan, ông là một cán bộ giàu tâm huyết và cũng là một nông dân say mê nghiên cứu khoa học. “Giai đoạn những năm 2002 xã tôi chưa có điện, chẳng ai tin ông Quýnh lại làm được nhà máy để kéo điện về phục vụ UBND xã và bà con” – ông Tùng nói.
Tay trắng làm thủy điện
Nhiều người dân ở xã Đắk R’Moan thường gọi ông Ngô Văn Quýnh (thôn Tân Hòa, xã Đắk R’Moan) là “ông nông dân gàn”. “Gàn” vì mới học hết lớp 3, sống bằng nghề nông nhưng lại đổ hàng tỉ đồng xây đến ba nhà máy thủy điện không phải để kinh doanh mà là… làm khoa học.
Thật ra chuyện nông dân Ngô Văn Quýnh làm thủy điện được ấp ủ từ 32 năm trước, khi gia đình ông còn sinh sống ở huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Ông cho biết từ nhỏ vốn đã rất mê cơ khí chế tạo, nhưng do chiến tranh ông chỉ theo học được đến lớp 3. Thuở mới lập gia đình, ông luôn khao khát tự tay làm ra được một sản phẩm cơ khí có thể làm thay đổi cuộc sống. Và ý tưởng đó bắt đầu được nhen nhóm khi một lần ông bắt gặp một nhà máy thủy điện nhỏ. Vợ con nghe ông tính chuyện làm nhà máy thủy điện liền gạt đi, người ngoài thì ôm bụng cười vì chẳng tin. Vậy mà ông vẫn bắt tay vào mày mò. Ròng rã suốt 15 năm trời hết đi chỗ này đến chỗ khác, tìm kiếm sách vở, hỏi dò khắp nơi, đến năm 1995 nông dân Ngô Văn Quýnh đã hàn gắn và cho ra một khối sắt mà ông gọi là “tuôcbin thủy lực xanh”.
“Dự án” nhà máy thủy điện xanh đầu tiên được ông đưa vào sử dụng để chạy nhà máy sản xuất nước đá. Tưởng như mọi việc diễn ra suôn sẻ nhưng đến năm 2000, Nhà nước có chủ trương giải tỏa đất đai để khôi phục di tích lịch sử chiến khu D (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), ông Quýnh đành phải bỏ nhà máy. Không bỏ cuộc, ông Quýnh lại lên xã Đắk R’Moan (Đắk Nông) để tìm con suối xây tiếp… thủy điện. Năm 2001 ông trở về dẫn cả vợ con lên Đắk Nông. Thời điểm này, xã Đắk R’Moan còn heo hút và chưa có điện lưới. Ông phải mất gần cả năm trời để hàn tuôcbin, be bờ suối rồi lắp đặt các công đoạn cho nhà máy. Cuối năm 2002, nhà máy của ông Quýnh chính thức phát điện, đem ánh sáng về cho gần 150 hộ dân và phục vụ điện cho cả UBND xã.
“Dã Tràng” xây thủy điện
Nhớ lại quãng thời gian “chạy” theo thủy điện, ông Quýnh nói lẽ ra mình đã giàu nếu các nhà máy của ông không vướng vào dự án. Ông kể công trình thủy điện Đắm R’Moan đang được ông giữ lại để nghiên cứu thêm thì năm 2011, dự án thủy điện Đắk R’Tính (công suất 144MW) được triển khai, nhà máy của ông lại nằm trong lòng hồ. “Trước lúc ngăn dòng, chủ đầu tư đã xuống khảo sát và nói rằng nước sẽ không ngập tới nhà máy của tôi. Tuy nhiên đúng vào hôm tích nước, toàn bộ nhà máy đã bị nhấn chìm” – ông Quýnh nói.
Dẫn chúng tôi ra thăm “nhà máy thủy điện xanh” của mình tại thôn 14, xã Đắk Wer (huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) ông Ngô Văn Quýnh cho biết đây đã là công trình thủy điện thứ ba của mình. Nhà máy có công suất 1.500kW còn khá thô sơ với một trục tuôcbin được đặt kiên cố bên một dòng thác. Giữa dòng thác, ông Quýnh cho dựng một bờ bêtông có chiều cao khoảng 60cm để làm nước dâng lên, một phần nước được cho chạy thẳng vào tuôcbin phát điện, phần nước thừa sẽ thoát qua bờ bêtông và chảy theo dòng tự nhiên. “Nhìn đơn giản thế này nhưng tôi phải bỏ ra gần 2 tỉ bạc đấy! Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy điều tôi làm là có lợi cho môi trường. Hiện tại tôi đang phối hợp với một đơn vị khác để hoàn thiện công trình khoa học mang tên “Thủy điện xanh” của mình để trình ra trung ương” – ông Quýnh lạc quan.
Sự khác biệt của “Thủy điện xanh”
Ông Quýnh nói ông đặt tên nhà máy là “Thủy điện xanh” bởi tuôcbin sử dụng là một bộ máy được chế tạo đặc biệt để tiêu tốn ít nước khi phát điện và có thể tạo ra khí nén dự phòng. Hệ thống tuôcbin giống hình một chiếc bát gồm các bộ phận: cánh quạt, lồng chứa nước… Cánh quạt nằm trong lồng chứa nước được thiết kế đặc biệt có khả năng xoay với tốc độ cực lớn khi có áp lực nước đè lên, tuôcbin cũng được thiết kế để nhận nguồn nước đổ xuống cánh quạt theo phương thẳng đứng mà không cần phải có đường ống dẫn nước từ trên cao xuống như các tuôcbin thủy điện thông thường. Ngoài ra, hệ thống tuôcbin cũng có khả năng tạo ra khí nén để đổ vào các bình chứa, lượng khí dự trữ này sẽ được dùng để làm xoay cánh quạt trong tuôcbin tạo ra dòng điện vào mùa khô. Nguyên tắc hoạt động của máy là: nước được dẫn vào tuôcbin và tạo áp lực đẩy cánh quạt xoay với tốc độ cực lớn tạo ra điện, khi không có nước thì hệ thống tuôcbin được đóng kín hoàn toàn và xả khí nén vào làm xoay cánh quạt, từ đây điện sẽ được tạo ra.