Triển vọng mới cho nghành công nghệ sạch
Triển vọng mới cho ngành công nghệ sạch
Tái sử dụng chất thải để phục vụ sản xuất, tái chế chất thải thành các sản phẩm có ích là một giải pháp được nhiều doanh nghiệp ứng dụng. Đây được coi là hướng đi mới của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp sạch trong tương lai.
Tái chế chất thải, lợi cả đôi đường
Bộ Công thương, Tổng cục Môi trường và Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã có văn bản ủng hộ và đánh giá cao giải pháp tiết kiệm năng lượng – bảo vệ môi trường của Nhà máy giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân (Công ty TNHH Một thành viên giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân) tại KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành. Theo đó, các cơ quan này khẳng định, việc Nhà máy giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân ứng dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn dùng nhiên liệu là phụ phẩm nông nghiệp và các chất thải công nghiệp không nguy hại phát sinh từ hoạt động của nhà máy là việc làm phù hợp với chủ trương, chính sách về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường hiện nay. Công ty CP Tài nguyên Xanh, đơn vị tư vấn cho biết: Việc lắp đặt lò hơi công nghệ tầng sôi tuần hoàn giúp cho Nhà máy Giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân thay thế được nguồn nhiên liệu dầu FO, khí đốt, tiết kiệm được chi phí năng lượng và giải quyết được vấn đề môi trường liên quan đến các chất thải rắn thông thường phát sinh hàng ngày như phế liệu giấy đầu vào (nilon, giấy phế liệu không thể tái chế,…). Xử lý, tiêu hủy hoàn toàn lượng bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải; đồng thời tận dụng được nhiệt năng từ nguồn chất thải này để cung cấp hơi cho hoạt động sản xuất của nhà máy. Mặt khác, việc xử lý trực tiếp chất thải rắn không phải là chất thải nguy hại có khả năng cháy tại nhà máy thay vì phải chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý chất thải rắn bằng giải pháp đốt cũng sẽ tận dụng được năng lượng phát sinh nhiệt từ quá trình đốt, không gây lãng phí tài nguyên đất đai do phải chôn lấp…
Các nhà khoa học về môi trường của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cũng đã đánh giá cao hiệu quả của Nhà máy xử lý – tái chế chất thải lỏng sinh hoạt thành phân vi sinh phục vụ cho ngành nông nghiệp của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Nam (Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, huyện Tân Thành). Đây là nhà máy có công nghệ xử lý phù hợp với thực tế chất thải lỏng sinh hoạt tại Việt Nam và là một trong 2 nhà máy đầu tiên trong nước hoạt động trong lĩnh vực này… Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để góp phần ngăn chặn tình trạng đổ xả chất thải lỏng sinh hoạt bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan, nhà máy này có chủ trương miễn phí việc xử lý chất thải lỏng sinh hoạt cho các cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Một điển hình khác trong việc tái chế chất thải là dự án tái chế xỉ thép của Công ty TNHH Vật liệu Xanh có nhà máy tại huyện Tân Thành. Với dự án này, Hội đồng khoa học của Bộ Tài nguyên – Môi trường khẳng định: Sử dụng xỉ thép sau xử lý thay thế cho các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên sẽ đáp ứng được việc bảo vệ môi trường, hạn chế được khai thác tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải theo đúng chủ trương của Nhà nước. Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng từ xỉ lò điện lò quang có công suất 1.000 tấn/ngày tại Bà Rịa-Vũng Tàu là dự án đầu tiên về tái chế xỉ thép tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên – Môi trường thẩm định và thông qua. Các sản phẩm của dự án bao gồm gạch không nung, xỉ thay thế cho vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, vật liệu lọc dùng cho xử lý nước thải…
Sẽ “khai tử” việc chôn lấp túi nilonĐối với việc xử lý túi nilon, cách làm truyền thống là chôn lấp cùng với rác hoặc được người dân sinh sống tại các bãi rác nhặt, đóng bao và bán cho các cơ sở tái chế nilon quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Túi nilon thải được tái chế lại thành các sản phẩm có chất lượng tương đối thấp, không có giá trị cao, đổi lại môi trường sẽ phải tiếp nhận thêm nhiều loại chất thải mới, mức độ độc hại cao hơn (nước thải, khí thải) và điều quan trọng là những sản phẩm từ túi nilon thải cũng không thể mất đi và theo thời gian sẽ tiếp tục phải thải bỏ vào môi trường. Do đó, việc tái sử dụng túi nilon thải theo cách làm truyền thống như hiện nay chỉ là một hình thức biến chất thải từ dạng này sang dạng khác… Tại Việt Nam, đã có một số dự án tái chế túi nilon thải thành dầu bằng công nghệ nhiệt phân như: Nhà máy chế biến rác thải nilon thành dầu do Công ty CP Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư tại TP. Đà Nẵng; nhà máy chế biến dầu từ nhựa thải của Công ty TNHH Công nghệ mới ở Bình Phước. Mới đây, các Sở Tài nguyên – Môi trường, Xây dựng, Công thương, Khoa học – Công nghệ và UBND huyện Tân Thành đã có văn bản ủng hộ một dự án tái tạo năng lượng từ chất thải đầu tư vào Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Đồng thời, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng hỗ trợ dự án hoàn tất các thủ tục về đầu tư để sớm đi vào hoạt động.Theo chủ đầu tư dự án này, các sản phẩm tái chế từ nhựa, túi nilon sẽ là nguồn nhiên liệu tốt có thể thay thế một phần hoặc 100% cho các lò đốt đang sử dụng dầu DO và FO hiện nay. Công nghệ tái chế nilon thải thành dầu đảm bảo được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nilon được tái chế 100% vì toàn bộ công nghệ hoạt động theo quy trình kín, khí thải không phát sinh chất độc hại, được tuần hoàn tạo ra nhiệt lượng phục vụ lò nhiệt phân nilon thải, tro thu được sử dụng làm vật liệu xây dựng,… không có chất thải thải vào môi trường. Ngoài lợi ích xử lý triệt để được nilon thải, tạo ra được nguồn năng lượng mới, việc tái chế nilon thành dầu còn giúp nâng cao ý thức phân loại rác thải tại nguồn vì loại chất thải như túi nilon sẽ được bán làm nguyên liệu có giá trị, đồng thời nó còn giúp cho địa phương giảm được chi phí xử lý rác từ nguồn ngân sách Nhà nước khi giảm được khối lượng rác thải đầu vào khi giao cho đơn vị xử lý rác do nilon đã được phân loại ngay tại nguồn.