Loại cỏ giúp giảm khí nhà kính

 

​Một nhóm nhà khoa học thuộc hai viện nghiên cứu nông nghiệp của Nhật Bản và Colombia đã phát triển một loại cỏ brachiaria mới có khả năng giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do phân bón hóa học tạo ra.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Quốc tế Nhật Bản và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế Colombia đã tìm thấy loại cỏ brachiaria, có nguồn gốc từ châu Phi và được trồng tại Mỹ Latinh. Rễ của loại cỏ này tiết ra các chất có tác dụng ngăn chặn các thành phần trong phân hóa học chuyển hóa thành khí gây hiệu ứng nhà kính.
Phần lớn các loại phân bón nitơ được sử dụng rộng rãi hiện nay sau khi bón vào đất chuyển thành axít nitric – chất sau đó trở thành khí ôxít nitơ gây hiệu ứng nhà kính cao gấp 300 lần so với khí CO2. Ngoài ra, axít nitric còn dễ thấm qua đất, gây ô nhiễm nước ngầm, phá hoại hệ sinh thái của đại dương và sông ngòi. Các chất tiết ra từ rễ cỏ brachiaria có tác dụng ngăn chặn hoạt động của các vi sinh vật, nhờ đó giảm mạnh lượng khí ôxít nitơ do phân bón hóa học thải ra.
Ngoài tác dụng giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, loại cỏ này còn là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn so với các loại cỏ hiện nay trong chăn nuôi bò. Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu trồng loại cỏ nói trên tại Nam Mỹ.
Theo ông Guntur Subarao thuộc Trung tâm nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp quốc tế Nhật Bản, việc phát triển loại cỏ mới này sẽ là công nghệ quan trọng để tăng sản lượng nông nghiệp trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng tăng.
Theo TTXVN

Thu hồi đất hiếm từ nước thải

Nguyên tố đất hiếm rất cần thiết đối với việc chế tạo các thiết bị điện tử hiện đại như dạng các nam châm, chất xúc tác, chất siêu dẫn… Tuy nhiên vì hiếm nên chúng rất đắt tiền. Nhưng gần đây các nhà khoa học đã tìm được cách thu hồi đất hiếm từ nước thải công nghiệp.
Các nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Trung Quốc tìm thấy một chất liệu nano có tên nano-Mg(OH)2 có thể giúp loại bỏ một số kim loại và thuốc nhuộm từ nước thải.

Chất này còn có thể giúp thu hồi đất hiếm vốn rất loãng trong nước thải công nghiệp, với giá thành rẻ hơn nhiều so với khai thác đất hiếm từ lòng đất.
Việc nghiên cứu nano-Mg(OH)2 cho thấy chúng có thể được sản xuất dưới hình dạng những bông hoa đặc biệt. Việc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm mô phỏng thực tế cho thấy các hạt này có khả năng nắm bắt được 85% đất hiếm đã được pha cực loãng trong các mẫu nước. Sau đó điều chỉnh độ pH để tách nguyên tố đất hiếm khỏi nano-Mg(OH)2.
Tạp chí Gizmag dẫn lời nhóm nghiên cứu cho biết, việc tái chế nguyên tố đất hiếm từ nước thải không chỉ tiết kiệm tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.
Theo Thanh niên

Thêm 10 triệu Euro thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở VN

 

Giai đoạn II của Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan (IPP) sẽ được thực hiện với tổng kinh phí dự kiến khoảng 10 triệu Euro.
Tại cuộc họp báo Diễn đàn Đổi mới sáng tạo: Từ chiến lược đến thực hiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đánh giá cao sư hỗ rợ của Phần Lan trong việc triển khai IPP tại Việt Nam.

Theo ông Quân, IPP được ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang đi vào giai đoạn nước rút thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên có ý nghĩa rất quan trọng. Trong khuôn khổ giai đoạn I của IPP, có trên 300 đề án được đề xuất và đã có 60 dự án được chọn để hỗ trợ tập trung vào 4 hợp phần: phát triển năng lực thể chế; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các sáng kiến, dự án đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; hợp tác Việt Nam-Phần Lan.

Ông Quân kỳ vọng, giai đoạn II của IPP sẽ tạo ra những đột phá mới cho ngành khoa học công nghệ Việt Nam, tạo điều kiện gắn kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học cao…

Tại Việt Nam, IPP là chương trình ODA đầu tiên thí điểm hỗ trợ đối với hoạt động phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.Chương trình IPP là nỗ lực của hai Chính phủ Việt Nam- Phần Lan nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Giai đoạn I của IPP được thực hiện từ 2009-2013 với ngân sách hoạt động trên 7 triệu Euro (89% ngân sách do Phần Lan tài trợ) dưới sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Phần Lan. Giai đoạn II sẽ được bắt đầu từ năm 2014-2018. Tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn này khoảng 10 triệu Euro./.

Diễn ra từ 23-24/10, “Diễn đàn Đổi mới sáng tạo: Từ Chiến lược tới thực hiện” được xem là cầu nối để các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp hai nước xích lại gần và hiểu nhau hơn. Từ đó, mở ra các hợp tác mới trong tương lai giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, cũng như thắt chặt mối quan hệ hợp tác tốt đẹp Việt Nam- Phần Lan.
Tại Diễn đàn, các hoạt động như Hội thảo Ngày đổi mới và nhiều vấn đề khác được đặt ra tại chương trình thảo luận bàn tròn như: quản lý các chương trình quốc gia, các công cụ tài trợ đổi mới, thúc đẩy đổi mới trong khu vực, hợp tác giữa trường đại học-doanh nghiệp, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước…/.
Theo Vietnam+

Biến đổi khí hậu khiến toàn cầu mất 1/3 GDP vào 2025

Theo một nghiên cứu của Công ty tư vấn về giảm thiểu rủi ro Maplecroft của Anh, được công bố ngày 30/10, đến năm 2025, gần 1/3 tổng GDP toàn cầu, ước tính khoảng 44.000 tỷ USD, sẽ nằm ở các quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu, tăng 50% so với mức hiện nay.
Trong khi đó, phần lớn các quốc gia này hầu như chưa có sự chuẩn bị đúng mức để đối phó với nạn lũ lụt trầm trọng, bão lốc, hạn hán và nước biển dâng cao, hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nghiên cứu của Maplecroft đã đánh giá mức độ chịu tác động và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của 193 quốc gia trên thế giới. Theo đó, Bangladesh đứng dầu danh sách các nước chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu song năng lực ứng phó còn yếu kém. Tiếp theo là các nước ở châu Phi và châu Á.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng nằm trong danh sách 67 quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu với vị trí thứ 20 và 61.

Trong khi đó, Mỹ và phần lớn các quốc gia khu vực châu Âu nằm trong nhóm có nguy cơ trung bình và thấp, do các nước này có nguồn tài chính dồi dào hơn đầu tư vào lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu trên cũng được tiến hành đối với 50 thành phố trên thế giới. Kết quả, năm thành phố sẽ phải hứng chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu lần lượt là Dhaka của Bangladesh, Mumbai và Kolkota ở Ấn Độ, Manila của Philippines và Bangkok của Thái Lan, với tổng GDP dự đoán tăng từ 275 tỷ USD lên 804 tỷ USD vào năm 2025.

Nghiên cứu cho thấy các thành phố có khả năng tăng trưởng kinh tế nhanh nhất lại nằm trong số dễ bị tổn thương nhất. Chỉ có hai thành phố là Paris (Pháp) và London (Anh) nằm trong nhóm có nguy cơ thấp.

Hiện hơn 4,5 tỷ người, chiếm khoảng 64% dân số toàn cầu, đang sống tại các khu vực có nguy cơ cao chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhưng con số này có thể vượt qua mức 5 tỷ người vào năm 2025. Các khu vực sẽ chịu tác động lớn nhất là Đông và Nam Á, khu vực cận Sahara-châu Phi.

Liên hợp quốc đã đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong phạm vi 2 độ C so với mức ở giai đoạn tiền công nghiệp nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Biện pháp chủ yếu là thông qua việc giảm phát thải lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính do sử dụng các loại năng lượng có nguồn gốc hóa thạch và hoạt động giao thông vận tải tạo ra.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Maplecroft đánh giá mục tiêu này “ngày càng khó có khả năng đạt được,” do lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính không ngừng tăng lên.

Điều này có thể dẫn tới những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng như sự tuyệt chủng của các loài động thực vật, thiếu nước ngọt, mất mùa, mất đất sản xuất do nước biển dâng và dịch bệnh.

Nghiên cứu của Maplecroft cũng kêu gọi những cam kết lâu dài từ chính phủ các quốc gia đối với các nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu./.

Theo TTXVN

Đầu tư xây dựng nhà máy tinh chế dầu và tái chế dầu thải tại Việt Nam

Được biết, dự án này sẽ tạo ra một hệ thống hoạt động hiệu quả cho việc ngăn chặn dầu thải ra môi trường – một lĩnh vực mà hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm để xử lý.​
Tại buổi làm việc, ông Plamen Bobotov cho biết, ông có ý định sẽ xây dựng nhà máy tinh chế và tái chế dầu thải trên diện tích khoảng 30.000 m2. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ thu gom 40.000 thùng dầu (gần bằng 20% tổng số doanh số của dầu nhờn sử dụng được ngay tại thị trường Việt Nam), giai đoạn 2 sẽ thu gom 80.000 thùng, sản xuất 310.000 thùng mỗi năm. Với mục tiêu ngăn chặn dầu thải ra môi trường, dự án được thực thi sẽ giúp hoàn thành thực hiện định hướng của liên minh Châu Âu cho việc tận dụng rác thải có nguy hại đến môi trường và giữ gìn môi trường trong sạch. Bên cạnh đó, còn cải thiện được hình ảnh của Việt Nam đối với quốc tế trong lĩnh vực thu hút đầu tư công nghệ cao để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Trao đổi với ông Plamen Bobotov, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đánh giá, Dự án Đầu tư và xây dựng nhà máy tinh chế và tái chế dầu thải công nghiệp tại Việt Nam do Công ty PRISTA Oil đề xuất có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm thiểu những tác động bất lợi đối với môi trường do dầu thải gây ra. Theo quy định của Việt Nam, tái chế dầu thải được coi là hoạt động xử lý chất thải nguy hại và phải được cấp phép hành nghề. Do vậy, hoạt động đầu tư xây dựng nhà máy tái chế dầu thải phải tuân thủ quy định về đầu tư nói chung và quy định về quản lý chất thải nguy hại, trong đó cần lưu ý đến việc đăng ký đầu tư, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ TN&MT phê duyệt, lập hồ sơ và trình Tổng cục Môi trường xem xét, cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại.
Thứ trưởng cho rằng, việc thu gom tối thiểu để nhà máy hoạt động hiệu quả khó có thể thực hiện trong tình hình thực tế tại Việt Nam. Để đầu tư có hiệu quả đồng thời về mặt môi trường và kinh tế, Công ty nên cân nhắc việc đầu tư xây dựng nhà máy có khả năng xử lý, tái chế nhiều loại chất thải khác nhau, tránh rủi ro về mặt kinh tế và phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay.
Theo Bộ TN&MT

 

 

Ngành hóa chất vào cuộc tiết kiệm năng lượng: Cần có kế hoạch hành động cụ thể

Hiện tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành hóa chất có thể lên đến 40%. Trong đó, ngành sản xuất sơn đang tiêu thụ lượng điện năng bằng tổng sản lượng điện mỗi năm của một đô thị lớn. Nhìn rộng ra, tiềm năng tiết kiệm điện của ngành hóa chất Việt Nam đang rất lớn, cần có những chương trình hành động ngắn và dài hạn để có một nền sản xuất sạch hơn.

Những suất tiêu hao năng lượng được dự báo

Hiện nay, ngành Chế biến cao su nguyên liệu sử dụng 82% nhiệt năng, 18% điện năng. Ngành sản xuất phân bón NPK tiêu tốn 87% nhiệt năng, 13 % điện năng, sản xuất sơn thì mức tiêu hao tập trung 100% vào điện năng.

Theo Quy hoạch Phát triển Nông nghiệp đến năm 2020, tổng sản lượng cao su của Việt Nam sẽ đạt tới 1,2 triệu tấn/năm. Căn cứ vào định mức năng lượng của Tập đoàn Cao su Việt Nam, nếu không có bất cứ hành động tiết kiệm năng lượng nào được thực hiện, cho tới năm 2020, Chế biến cao su nguyên liệu có thể cần khoảng 144 GWh/năm, 34 ngàn tấn dầu DO/năm. Đặc biệt, nhà máy có quy mô càng nhỏ thì suất tiêu thụ năng lượng càng lớn.

Với phân ngành sản xuất phân bón NPK, đến năm 2015, phải cần tối đa 153 GWh/năm và 91 nghìn tấn dầu DO/năm. Hầu hết, các nhà máy sản xuất phân bón NPK đều muốn giữ bí mật công nghệ, nên khó khăn trong việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý năng lượng.

Đến năm 2020, Chế biến cao su nguyên liệu có thể cần khoảng 144 GWh/năm, 34 ngàn tấn dầu DO/năm 

Trong vài năm nữa, ngành Sơn được dự báo sẽ cần trung bình 15-23 GWh/năm, tương đương với tổng điện năng tiêu thụ của TP HCM năm 2012. Một ngành công nghiệp lâu đời, có nhiều nhà máy tuổi thọ trên 40 năm, mức hao tổn điện năng gần bằng tổng điện tiêu thụ của một đô thị lớn nhất Việt Nam – thực tế này đòi hỏi không thể không tiết kiệm điện. Mà trong quy trình sản xuất sơn, công đoạn nghiền là tiêu tốn điện lớn nhất.

Chọn đúng khâu để tiết kiệm hiệu quả

Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng mua vào của phân ngành Chế biến Cao su nguyên liệu là 17%, trong đó về điện năng tiết kiệm 20.393.102 kWh/năm, về nhiệt năng tiết kiệm được 196.698.485 MJ/năm.

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng mua vào của phân ngành Sản xuất phân bón NPK là 15%, trong đó điện năng tiết kiệm 28.463.839 kWh/năm, nhiệt năng là 661.176.784 MJ/năm. Riêng phân ngành sản xuất Sơn, đây là ngành chỉ sử dụng điện phục vụ sản xuất, ước tính tiết kiệm được 5.831.000 kWh/năm đối với sơn gốc nước và 6.060.600 kWh/năm đối với sơn gốc dung môi.

  Mỗi năm, ngành sản xuất phân bón NPK có thể tiết kiệm được 15% sản lượng điện tiêu thụ.

Để giúp cho các ngành hóa chất Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và tiết kiệm năng lượng, dự án Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam đã đề xuất cho ngành hóa chất Việt Nam nên tập trung vào đổi mới nhiều hơn về mặt công nghệ như: Sử dụng biến tần cho máy ép kiện, khí hóa củi, thay đổi từ sục khí bề mặt bằng sục khí tinh.

Hiện nay, Tập đoàn Cao su đang nghiên cứu để ứng dụng Biogas từ hệ thống xử lý nước thải. Còn đối với việc thay đổi hoàn toàn động cơ cũ sang động cơ hiệu suất cao thì chưa có nhà máy nào sử dụng mặc dù thị trường có bán. Một vấn đề bất cập của quản lý năng lượng là các nhà máy còn rất yếu trong đánh giá đồng đều suất tiêu thụ năng lượng mỗi năm.

Theo chuyên gia quốc tế McNulty thì: “Các doanh nghiệp hóa chất khi xác định được cơ hội tiết kiệm năng lượng, phải xây dựng được kế hoạch hành động ngay. Đừng tham vọng quá cao để làm giảm động cơ tiết kiệm. Hãy đặt ra mục tiêu trong tầm tay, hạn chế chi phí ban đầu với thời gian can thiệp ít nhất và giám sát hiệu quả quy trình tiết kiệm này”.

Theo Kiều Anh, tietkiemnangluong.vn

Tiết kiệm chi phí điện năng cho tòa nhà

Ngày nay, chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Theo thống kê từ các nghiên cứu gần đây, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng. Chỉ trong vòng 5 năm, tiêu thụ điện năng bình quân đầu người đã tăng lên gấp hai lần, từ 288kWh một năm (năm 2000) lên đến 540kWh một năm (năm 2005). Vì vậy, vấn đề cạn kiệt nguồn năng lượng nói chung và điện năng nói riêng đang là mối đe dọa không chỉ đối với doanh nghiệp, đối với người dân mà đối với cả nền kinh tế của đất nước.

Trước khả năng thiếu điện ở Việt Nam và cần phải nhập khẩu điện vào năm 2015, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc cần thiết phải sử dụng hợp lý điện năng và tiến hành các biện pháp tiết kiệm trong sản xuất, truyền tải và sử dụng điện. Một trong những giải pháp đem lại hiệu quả là việc quản lý tổng thể hệ thống điện năng cho tòa nhà, vừa giúp kiểm soát và sử dụng năng lượng hiệu quả, vừa đảm bảo sự phát triển trong kinh doanh thương mại của các tòa nhà.

Một căn phòng được thiết kế đảm bảo tiết kiệm điện, vừa đảm bảo nhu cầu chiếu sáng ở tòa nhà Pacific.

Đi đầu trong việc quản lý hiệu quả năng lượng cho tòa nhà ở Việt Nam, HITC  (Xuân Thủy, Hà Nội) đã được Bộ Công thương trao tặng giải nhất về “Tòa nhà quản lý năng lượng sáng tạo độc đáo”, trong cuộc thi toàn quốc về công nghiệp và tòa nhà năm 2010.

Thông qua những giải pháp tổng thể, chỉ sau 7 năm (từ 2005 đến 2012), Tòa nhà HITC giảm được 14% tổng năng lượng tiêu thụ và 20%  năng lượng tiêu thụ cho điều hòa không khí, giảm chi phí bảo trì và kéo dài tuổi thọ các thiết bị.

Phần mềm quản lý được phát triển chính bởi các kỹ sư của tòa nhà, sử dụng máy chủ cho phép điều chỉnh cân bằng nhiệt độ của các phòng, thông qua việc điều chỉnh hoạt động của các máy điều hòa nhiệt độ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống máy bơm nước… Theo đó, việc giữ nhiệt độ ở một mức cố định ở tất cả phòng trong tòa nhà, lựa chọn bơm nước vào giờ thấp điểm, điều khiển chế độ chiếu sáng cũng là một số biện pháp được áp dụng nhằm tiết kiệm năng lượng hiệu quả của tòa nhà HITC.

Ra đời sau HITC, tòa nhà Pacific là một trong những tòa nhà sang trọng nằm trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội cũng áp dụng quản lý hệ thống điện năng theo hệ thống kết hợp với trang thiết bị điện hiện đại, giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả. Giải pháp tiết kiệm điện năng của tòa nhà Pacific là một sáng kiến được đưa ra từ một tập đoàn điện lực.

Tòa nhà Pacific sử dụng một hệ thống tổng điều khiển toàn bộ hệ thống máy điều hòa nhiệt độ của các văn phòng. Cũng giống như HITC, nhiệt độ tối ưu giúp tiết kiệm điện năng được đặt ở một mức nhất định, được quản lý bởi một phòng kỹ thuật trung tâm cho toàn bộ tòa nhà. Hệ thống cửa sổ được đưa ra ngay từ lúc thiết kế  giúp làm giảm điện năng chiếu sáng cho tòa nhà. Ngoài ra, tòa nhà đã sử dụng hệ thống thang máy thông minh, giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Theo đó, người sử dụng thang máy có nhu cầu đi tới tầng nào cần bấm số trước khi vào thang máy. Hệ thống thang máy thông minh sẽ giúp nhận biết cùng một nhu cầu và hiển thị số cửa thang máy.

Sử dụng các tấm pin mặt trời trên mái nhà để tạo ra năng lượng sử dụng trong tòa nhà.

Ngày nay, chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để đạt được mục tiêu của Bộ Công Thương đề ra là tiết kiệm khoảng 5- 8% năng lượng cho giai đoạn 2011 – 2015, tiết kiệm điện không những mang lại lợi ích cho mỗi gia đình và cộng đồng mà còn giảm gánh nặng thiếu hụt năng lượng cho xã hội, giảm khí thải ra môi trường. Do đó với những mô hình quản lý điện năng theo hệ thống, nên được ứng dụng tới nhiều tòa nhà khác ở Việt Nam.

Sử dụng bình đun nước nóng năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, hấu hết các tòa nhà mới chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm điện năng hiệu quả, mà chưa áp dụng các biện pháp nhằm tạo ra nguồn năng lượng riêng cho tòa nhà. Một số khuyến nghị được đề ra như việc nghiên cứu sử dụng hệ thống bình đun nước nóng từ năng lượng mặt trời, sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời, năng lượng thủy năng từ dòng nước chảy từ trên xuống, năng lượng gió được tạo ra trong quá trình trao đổi không khí trong – ngoài tòa nhà và năng lượng điện từ áp suất không khí trong quá trình thang máy di chuyển lên xuống…

Theo VNExpress.

Đột phá mới trong công nghệ năng lượng Mặt Trời

Công nghệ năng lượng Mặt Trời đang có một bước đột phá sau khi các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore vừa phát hiện ra một cách thức mới để sản xuất pin Mặt Trời hiệu quả hơn và có giá thành rẻ hơn.
Trước đây, perovskite vốn được biết đến là vật liệu để làm pin Mặt Trời hiệu quả bởi nó có thể biến đổi 15% năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời thành điện năng, gần với mức 20% của các tấm pin Mặt Trời làm từ silicon trên thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, các nhà khoa học không giải thích được quá trình diễn ra như thế nào để từ đó cải thiện hiệu quả của vật liệu perovskite trong sản xuất pin Mặt Trời. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu NTU chính là các nhà khoa học đầu tiên trên thế giới đã tìm ra lời đáp cho vấn đề này.

Theo đó, điện tử được tạo ra trong quá trình hấp thụ ánh sáng Mặt Trời có thể di chuyển rất xa trong vật liệu pervovskite.

Phó Giáo sư Sum Tze Chien – thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học có thể cải tiến pin Mặt Trời, khiến chúng hấp thụ được nhiều ánh sáng hơn và tạo ra điện năng nhiều hơn.

Tiến sỹ Nripan Matthews, một thành viên khác, cũng cho rằng từ đây các họ có thể tạo những tấm pin Mặt Trời mới, ngang bằng và thậm chí hiệu quả hơn các tấm pin Mặt Trời làm từ silicon.

Theo nhóm nghiên cứu, với vật liệu perovskite hỗn hợp vô cơ-hữu cơ, thế hệ tấm pin Mặt Trời tiếp theo sẽ có giá thành sản xuất rẻ hơn 5 lần so với các tấm pin làm từ silicon hiện nay./.

Theo Vietnam+

Chế tạo máy hút ô nhiễm cho bầu trời

Các quan chức Bắc Kinh trong tuần này khuyến cáo trẻ em và người già nên ở nguyên trong nhà do sương mù dày đặc nghiêm trọng, một vấn nạn lớn ở thủ đô Trung Quốc cũng như nhiều khu vực khác của nước này.
Tình trạng sương mù dày đặc thường cản trở giao thông, gây tổn hại sức khỏe và làm giảm tầm nhìn xa tới không quá 10 mét. Theo chuyên gia thiết kế người Hà Lan Daan Roosegaarde, giải pháp cho vấn đề này là sử dụng một máy hút bụi điện tử để làm sạch không khí.
Theo trang Dezeen, ông Roosegaarde đã bắt tay với thị trưởng Bắc Kinh để sử dụng công nghệ hút ô nhiễm cho một công viên mới của thành phố. Hệ thống sẽ sử dụng các cuộn đồng để tạo ra một trường điện từ tĩnh, hút các hạt sương khói để làm sạch không khí.
Ông Roosegaarde cho biết, máy hút ô nhiễm đặc biệt này sẽ tạo ra các “lỗ” không khí trong lành, có thể đạt kích thước tới 60 mét nằm rải rác khắp màn sương mù dày đặc che phủ bầu trời. Các cuộn đồng tạo tĩnh điện có thể được chôn dưới cỏ của công viên và không giải phóng cặn bã độc hại.
Công ty của ông Roosegaarde đã hợp tác với các nhà khoa học tại Đại học Delft để cho ra đời một nguyên mẫu hoạt động được của hệ thống. Ông dự kiến sẽ dành một năm rưỡi nữa để cải tiến công nghệ trước khi ứng dụng nó cho công viên ở Bắc Kinh.
Trong khi đó, tầm nhìn đã giảm xuống và sự ô nhiễm vì các hạt bụi nhỏ trong không khí đã tăng tới mức kỷ lục, cao gấp 40 lần ngưỡng an toàn quốc tế tại một thành phố của Trung Quốc khi vùng này bước vào mùa sương mù dày đặc. Mùa đông thường mang tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất tới miền bắc Trung Quốc do sự kết hợp giữa điều kiện thời tiết và việc tăng đốt than đá cho các hộ gia đình và hệ thống sưởi ấm ở địa phương.
Tại Cáp Nhĩ Tân, một thành phố lớn thuộc tỉnh Hắc Long Giang, miền bắc Trung Quốc, các hệ thống sưởi ấm đã được kích hoạt hôm 20/10 và đến ngày 21/10, tầm nhìn xa đã giảm xuống không đầy 23 mét, theo truyền thông địa phương.
Theo Vietnamnet

Tạo nhiên liệu hydro từ ánh sáng mặt trời và nước thải

Các nhà khoa học mới đây tìm ra cách tạo khí hydro từ ánh sáng mặt trời và nước thải, giúp tạo ra nguồn năng lượng ổn định và cải thiện nguồn nước.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học California, Santa Cruz, Mỹ, tạo ra thiết bị hydro bằng cách kết hợp pin nhiên liệu vi khuẩn MFC và pin mặt trời quang điện hóa PEC, Science World Report đưa tin.

Trong thành phần của MFC, các vi khuẩn sẽ phân hủy chất hữu cơ trong nước thải và sinh ra điện năng. Dòng điện này sau đó sẽ được chuyển đến PEC để hỗ trợ quá trình tách hợp chất hydro và oxy từ nước bằng năng lượng mặt trời.
Trong thực tế, khi được cung cấp nước bẩn và chiếu sáng trong thiết bị năng lượng mặt trời, quá trình sinh ra khí hydro từ thiết bị kết hợp PEC và MFC diễn ra liên tiếp với tốc độ trung bình 0,05m khối/ngày. Đồng thời, trong quá trình tạo ra khí hydro, nước thải cũng trở nên bớt đục hơn. Thêm vào đó, chỉ tiêu và thử nghiệm nhu cầu oxy hóa học được sử dụng để đo gián tiếp khối lượng các hợp chất hữu cơ có trong nước và đánh giá nguồn nước cũng giảm tới 67% trong 48 giờ.
Các nhà khoa học đang lên kế hoạch nhân rộng thiết bị trong phòng thí nghiệm để tạo ra một thiết bị lớn hơn với dung tích khoảng 40 lít và liên tục cung cấp bằng nguồn nước thải đô thị và tiến hành thử nghiệm thiết bị trên một nhà máy xử lý nước thải. MFC sẽ được tích hợp với các đường ống nước hiện có của nhà máy xử lý nước thải liên tục và PEC sẽ được thiết lập ngoài trời để tiếp nhận ánh sáng mặt trời tự nhiên.
Pin mặt trời quang điện hóa PEC hay pin nhiên liệu vi khuẩn MFC đều có thể được sử dụng để tạo ra khí hydro. Mặc dù chỉ cần điện áp bổ sung nhỏ để tạo ra nhiên liệu hydro, tuy nhiên hai loại pin này vẫn cần điện áp để làm giảm proton trong khí hydro. Do đó việc sử dụng hai thiết bị chuyển đổi năng lượng này khá tốn kém và phức tạp.
Theo VNE