Bóng đèn phát Wi-Fi

Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây chế tạo thành công một loại bóng đèn có thể tự phát tín hiệu Wi-Fi.

Bóng đèn Li-Fi có khả năng phát Wi-Fi chỉ sử dụng 5% năng lượng so với các thiết bị khác. Ảnh minh họa: gizmodo.com

 

Xinhua đưa tin, loại bóng đèn được các nhà khoa học thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, chế tạo có tên là Li-Fi. Nhóm nghiên cứu chứng minh được bóng đèn LED có khả năng hoạt động tốt hơn các kết nối mạng trung bình hiện có tại nước này.

Khi nghiên cứu, các nhà khoa học đặt 4 chiếc máy tính cạnh bóng đèn Li-Fi để kết nối mạng, sử dụng tần số ánh sáng thay vì sóng vô tuyến thông thường. Bóng đèn được gắn với một vi mạch tạo ra tín hiệu với tốc độ khoảng 150 mbps, nhanh hơn kết nối thông thường ở Trung Quốc.

Theo giáo sư Chi Nan, người đứng đầu nghiên cứu, các thiết bị truyền tín hiệu mạng không dây hiện nay khá tốn kém và hiệu quả thấp. Có đến hàng triệu trạm cơ sở được thiết lập để tăng cường tín hiệu Internet, nhưng hầu hết năng lượng bị tiêu tốn ở các hệ thống làm mát. Trong khi đó bóng đèn Li-Fi chỉ sử dụng 5 % năng lượng so với các thiết bị khác.

Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể hiện thực hóa sản phẩm để đưa vào ứng dụng trong thực tế khi người dân Trung Quốc đang có xu hướng sử dụng đèn LED thay cho bóng đèn truyền thống. 10 mẫu bóng đèn Li-Fi sẽ được giới thiệu tại một triển lãm thương mại tại Trung Quốc trong tháng tới.

Thùy Linh- VNexpress.net

Hội thảo giải pháp ứng dụng tiến bộ KHCN và giới thiệu quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh trong chế biến nông sản – thực phẩm tại Hải Phòng

Sáng nay 13/11/2013 tại Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng HATEX đã diễn ra buổi hội thảo ” Giải pháp ứng dụng tiến bộ KHCN trong sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm và giới thiệu quỹ Ủy thác Tín dụng xanh”. Tham dự buổi hội thảo có đại diện Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hải Phòng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quỹ ủy thác Tín dụng xanh (GCTF),  các công ty nghiên cứu và chuyển giao công nghệ  và các doanh nghiệp sản xuất chế biến chăn nuôi nông lâm thủy hải sản trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Văn An – Giám đốc sở KHCN Hải Phòng khai mạc hội thảo

 

Khai mạc hội thảo Ông Nguyễn Văn An Giám đốc sở KHCN thành phố Hải Phòng nêu lý do và mục đích của buổi hội thảo và đề cập những giải pháp mới trong thời gian tới cần thiết để thay đổi công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản xuất sản phẩm tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Hương – Sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn trình bày hiện trạng các ngành Nông lâm thủy sản tại Hải Phòng

Tiếp theo khai mạc bà Vũ Thị Hương – Sở Nông Nghiệp và phát triển Nông Thôn đã trình bày hiện trạng nền nông nghiệp, nuôi trồng hải sản tại Hải Phòng.Hải Phòng là một vùng có tiềm năng kinh tế cao và điều kiện tự nhiên thuận lợi để nuôi trồng thủy hải sản nước mặn, nước lợ do có vùng biển rộng tiếp giáp với các cửa sông lớn. Bên cạnh đó Hải Phòng còn canh tác nông nghiệp tốt do điều kiện địa lý thuận lợi. Tuy nhiên các doanh nghiệp kinh doanh nuôi trồng, chế biến và sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản còn chưa được tiếp cận với các công nghệ mới hiện đại và xử lý nguồn thải sau sản xuất còn kém. Do đó cần thay đổi công nghệ KHKT trong thu hoạch, sản xuất chế biến nông lâm thủy hải sản.

Vấn đề thứ hai được nêu ra trong buổi hội thảo là nguồn vốn đầu tư công nghệ mới đối với các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, do đó rất cần những nguồn quỹ, vốn đầu tư cho vay ưu đãi để tiếp cận công nghệ mới.

Bà Nguyễn Lê Hằng – Điều phối viên quỹ Ủy thác Tín dụng xanh giới thiệu nguồn quỹ

Để giải đáp cho các vấn đề nêu ra trong buổi hội thảo, bà Nguyễn Lê Hằng – điều phối viên quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) đã giới thiệu đến các doanh nghiệp nguồn quỹ đầu tư của chính phủ thụy sỹ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Quỹ GCTF là nguồn vốn ưu đãi bảo lãnh tới 50% tổng giá trị đầu tư công nghệ cho các doanh nghiệp và trả thưởng tối đa tới 25% tổng giá trị đầu tư sau khi đầu tư công nghệ đạt các tiêu chí trả thưởng của quỹ. Đây là môt giải pháp rất hấp dẫn giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các công nghiệp hiện đại trong sản xuất, chế biến và xử lý nguồn thải, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp và hướng các doanh nghiệp tới phát triển bền vững.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Trong buổi hội thảo còn có các công ty chuyên nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới tiết kiệm năng lượng và giảm thải môi trường tham gia trình bày các công nghệ.

Buổi hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp và mong muốn chung của các bên tham gia hội thảo là hướng tới một nền nông nghiệp công nghiệp hóa áp dụng được các ứng dụng khoa học công nghệ mới nhất đồng thời xử lý thải tốt hơn giúp cho các doanh nghiệp tiến tới phát triển bền vững.

 

Admin GCTF – VNCPC

Tiết kiệm 70% điện năng nhờ biogas

Hơn 70% lượng điện tiêu thụ đã được Xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu (Từ Sơn – Bắc Ninh) tiết kiệm được nhờ mô hình khí sinh học (biogas). Bên cạnh đó, mô hình này cũng giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường một cách triệt để.

Hầm biogas phủ bạt vừa giúp tiết kiệm điện, vừa giúp giải quyết lượng chất thải lớn.

 

Ngành chăn nuôi và nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đang ngày một phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là chăn nuôi gia súc gia cầm. Đến nay toàn tỉnh Bắc Ninh có tổng số 384,9 nghìn con lợn, chủ yếu là nuôi theo hướng nạc, trong đó có nhiều khu chăn nuôi tập trung cỡ lớn, nhiều khu trang trại chăn nuôi hàng trăm đến hàng ngàn con lợn. Những trang trại này không những tiêu thụ nhiều điện năng mà hằng ngày còn thải ra môi trường một lượng chất thải vô cùng lớn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống bà con nhân dân.

Nằm ngoài cánh đồng thôn Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên (thị xã Từ Sơn), Xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu từ lâu đã được biết đến như một trang trại chăn nuôi lợn vào loại lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trang trại này có khoảng ba nghìn con lợn thịt và từ 300 – 400 con lợn giống, cung cấp một lượng thịt lớn cho người dân địa phương và các vùng lân cận.

Trước đây, để đủ điện chiếu sáng và làm mát cho lợn, mỗi tháng, trang trại mất khoảng 20 triệu đồng cho hệ thống quạt điện và đèn chiếu sáng lắp cho hai chuồng nuôi của trang trại. Bên cạnh mức chi phí khá cao đó, lượng chất thải từ hai chuồng nuôi lợn thải ra mỗi ngày còn khiến môi trường chung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Để giải quyết lượng chất thải này, trang trại phải đào một ao nước lớn để chứa chất thải, tuy nhiên, ao nước này cũng không thể giải quyết được mùi chất thải, đặc biệt trong những ngày oi nóng hoặc mưa to.

Nhằm tìm ra một giải pháp giải quyết lượng chất thải, đồng thời tạo ra một nguồn điện sạch, tiết kiệm chi phí cho trang trại, đầu năm 2013, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng và Sản xuất sạch hơn tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu xây dựng hệ thống biogas phủ bạt với thể tích bảy nghìn m3 cho khu vực nuôi lợn thịt. Theo ông Nguyễn Xuân Dũng – chuyên viên Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn Bắc Ninh, hệ thống này hoạt động theo nguyên tắc toàn bộ chất thải động vật được dẫn xuống bể biogas. Khí biogas sinh ra từ bể sau đó được dẫn qua hệ thống lọc để lọc hết tạp chất và mùi rồi đưa vào máy phát điện. Với khoảng 260 m3 khí biogas được sinh ra mỗi ngày, lượng điện từ hầm biogas này có khả năng cung cấp khoảng 70% nhu cầu điện cho toàn trang trại.

Chia sẻ về những lợi ích kinh tế mà hầm biogas mang lại, ông Nguyễn Hữu Ước – Quản lý trang trại cho biết, từ khi hầm biogas được đưa vào hoạt động (tháng 9-2013), cái lợi lớn nhất mà trang trại thu được là tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng/tháng tiền điện. Lượng điện sinh ra cũng rất đều và ổn định. Bên cạnh đó, tình trạng mùi chất thải đã hoàn toàn không còn, môi trường chung quanh khu chăn nuôi rất sạch sẽ. Đặc biệt, khu vực ao trước đây được đào để giải quyết lượng chất thải của trang trại đã được nạo vét và thả cá, mang lại thêm một nguồn lợi kinh tế lớn cho trang trại. Vì vậy, trang trại đang lên kế hoạch xây dựng thêm một hầm biogas với thể tích khoảng 200m3 cho khu vực chuồng nuôi lợn giống. Dự kiến, khi xây dựng xong hầm này, lượng điện sinh ra sẽ đủ phát cho toàn trang trại.

Với khoản đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng (trong đó trang trại đầu tư một tỷ đồng cho hầm biogas, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn Bắc Ninh đầu tư 400 triệu đồng cho máy phát điện), dự kiến, với lượng điện tiết kiệm được hằng tháng, trang trại mất khoảng sáu năm để thu hồi lại lượng vốn ban đầu. Bên cạnh đó, bã thải cuối cùng từ hầm biogas có thể được tận dụng để bón cây, nuôi cá, vừa ít bị dịch bệnh, vừa tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giúp nông dân có thể thâm canh.

Ông Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn Bắc Ninh khẳng định, mô hình biogas tại xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu là mô hình biogas quy mô trang trại được Trung tâm Tiết kiệm năng lượng xây dựng điểm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Với những hiệu quả lớn cả về kinh tế và môi trường đã được chứng minh, thời gian tới, Bắc Ninh sẽ nhân rộng mô hình này trên khắp địa bàn của tỉnh.

HÀ ANH- Môi Trường Online

 

 

 

Phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, chế biến gây ô nhiễm môi trường

 

Hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến bị kiểm tra đều phát hiện vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường như chưa đảm bảo về công tác xử lý nước thải, vệ sinh, cũng như bảo hộ an toàn cho người lao động trong quá trình sản xuất.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã công bố danh sách 7 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, có 3 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là Nhà máy chế biến cà phê, thuộc Công ty TNHH MTV Thương Phú; Nhà máy chế biến cà phê HTX bản địa Khe Sanh (đều thuộc huyện Hướng Hóa) và Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hải Lăng (huyện Hải Lăng). Qua kiểm tra, các cơ sở nói trên đều có các chỉ số gây ô nhiễm môi trường cao hơn nhiều lần so với quy định.

Gần đây, 4 cơ sở sản xuất, chế biến khác cũng bị phát hiện vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường như: Xưởng tái chế hạt nhựa, Công ty TNHH MTV Cường Anh; Nhà máy sản xuất giấy, thuộc Công ty cổ phần Bắc Trung Bộ; Nhà máy chế biến cao su, thuộc Công ty cổ phần cao su Trường Sơn (huyện Vĩnh Linh); Cơ sở tái chế bao bì, thuộc DNTN Anh Huy (TP Ðông Hà).

Ngày 5/11, ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Công thương, UBND huyện Vĩnh Linh đã có chuyến khảo sát thực địa kiểm tra đánh giá công tác xử lý môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến tại huyện Vĩnh Linh. Kết quả kiểm tra cho thấy, phần lớn các cơ sở chế biến ở đây vẫn chưa đảm bảo về công tác xử lý nước thải, vệ sinh môi trường cũng như bảo hộ an toàn cho người lao động trong quá trình sản xuất.

Tại Nhà máy sản xuất bao bì của Công ty TNHH MTV Cường Anh, địa điểm sản xuất Cụm công nghiệp Bắc Hồ Xá, lĩnh vực sản xuất chủ yếu là nhựa PP, PE. Hiện nhà máy đang nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhà máy đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, nhưng chưa thực hiện giám sát chất lượng môi trường theo đúng quy định.

Một cơ sở khác là Nhà máy giấy Bắc Trung Bộ, do Công ty Cổ phần Bắc Trung Bộ mua lại của Công ty TNHH Bắc Trung Bộ, chủ yếu sản xuất giấy bìa caton bị đoàn kiểm tra phát hiện hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu xử lý. Nhà máy cũng không thực hiện giám sát môi trường trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, Nhà máy chế biến mủ cao su Đức Hiền dù đã đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy này chưa hoàn thiện và chưa thực hiện giám sát môi trường theo đúng quy định.

Để tránh gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, và ô nhiễm môi trường tại các địa phương lân cận, ông Chính yêu cầu các cơ sở vi phạm nhanh chóng tiến hành các biện pháp khắc phục sự cố về môi trường, cũng như an toàn lao động cho công nhân đang làm việc, vận hành đúng quy trình xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường theo đúng cam kết. Bên cạnh đó, yêu cầu Sở TN&MT, Sở Công thương tiến hành kiểm tra và có biện pháp xử lý nếu các cơ sở trên tiếp tục vi phạm. Chậm nhất cuối tháng 3/2014 phải có chuyển biến về môi trường cũng như vệ sinh nhà máy.

Đăng Đức
(Theo dantri)

Loại cỏ giúp giảm khí nhà kính

 

​Một nhóm nhà khoa học thuộc hai viện nghiên cứu nông nghiệp của Nhật Bản và Colombia đã phát triển một loại cỏ brachiaria mới có khả năng giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do phân bón hóa học tạo ra.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Quốc tế Nhật Bản và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế Colombia đã tìm thấy loại cỏ brachiaria, có nguồn gốc từ châu Phi và được trồng tại Mỹ Latinh. Rễ của loại cỏ này tiết ra các chất có tác dụng ngăn chặn các thành phần trong phân hóa học chuyển hóa thành khí gây hiệu ứng nhà kính.
Phần lớn các loại phân bón nitơ được sử dụng rộng rãi hiện nay sau khi bón vào đất chuyển thành axít nitric – chất sau đó trở thành khí ôxít nitơ gây hiệu ứng nhà kính cao gấp 300 lần so với khí CO2. Ngoài ra, axít nitric còn dễ thấm qua đất, gây ô nhiễm nước ngầm, phá hoại hệ sinh thái của đại dương và sông ngòi. Các chất tiết ra từ rễ cỏ brachiaria có tác dụng ngăn chặn hoạt động của các vi sinh vật, nhờ đó giảm mạnh lượng khí ôxít nitơ do phân bón hóa học thải ra.
Ngoài tác dụng giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, loại cỏ này còn là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn so với các loại cỏ hiện nay trong chăn nuôi bò. Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu trồng loại cỏ nói trên tại Nam Mỹ.
Theo ông Guntur Subarao thuộc Trung tâm nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp quốc tế Nhật Bản, việc phát triển loại cỏ mới này sẽ là công nghệ quan trọng để tăng sản lượng nông nghiệp trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng tăng.
Theo TTXVN

Thu hồi đất hiếm từ nước thải

Nguyên tố đất hiếm rất cần thiết đối với việc chế tạo các thiết bị điện tử hiện đại như dạng các nam châm, chất xúc tác, chất siêu dẫn… Tuy nhiên vì hiếm nên chúng rất đắt tiền. Nhưng gần đây các nhà khoa học đã tìm được cách thu hồi đất hiếm từ nước thải công nghiệp.
Các nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Trung Quốc tìm thấy một chất liệu nano có tên nano-Mg(OH)2 có thể giúp loại bỏ một số kim loại và thuốc nhuộm từ nước thải.

Chất này còn có thể giúp thu hồi đất hiếm vốn rất loãng trong nước thải công nghiệp, với giá thành rẻ hơn nhiều so với khai thác đất hiếm từ lòng đất.
Việc nghiên cứu nano-Mg(OH)2 cho thấy chúng có thể được sản xuất dưới hình dạng những bông hoa đặc biệt. Việc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm mô phỏng thực tế cho thấy các hạt này có khả năng nắm bắt được 85% đất hiếm đã được pha cực loãng trong các mẫu nước. Sau đó điều chỉnh độ pH để tách nguyên tố đất hiếm khỏi nano-Mg(OH)2.
Tạp chí Gizmag dẫn lời nhóm nghiên cứu cho biết, việc tái chế nguyên tố đất hiếm từ nước thải không chỉ tiết kiệm tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.
Theo Thanh niên

Thêm 10 triệu Euro thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở VN

 

Giai đoạn II của Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan (IPP) sẽ được thực hiện với tổng kinh phí dự kiến khoảng 10 triệu Euro.
Tại cuộc họp báo Diễn đàn Đổi mới sáng tạo: Từ chiến lược đến thực hiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đánh giá cao sư hỗ rợ của Phần Lan trong việc triển khai IPP tại Việt Nam.

Theo ông Quân, IPP được ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang đi vào giai đoạn nước rút thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên có ý nghĩa rất quan trọng. Trong khuôn khổ giai đoạn I của IPP, có trên 300 đề án được đề xuất và đã có 60 dự án được chọn để hỗ trợ tập trung vào 4 hợp phần: phát triển năng lực thể chế; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các sáng kiến, dự án đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; hợp tác Việt Nam-Phần Lan.

Ông Quân kỳ vọng, giai đoạn II của IPP sẽ tạo ra những đột phá mới cho ngành khoa học công nghệ Việt Nam, tạo điều kiện gắn kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học cao…

Tại Việt Nam, IPP là chương trình ODA đầu tiên thí điểm hỗ trợ đối với hoạt động phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.Chương trình IPP là nỗ lực của hai Chính phủ Việt Nam- Phần Lan nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Giai đoạn I của IPP được thực hiện từ 2009-2013 với ngân sách hoạt động trên 7 triệu Euro (89% ngân sách do Phần Lan tài trợ) dưới sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Phần Lan. Giai đoạn II sẽ được bắt đầu từ năm 2014-2018. Tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn này khoảng 10 triệu Euro./.

Diễn ra từ 23-24/10, “Diễn đàn Đổi mới sáng tạo: Từ Chiến lược tới thực hiện” được xem là cầu nối để các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp hai nước xích lại gần và hiểu nhau hơn. Từ đó, mở ra các hợp tác mới trong tương lai giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, cũng như thắt chặt mối quan hệ hợp tác tốt đẹp Việt Nam- Phần Lan.
Tại Diễn đàn, các hoạt động như Hội thảo Ngày đổi mới và nhiều vấn đề khác được đặt ra tại chương trình thảo luận bàn tròn như: quản lý các chương trình quốc gia, các công cụ tài trợ đổi mới, thúc đẩy đổi mới trong khu vực, hợp tác giữa trường đại học-doanh nghiệp, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước…/.
Theo Vietnam+

Biến đổi khí hậu khiến toàn cầu mất 1/3 GDP vào 2025

Theo một nghiên cứu của Công ty tư vấn về giảm thiểu rủi ro Maplecroft của Anh, được công bố ngày 30/10, đến năm 2025, gần 1/3 tổng GDP toàn cầu, ước tính khoảng 44.000 tỷ USD, sẽ nằm ở các quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu, tăng 50% so với mức hiện nay.
Trong khi đó, phần lớn các quốc gia này hầu như chưa có sự chuẩn bị đúng mức để đối phó với nạn lũ lụt trầm trọng, bão lốc, hạn hán và nước biển dâng cao, hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nghiên cứu của Maplecroft đã đánh giá mức độ chịu tác động và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của 193 quốc gia trên thế giới. Theo đó, Bangladesh đứng dầu danh sách các nước chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu song năng lực ứng phó còn yếu kém. Tiếp theo là các nước ở châu Phi và châu Á.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng nằm trong danh sách 67 quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu với vị trí thứ 20 và 61.

Trong khi đó, Mỹ và phần lớn các quốc gia khu vực châu Âu nằm trong nhóm có nguy cơ trung bình và thấp, do các nước này có nguồn tài chính dồi dào hơn đầu tư vào lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu trên cũng được tiến hành đối với 50 thành phố trên thế giới. Kết quả, năm thành phố sẽ phải hứng chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu lần lượt là Dhaka của Bangladesh, Mumbai và Kolkota ở Ấn Độ, Manila của Philippines và Bangkok của Thái Lan, với tổng GDP dự đoán tăng từ 275 tỷ USD lên 804 tỷ USD vào năm 2025.

Nghiên cứu cho thấy các thành phố có khả năng tăng trưởng kinh tế nhanh nhất lại nằm trong số dễ bị tổn thương nhất. Chỉ có hai thành phố là Paris (Pháp) và London (Anh) nằm trong nhóm có nguy cơ thấp.

Hiện hơn 4,5 tỷ người, chiếm khoảng 64% dân số toàn cầu, đang sống tại các khu vực có nguy cơ cao chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhưng con số này có thể vượt qua mức 5 tỷ người vào năm 2025. Các khu vực sẽ chịu tác động lớn nhất là Đông và Nam Á, khu vực cận Sahara-châu Phi.

Liên hợp quốc đã đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong phạm vi 2 độ C so với mức ở giai đoạn tiền công nghiệp nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Biện pháp chủ yếu là thông qua việc giảm phát thải lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính do sử dụng các loại năng lượng có nguồn gốc hóa thạch và hoạt động giao thông vận tải tạo ra.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Maplecroft đánh giá mục tiêu này “ngày càng khó có khả năng đạt được,” do lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính không ngừng tăng lên.

Điều này có thể dẫn tới những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng như sự tuyệt chủng của các loài động thực vật, thiếu nước ngọt, mất mùa, mất đất sản xuất do nước biển dâng và dịch bệnh.

Nghiên cứu của Maplecroft cũng kêu gọi những cam kết lâu dài từ chính phủ các quốc gia đối với các nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu./.

Theo TTXVN