Đổi mới sản phẩm để giảm tác động đến môi trường
Ngày 29/5, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc UNEP, Tổ chức Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức Hội thảo xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về Đổi mới sản phẩm bền vững (SPIN).
Dự án Đổi mới sản phẩm bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình sản xuất đến môi trường và xã hội, nâng cao năng lực, đổi mới sản phẩm trong năm ngành chủ chốt: Dệt may, da giày, nội thất, thủ công mỹ nghệ và chế biến thực phẩm. Dự án được thực hiện trong 4 năm (2010 -2014) với sự tham gia của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, từ những kết quả bước đầu mà dự án SPIN đã thực hiện được trong thời gian qua như hỗ trợ xây dựng chiến lược sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất và thiết kế sản phẩm đã khẳng định tiềm năng và hiệu quả trong việc tạo ra các sản phẩm bền vững có chất lượng cao, an toàn với môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Việc thảo luận đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch quốc gia về đổi mới sản phẩm bền vững cần có nội dung thiết thực và có tính khả thi cao, tạo điều kiện cho việc phát triển rộng rãi về đổi mới sản phẩm bền vững đối với mọi ngành sản xuất.
Theo Tiến sĩ Stefanos Fotiou, đại diện Chương trình Liên hợp quốc tại châu Á, khi tham gia dự án, các doanh nghiệp sẽ được các chuyên gia hàng đầu trong nước và nước ngoài hỗ trợ thiết kế và phát triển sản phẩm bền vững, hỗ trợ về marketing sản phẩm đồng thời đào tạo nâng cao năng lực về đổi mới sản phẩm bền vững.
Các nhà thiết kế, tư vấn, cung cấp dịch vụ liên quan đến phát triển sản phẩm được đào tạo nâng cao năng lực và trao đổi chuyên môn về đổi mới sản phẩm bền vững. Các hiệp hội, cơ quan, tổ chức nhà nước và xã hội được cung cấp các thông tin về tiềm năng áp dụng thiết kế sản phẩm bền vững để hỗ trợ sự phát triển công nghiệp và xuất khẩu của quốc gia…/.
Theo TTXVN