Đầu tư xây dựng nhà máy tinh chế dầu và tái chế dầu thải tại Việt Nam
Được biết, dự án này sẽ tạo ra một hệ thống hoạt động hiệu quả cho việc ngăn chặn dầu thải ra môi trường – một lĩnh vực mà hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm để xử lý.
Tại buổi làm việc, ông Plamen Bobotov cho biết, ông có ý định sẽ xây dựng nhà máy tinh chế và tái chế dầu thải trên diện tích khoảng 30.000 m2. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ thu gom 40.000 thùng dầu (gần bằng 20% tổng số doanh số của dầu nhờn sử dụng được ngay tại thị trường Việt Nam), giai đoạn 2 sẽ thu gom 80.000 thùng, sản xuất 310.000 thùng mỗi năm. Với mục tiêu ngăn chặn dầu thải ra môi trường, dự án được thực thi sẽ giúp hoàn thành thực hiện định hướng của liên minh Châu Âu cho việc tận dụng rác thải có nguy hại đến môi trường và giữ gìn môi trường trong sạch. Bên cạnh đó, còn cải thiện được hình ảnh của Việt Nam đối với quốc tế trong lĩnh vực thu hút đầu tư công nghệ cao để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Trao đổi với ông Plamen Bobotov, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đánh giá, Dự án Đầu tư và xây dựng nhà máy tinh chế và tái chế dầu thải công nghiệp tại Việt Nam do Công ty PRISTA Oil đề xuất có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm thiểu những tác động bất lợi đối với môi trường do dầu thải gây ra. Theo quy định của Việt Nam, tái chế dầu thải được coi là hoạt động xử lý chất thải nguy hại và phải được cấp phép hành nghề. Do vậy, hoạt động đầu tư xây dựng nhà máy tái chế dầu thải phải tuân thủ quy định về đầu tư nói chung và quy định về quản lý chất thải nguy hại, trong đó cần lưu ý đến việc đăng ký đầu tư, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ TN&MT phê duyệt, lập hồ sơ và trình Tổng cục Môi trường xem xét, cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại.
Thứ trưởng cho rằng, việc thu gom tối thiểu để nhà máy hoạt động hiệu quả khó có thể thực hiện trong tình hình thực tế tại Việt Nam. Để đầu tư có hiệu quả đồng thời về mặt môi trường và kinh tế, Công ty nên cân nhắc việc đầu tư xây dựng nhà máy có khả năng xử lý, tái chế nhiều loại chất thải khác nhau, tránh rủi ro về mặt kinh tế và phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay.
Theo Bộ TN&MT