ĐỒNG HÀNH CÙNG KINH TẾ XANH – BẠN CÓ THỂ?
Chứng kiến bài diễn thuyết 6 phút của Severn Suzuki, cô bé 13 tuổi đại diện cho ECO tổ chức Trẻ em vì môi trường Canada, cả thế giới đã phải xúc động: “Cháu đã luôn mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm và rừng mưa nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng giờ cháu lại tự hỏi, liệu con cái chúng cháu sau này còn có cơ hội được thấy chúng nữa không?…”. Những thế hệ đi trước đã làm gì để một cô bé 13 tuổi phải lên tiếng đấu tranh cho tương lai của chính mình, cho các thế hệ mai sau và cho hàng triệu triệu động thực vật đang chết dần?
Trong vài thập kỷ qua, nhân loại đã từng hân hoan đón nhận những thành tựu khoa học kỹ thuật, để từ đó mở ra một cuộc sống hiện đại, sang trọng và đầy đủ tiện nghi hơn. Nhưng, cũng chính do sự phát triển quá nhanh của khoa học kỹ thuật, cộng thêm sự gia tăng chóng mặt của dân số thế giới đã đặt loài người trước những khủng hoảng môi trường. Đó chính là Cái giá phải trả chưa được tínhcủa những chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển thiếu bền vững.
Những bài học đắt giá của nhân loại vì sự phát triển không bền vững đã khởi nguồn cho các ý tưởng đầu tiên như: “Ngừng tăng trưởng”, “Giới hạn của sự tăng trưởng”, “Tăng trưởng tôn trọng môi sinh”… Tuy nhiên, phải đến năm 1987, khái niệm phát triển bền vững mới được phổ biến rộng rãi: Theo Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (WCED): “Phát triển bền vững là sự sử dụng tài nguyên thiên nhiên, điều kiện môi trường hiện có để thoả mãn nhu cầu của các thế hệ con người đang sống, nhưng phải đảm bảo cho các thế hệ tương lai những điều kiện tài nguyên và môi trường cần thiết để họ có thể sống tốt hơn ngày hôm nay”
Trên thực tế, việc thiết lập được 2 nền tảng công bằng nói trên vẫn là một bài toán khó. Quá trình sản xuất, vận hành những phương tiện, tiện nghi hiện đại thường phát sinh lượng chất thải lớn. Tủ lạnh, máy điều hoà nhiệt độ, xe ôtô… khi vận hành sẽ thải ra các loại khí thải độc hại với sức khoẻ con người, gây biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học như CFC, CO2, NOx, SO2…
Vấn đề là lợi nhuận thu được sẽ chỉ đến tay nhà sản xuất, quyền hưởng thụ phần lớn chỉ dành cho những người giàu, nhưng những ảnh hưởng của nó thì tác động tiêu cực đến toàn xã hội.
Để khắc phục tình trạng này, nguyên tắc“Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “Người được hưởng lợi về môi trường phải trả tiền” đã được ra đời,song việc áp dụng còn chiếu lệ, chồng chéo nên làm thế nào để có thể đạt đượcsự công bằng trong cùng một thế hệ vẫn là một bài toán chưa có lời giải.
Thiết lập được sự công bằng trong cùng một thế hệ đã rất khó khăn, thiết lập được mục tiêu công bằng giữa các thế hệ lại càng khó khăn hơn rất nhiều, đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả mọi người, mọi tổ chức trên Trái đất này. Cái giá phải trả cho sự phát triển không bền vững là bao nhiêu, chưa ai có thể lường trước được: “Liệu những thế hệ mai sau có phải trả giá đắt cho những lợi ích thu được hôm nay, nếu chẳng may con đường phát triển đó là không bền vững?”.
Câu hỏi này thực sự làm chúng ta trăn trở và lo lắng cho cuộc sống và số phận của những thế hệ tương lai. Bởi, trong bất kể hoàn cảnh nào, trẻ em – tương lai của thế giới, luôn là đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất do những tác động tiêu cực của con người tới môi trường. “Giờ tôi sợ phải bước đi dưới ánh mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng ozon. Tôi sợ phải hít thở vì không biết không khí đang chứa những hoá chất nào”.
Vẫn biết, rau quả chứa nhiều vitamin tốt cho sức khoẻ, đặc biệt cá tươi rất có lợi cho sự phát triển trí tuệ trẻ em… nhưng chẳng ai có thể chắc chắn rằng, những miếng thịt, con cá, mớ rau hay những quả nho, quả táo chín mọng đang bày bán trên thị trường kia lại không chứa hoá chất độc hại hay hormon kích thích tăng trưởng… gây các bệnh về gan, thận, biến đổi gene hoặc ung thư… Việc sản xuất để thu lợi nhuận bằng mọi cách mà không quan tâm đến những tác hại đối với người tiêu dùng đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Ngày nào, tình trạng này còn tái diễn thì tính mạng của con người, đặc biệt là trẻ em sẽ còn bị đe doạ.
Trong mỗi chúng ta, chắc hẳn tháng ngày ấu thơ vẫn mãi là những kỷ niệm lung linh, trong vắt và không thể nào quên. Đó là những tháng ngày được chơi trốn tìm trong khu vườn rợp bóng cây, là những buổi trốn mẹ ngủ trưa đi hái roi, hái ổi, là những buổi chiều cùng lũ bạn thi nhau vẫy vùng trong lòng hồ sau nhà…. Những kỷ niệm êm đềm ấy luôn gắn liền với màu xanh ngắt của rặng tre, bờ ao, ruộng lúa hay những khu vườn chín mọng trái thơm… Lũ trẻ thành phố bây giờ biết tìm đâu ra khu vườn đầy cây trái để chơi trò bịt mắt bắt dê, đánh khăng, đánh đáo khi khu vườn của ngày xưa ấy đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng nằm san sát? Chúng sẽ chẳng có những giây phút hò nhau hái những trái táo, quả dâu hay những chùm khế chín vàng, sai trĩu trong vườn nhà. Cái hồ nước trong vắt đằng sau nhà với những kỷ niệm tuổi thơ nay đã mặc nhiên bị lấn chiếm và trở thành một điểm đổ rác lý tưởng của nhiều gia đình. Người ta có thể vứt bỏ tất cả những gì có thể từ đất, đá, rác rưởi… cho đến xác động vật chết khiến nước hồ từ màu xanh thơ mộng chuyển sang màu xanh đen, đục ngầu, nổi đầy váng và tảo.
Không dừng lại ở vấn đề môi trường, những hệ luỵ của nó còn kéo theo những bất ổn về xã hội. Việc tiếp cận với các điều kiện tài nguyên, môi trường thiếu bình đẳng sẽ càng làm cho những mâu thuẫn vốn có trong xã hội trở nên gay gắt hơn, đó là sự tranh chấp về tài nguyên thiên nhiên, an ninh lương thực, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, mâu thuẫn giữa quyền lợi của khu vực với quốc gia, với thế giới….
Khủng hoảng về môi trường, xã hội tất yếu dẫn đến kết cục không thể tránh khỏi, đó là khủng hoảng về kinh tế. Năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu xảy ra đồng thời với khủng hoảng về khí hậu, môi trường… đã khiến cho cả thế giới phải điêu đứng, tìm ra cách thức chuyển dịch mô hình tăng trưởng cho những giai đoạn phát triển tiếp theo. Uỷ ban Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã phối hợp với các quốc gia triển khai sáng kiến “Kinh tế xanh” (Green Economy).
Theo UNEP, Kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người, cải thiện công bằng xã hội, giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Kinh tế xanh lấy con người làm trung tâm, trong đó ưu tiên việc sử dụng nguồn vốn tự nhiên đi kèm với các biện pháp cải tạo và phục hồi, hạn chế phát thải ở mức thấp nhất, ngăn chặn sự tổn thương các hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, đồng thời đạt được các mục tiêu công bằng về phúc lợi xã hội, việc làm, thu nhập, quan tâm đến nhóm người nghèo, trẻ em… Do vậy, kinh tế xanh được coi là chìa khóa của phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trở ngại của phát triển bền vững không phải là khoa học, công nghệ mà đó là chính sách, chiến lược và quan trọng hơn cả đó là thói quen của cá nhân và cộng đồng.
Việt Nam là nước có mức độ tiêu thụ năng lượng và tài nguyên ở mức cao khiến cho tình trạng suy thoái môi trường ngày càng nghiêm trọng. Trước những thách thức với môi trường và xã hội, việc lựa chọn mô hình phát triển Kinh tế xanh là một tất yếu. Mặc dù mới được tiếp cận, song hướng đến Kinh tế xanh của Việt Nam đã được triển khai bằng chương trình hành động cụ thể. Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050, tập trung vào 3 mục tiêu chính: Giảm phát thải nhà kính; Xanh hóa sản xuất và Xanh hóa tiêu dùng
Một loạt hành động hưởng ứng cho “Sản xuất sạch” và “Tiêu dùng xanh” như diễn đàn “Kinh tế Xanh hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường”; giải thưởng “Doanh nghiệp xanh”; chiến dịch “Tiêu dùng xanh”, “Sử dụng sản phẩm xanh vì sức khỏe của chính bạn”; các cuộc thi “Ý tưởng xanh”, “Sáng kiến xanh”; “Phong cách xanh” hay phong trào “Văn phòng xanh”… đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về kinh tế xanh. Đặc biệt, sáng kiến “Go Green” phát trên VTV3, “24h Sống xanh” phát trên VTV1 đã thu hút được sự chú ý của nhiều tổ chức và cá nhân đặc biệt là giới trẻ, mang lại những hiệu quả đáng kể.
Trên thực tế, nếu quá trình phát triển kinh tế có tính đến những biện pháp phục hồi các nguồn tài nguyên, đến việc tái chế, tái sử dụng sản phẩm thải loại, nếu mỗi cá nhân có thói quen sinh thái trong tiêu dùng thì có thể thế giới đã không phải trải qua cuộc khủng hoảng năm 2008, Việt Nam sẽ không có con số đáng lo ngại với 37 làng ung thư, và chắc hẳn hệ thống ao, hồ đã không bị ô nhiễm như bây giờ. Còn nữa, nếu quá trình xây dựng những ngôi nhà cao tầng không quá ồ ạt và có tính đến diện tích cây xanh thì trẻ em đâu phải hít thở bầu không khí ô nhiễm như hiện nay, chắc chắn chúng sẽ được chơi đánh chắt, đánh chuyền trong một không gian đầy sắc màu của tuổi thơ, thay vì việc ngồi hàng giờ trước máy vi tính.
Kinh tế xanh hay phát triển bền vững không phải là vấn đề gì quá to tát,mỗi người sống trên Trái đất này đều có thể tham gia vào hành trình làm xanh hoá nền kinh tế để hướng đến các mục tiêu của phát triển bền vững.
Có thể không trực tiếp tham gia vào sản xuất, nhưng mỗi người lại trực tiếp lựa chọn và tiêu dùng hàng hoá. Mỗi sự lựa chọn của người tiêu dùng đều có tác động nhất định, tạo nên động lực hay áp lực cho hoạt động sản xuất. Lấy một ví dụ đơn giản, nếu chúng ta lắc đầu trước những món ăn được chế biến từ thú rừng thì có thể một loài nào đó trên Trái đất này sẽ không bị xoá tên trong sách đỏ; nếu bạn từ chối lựa chọn một sản phẩm không được sản xuất theo công nghệ thân thiện với môi trường thì chắc chắn ở đâu đó một dòng sông có thể được sống dậy để cuộn mình chảy ra biển lớn… Tất cả những việc làm đó sẽ dần góp phần lấy lại sự cân bằng của hệ sinh thái.
Mỗi chúng ta hãy trở thành “người tiêu dùng xanh”, sử dụng những “sản phẩm xanh”, những việc làm rất đơn giản trong cuộc sống được bắt nguồn từ tình yêu thương với thiên nhiên và môi trường đã sẵn có trong trái tim mỗi người. Hơn nữa, đó còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với con cái và thế hệ tương lai. Bởi lẽ, “Chúng ta không thừa hưởng Trái đất này từ cha mẹ chúng ta mà vay mượn nó từ con cháu chúng ta”.
Theo Đồng Xuân Hùng – Tin nhanh online