Việt Nam cần “đi trước đón đầu” về quy hoạch đô thị để giảm ô nhiễm

“Việt Nam có 2 thành phố rất đẹp đó là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trên đường của hai thành phố này hiện nay đã tràn ngập xe hơi. Thực tế này đang gây ra những tác động xấu đối với môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường không khí với lượng phát thải carbon cao.”

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vấn đề nêu trên, Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu của Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ngài David King cho rằng nếu Việt Nam không “đi trước đón đầu” về quy hoạch đô thị, thì trong tương gần rất có thể vấn đề xe hơi đường phố nó còn tồi tệ hơn.

Việt Nam cần đi trước đón đầu về quy hoạch đô thị để góp phần giảm ô nhiễm, ách tắc giao thông. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam cần đi trước đón đầu về quy hoạch đô thị để góp phần giảm ô nhiễm, ách tắc giao thông. (Ảnh: TTXVN)

– Hiện nay, biến đổi khí hậu đang ngày diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khó lường, là Đặc phái viên của Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Anh phụ trách về vấn đề biến đổi khí hậu, ngài đánh giá như thế nào về “mối lo” của toàn cầu này?

Ngài David King: Biến đổi khí hậu có nguy cơ mang đến nhiều thảm họa cho xã hội, nền kinh tế và môi trường. Theo quan điểm của cá nhân tôi, biến đổi khí hậu hiện đang là một trong những thách thức mà ngoại giao chưa thực sự giải quyết được. Vấn đề đặt ra là, nếu chúng ta cứ tiếp tục phá rừng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì chúng ta sẽ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường.

Xuất phát từ mối lo trên, hiện nay, Chính phủ Anh đang có những nỗ lực rất lớn ở cả hai mặt trận đó là chính sách đối nội và chính sách đối ngoại để giải quyết thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu.

Trong chính sách đối nội, Vương quốc Anh đã có những giải pháp rất cụ thể. Năm 2008, chúng tôi đã thành lập Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu, đây được coi là nỗ lực kết nối các Chính phủ với nhau về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, chúng tôi đã giảm 29% khí phát thải nhà kính so với mức phát thải của năm 1990. Mục tiêu chúng tôi đưa ra đến năm 2028 là giảm 52%, đến năm 2050 sẽ giảm 80%.

Về chính sách năng lượng, chúng tôi đã sử dụng công cụ định hướng xây dựng và thực thi chính sách liên quan biến đổi khí hậu đến năm 2050. Cho đến nay, công cụ này đã được 12 quốc gia trên thế giới sử dụng, phục vụ cho việc thực thi chính sách, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phát triển.

Chúng tôi cũng đang chia sẻ kinh nghiệm với nhiều quốc gia trên thế giới để chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phát thải carbon cao đến mô hình tăng trưởng carbon thấp đồng thời phối hợp với các quốc gia có rừng để tránh tình trạng phá rừng.

Việt Nam cần “đi trước đón đầu” trong quy hoạch đô thị

– Đối với Việt Nam, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, ngài có khuyến nghị gì để có thể giúp Việt Nam tránh khỏi những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra?

Ngài David King: Việt Nam là quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nguy cơ về lũ lụt. Do đó, Việt Nam cần phải có một chính sách rõ ràng để có thể giảm thiểu được những tác động của biến đổi khí hậu.

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là rất cao, Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, và trong tương lai có thể sẽ trở thành quốc gia phát triển. Tuy nhiên, thực tế này cũng đang đặt ra nhiều mối quan ngại về môi trường.

Theo tôi, nếu Việt Nam đưa ra quyết định đúng đắn theo hướng tăng trưởng carbon thấp ngay trong giai đoạn này, thì có thể tránh được cái bẫy phát triển dựa trên phát thải nhiều carbon hoặc là carbon cao. Việc giảm phát thải carbon này cũng có thể mang lại cho Việt Nam được lợi ích kinh tế ngay lập tức.

Cụ thể, tại các thôn nghèo ở vùng sâu vùng xa của Việt Nam, hiện tại người dân có thể chưa tiếp cận được điện, nhưng khi triển khai chương trình năng lượng tái tạo thì có thể giúp họ tiếp cận được điện với chi phí rẻ gấp 3 lần so với việc mở rộng mạng lưới điện.

Mật độ xe hơi dày đặc tại Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Mật độ xe hơi dày đặc tại Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Việc thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là, Việt Nam cần phải quy hoạch đô thị sớm, đi trước đón đầu để tránh những cái bẫy có thể xảy ra. Như chúng ta biết, Việt Nam có 2 thành phố rất đẹp đó là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trên đường phố của 2 đô thị này hiện nay đã ngập xe hơi rồi.

Vấn đặt ra là, hiện nay tầng lớp trung lưu cũng ngày càng gia tăng, điều này có nghĩa là họ sẽ mong muốn có thêm xe hơi trong tương lai. Do vậy, nếu Việt Nam không có kế hoạch “đi trước đón đầu” về quy hoạch đô thị, thì trong tương gần rất có thể vấn đề xe hơi đường phố nó còn tồi tệ hơn.

Cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, việc xây dựng đô thị phải xác định là cho con người chứ không phải là cho xe hơi. Do đó, Việt Nam cần phải quy hoạch đô thị làm sao có thể “cõng” được khối lượng lớn phương tiện lớn, giúp người dân có thể đi lại được dễ dàng.

Loại bỏ dần xe hơi sử dụng nhiên liệu lỏng, thay bằng xe điện

– Bên cạnh những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hiện nay môi trường không khí tại các đô thị của Việt Nam cũng đang bị ô nhiễm nặng nề. Với kinh nghiệm từ Vương quốc Anh, ngài có khuyến nghị gì để có thể giúp Việt Nam “giải bài toán” ô nhiễm không khí này?

Ngài David King: Sở dĩ môi trường không khí bị ô nhiễm như vậy là do sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than và dầu điezen, đăc biệt là dầu điezen cho phương tiên xe hơi và các phương tiện giao thông khác.

Ở đây tôi kiến nghị 2 giải pháp. Thứ nhất là Việt Nam nên ngừng sử dụng than để phát điện. Giải pháp thứ hai là Việt Nam nên khuyến khích người dân chuyển đổi xe hơi sử dụng nhiên liệu lỏng hiện nay sang nhiên liệu sạch đó là xe điện.

Nếu Việt Nam có thể loại bỏ dần xe hơi ra khỏi khu vực đô thị, thay vào đó bằng hệ thống phương tiện giao thông công cộng như xe điện, tàu hỏa, tàu điện ngầm thì các bạn sẽ giải quyết được 2 vấn đề quan trọng, đó là giảm ùn tắc giao thông và loại bỏ được ô nhiễm môi trường, không khí…

Xin chân thành cảm ơn ngài.

Theo Hùng Võ/VietnamPlus